VIÊM KẾT MẠC DỊ ỨNG CẤP TÍNH
I. ĐẠI CƯƠNG
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính là hình thái dị ứng nhanh của viêm kết mạc dị ứng khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên.
II. NGUYÊN NHÂN
Dị nguyên thường là các mỹ phẩm lạ, thuốc tra mắt, hóa chất, bụi, phấn hoa,….
III. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
– Triệu chứng xảy ra rất cấp tính.
– Triệu chứng cơ năng: bệnh nhân có cảm giác bỏng rát trong mắt, ngứa mắt, đau, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhiều khi không mở được mắt.
– Dấu hiệu thực thể: mi sưng nề, mọng đỏ, kết mạc cương tụ, phù nề mọng nước, chảy nhiều dịch, tiết tố nhầy, phát triển nhú to trên kết mạc sụn mi, đôi khi xuất hiện viêm giác mạc chấm.
2. Cận lâm sàng: Xét nghiệm tìm dị nguyên khi có điều kiện.
3. Chẩn đoán xác định
Lâm sàng:
– Ngứa mắt, đau, bỏng rát, sợ ánh sáng, chảy nước mắt
– Mi kết mạc phù nề, tiết tố nhầy, nhú viêm trên kết mạc sụn mi.
4. Chẩn đoán phân biệt:
Viêm kết mạc cấp: không có tiền sử tiếp xúc dị nguyên, kết mạc cương tụ nhưng không phù nề nhiều như dị ứng, nhiều tiết tố nhầy…
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
– Ngừng tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng (nếu xác định được)
– Chống dị ứng tại chỗ và toàn thân.
– Tra tại chỗ: chống viêm, chống dị ứng
– Toàn thân: chống dị ứng, chống phù (nếu cần)
2. Điều trị cụ thể
– Việc đầu tiên là phải loại trừ tác nhân gây dị ứng bằng rửa mắt bằng dung dịch như nước muối sinh lý.
– Dùng thuốc:
Thuốc tra:
– Corticosteroid: prednisolon acetate 1%, fluorometholone 0,1% 6-8 lần/ngày, trong vài ngày đầu, sau đó bệnh giảm có thể tra rút xuống 3-4 lần/ngày và dừng khi các triệu chứng khỏi hẳn.
– Nếu da mi phù, đỏ ngứa: bôi da mi mỡ có corticoid: mỡ hydrocortison 1%….bôi da mi 3 lần/ ngày
Thuốc uống:
– Thuốc kháng histamin: có thể dùng 1 trong các loại thuốc chống dị ứng như: loratadine, fexofenadine hydrochloride.
+ Loratadine 10mg: Người lớn, trẻ em ≥ 12 tuổi: 1 viên/ngày. Trẻ em 6-12 tuổi ≥ 30kg: 1 viên/ngày. Trẻ em 6-12 tuổi ≤ 30kg: 1/2 viên/ngày
+ Fexofenadine hydrochloride: người lớn, trẻ em ≥ 12 tuổi: 60mg/viên x 2 lần/ngày hoặc 120mg-180mg/ 1 lần/ngày.
– Trong những trường hợp có kèm theo triệu chứng toàn thân nặng cần phối hợp hoặc chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa dị ứng.
V. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
– Bệnh thường khỏi sau vài ngày.
– Bệnh có thể tái phát khi bệnh nhân lại tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.
VI. PHÒNG BỆNH
Tránh tiếp xúc với dị nguyên nếu xác định được tác nhân gây dị ứng.