VIÊM TỤY MẠN

VIÊM TỤY MẠN

 

ĐẠI CƯƠNG:

–  Là tình trạng chức năng tụy bị suy giảm kéo dài do tổn thương nhu mô tụy hay ống tụy.

–  Khoảng 70-90% nguyên nhân viêm tụy mạn do rượu.

CHẨN ĐOÁN:

1. Chẩn đoán lâm sàng:

–  Đau bụng vùng tụy (trên rốn bên trái, lan phía lưng bên trái), tăng lên sau khi ăn haysau khi uống rượu.

–  Đau xuất hiện nhiều trong những năm đầu tiên, sau đó giảm dần khi ngưng rượu ở bệnh nhân nghiện rượu.

–  Gầy, sụt cân, tiêu chảy phân mỡ.

–  Vàng da, sốt.

–  Bệnh cảnh đợt cấp của viêm tụy mạn.

–  Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy: đái tháo đường, xơ gan (sau 10 năm viêm tụy mạn), sỏi tụy, xơ hóa tụy, vôi hóa tụy, nang giả tụy.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng:

–  Xét nghiệm máu: Tổng phân tích tế bào máu, Glycemie, creatinin, AST, ALT, GGT, LDH, ion đồ, CRP, Protein máu, albumin máu, bilan mỡ máu, glucose, HbA1c.

–  Định lượng men tụy : amylase (máu, niệu), lipase.

–  Hình ảnh chẩn đoán:

+ XQ bụng đứng không sửa soạn.

+ Siêu âm bụng.

+ CT Scan bụng, MRI (nếu cần).

3. Chẩn đoán phân biệt:

–  Hội chứng kém hấp thu

–  Ung thư tụy

ĐIỀU TRỊ:

1. Nguyên tắc:

–  Điều trị giảm đau: trong giai đoạn đầu.

–  Điều trị đợt cấp của viêm tụy mạn giống như điều trị viêm tụy cấp.

–  Điều trị các biến chứng.

–  Điều trị suy tụy ngoại tiết, nội tiết.

2. Điều trị nội khoa viêm tụy mạn:

2.1. Giảm đau:

–  Ngưng rượu.

–  Chế độ ăn:

+ Đảm bảo 2500 – 3000 kcal/ngày.

+ Chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh tụy hoạt động nhiều.

+ Chất béo 60-70g/ngày (chủ yếu chất béo thực vật).

+ Chất đạm 60-120g/ngày.

+ Chất bột đường 300-400g/ngày.

+ Ăn nhiều bữa hạn chế mỡ và protein.

+ Ăn thức ăn giàu vitamin tan trong dầu, sắt, vitamin B12, acid folic. 

–  Thuốc giảm đau:

+ Aspirin 2-3g/ngày (viên có bọc đường) hoặc:

+ Acetaminophen 2-3g/ngày.

2.2. Giảm co thắt:

–  N-butyl  hyoscine (Buscopan): 20mg x 3 lần/ngày IV/IM.

–  Tiemonium methyl sulfate (Visceralgine): 25mg x 3 lần/ngày IV/IM.

–  Alverine (No-spa 40mg): 1 ống x 3 lần/ngày IV/IM.

2.3. Giảm tiết: dùng 1 trong các nhóm sau:

–  Anti H2:

+ Cimetidine 200mg x 2-3 lần/ngày IV/IM.

+ Ranitidin 50mg x 2-3 lần/ngày IV/IM.

–  Ức chế bơm proton: omeprazol 40mg x 1-2 lần/ngày IV/IM

Và/hoặc dùng thêm:

+ Octreotide: somatostatin 100 mcg x 3 lần/ngày IV/SC.

+ Metochlopramide: 10-20mg x 2-3 lần/ngày IV/IM.

2.4. Điều trị suy tụy ngoại tiết:

–  Chế độ ăn giảm lipit.

–  Phối hợp thuốc kháng acid, chống tiết.

–  Pancreatin: 1-2 viên uống trong bữa ăn.

–  Men tụy (Pancrease 1-3 viên uống trong bữa ăn) + thuốc chống tiết acid dạ dày (antiH2 hoặc PPI).

2.5. Điều trị suy tụy nội tiết:

–  Dựa theo xét nghiệm đường trong máu vì đảo Langhans bị phá hủy không đủ tiết insulin.

–  Điều trị bằng insulin. điều trị dò liều theo nồng độ đường huyết

3. Điều trị can thiệp

– Giảm đau: diệt hạch giao cảm qua nội soi.

– Nang giả tụy: chỉ định chọc hút, dẫn lưu qua da hay dẫn lưu qua dạ dày. Phẫu thuật khi điều trị nội khoa thất bại.

– Trong những trường hợp tắc nghẽn ống tụy

+ Nội soi mật tụy ngược dòng: đặt stent khi ống tụy hẹp,  lấy sỏi tụy.

+ Phẫu thuật: khi không có điều kiện nội soi mật tụy ngược dòng, hay thất bại: chỉ định: nối thông ống tụy – hỗng tràng, lấy sỏi tụy. Những trường hợp bệnh tiến triển cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tụy có thể được cân nhắc như là phương pháp điều trị cuối cùng. Chi định khi có sỏi tụy,  hẹp ống tụy.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *