SÁN LÁ PHỔI

SÁN LÁ PHỔI

 

ĐẠI CƯƠNG

Các nước Đông Nam châu á chịu ảnh hưởng nhiều nhất do thói quen ăn thực phẩm sống như ăn cua, tôm không được đun chín mang ký sinh trùng sán lá phổi. Người ta ước tính rằng tại Châu Á có khoảng 80% loài cua nước ngọt bị nhiễm loại ký sinh trùng này.

CHẨN ĐOÁN

1. Triệu chứng lâm sàng:

Triệu chứng phụ thuộc giai đoạn của bệnh:

– Sau khi nhiễm ấu trùng sán, bệnh nhân có thể xuất hiện đau bụng, ỉa chảy.

– Giai đoạn ấu trùng sán qua cơ hoành lên phổi: bệnh nhân có thể có tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi.

– Giai đoạn mạn tính, sán cư trú ở nhu mô phổi, và đường thở dưới dạng nang, khi vỡ vào đường thở sẽ gây các triệu chứng:

+ Ho kéo dài: Gặp ở 62-100% bệnh nhân.

+ Ho máu: Gặp ở 61-95%, thường chỉ ho đờm lẫn dây máu, hiếm khi xuất hiện ho máu nặng.

+ Đau ngực: 38-94%.

+ Một số bệnh nhân có thể có tràn dịch màng phổi, và có thể gây khó thở.

+ Khám phổi: Có thể thấy ran nổ nhỏ hạt.

– Cần lưu ý: Do bệnh mạn tính, khó chẩn đoán, nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm là lao phổi; tuy nhiên cũng có bệnh nhân cùng mắc cả lao phổi và sán lá phổi.

2. Chẩn đoán xác định:

Cần lưu ý chẩn đoán sán lá phổi ở những bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp mạn tính, kèm theo các yếu tố sau:

-Tiền sử có ăn cá, cua chưa được nấu chín; đặc biệt khi ăn ở dạng tươi sống. Phân lập được trứng sán lá phổi trong đờm hoặc phân. Do khó tìm được trứng sán lá phổi trong một lần, nên cần thực hiện xét nghiệm đờm nhiều lần.

-Xét nghiệm ELISA máu dương tính với sán lá phổi có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

-Một số kết quả xét nghiệm khác như: Tăng bạch cầu ái toan, tăng IgE máu ngoại vi.

-X-quang và cắt lớp vi tính phổi: Không có tổn thương đặc trưng, có thể gặp các dạng tổn thương: nốt mờ, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, mờ khoảng kẽ, hang, kén hình nhẫn giống giãn phế quản.

3. Chẩn đoán phân biệt:

Lao phổi: Là bệnh lý dễ nhầm nhất do bệnh tiến triển mạn tính, một số trường hợp sán lá phổi có tổn thương dạng hang. Việc chẩn đoán phân biệt thường dựa vào yếu tố dịch tễ, tình trạng tăng bạch cầu ái toan máu ngoại vi, ELISA máu dương tính với sán lá phổi. Một số trường hợp cần tiến hành nội soi phế quản sinh thiết phổi xuyên thành ngực. Cần lưu ý, có một số bệnh nhân có thể đồng thời mắc cả lao và sán lá phổi.

– Ung thư phổi: Bệnh nhân thường có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, gầy sút cân. Chẩn đoán phân biệt dựa vào việc tìm thấy hình ảnh tế bào ung thư trong bệnh phẩm lấy từ u phổi, hạch thượng đòn hoặc dịch màng phổi.

Các trường hợp ho ra máu khác như: nấm phổi, giãn phế quản, bệnh phổi biệt lập.

-Một số bệnh lý khác có thể gây chẩn đoán nhầm: Hội chứng Loeffler, Coccidioidomycosis , Histoplasma, Nocardia.

ĐIỀU TRỊ

Các thuốc điều trị có thể sử dụng một trong các loại sau đây:

1. Praziquantel:

+ Viên 600 mg, là thuốc điều trị sán phổi tốt nhất hiện nay. Liều dùng 25mg/kg x 3 lần/ngày x 3 ngày. Đối với phụ nữ đang cho con bú phải ngừng cho con bú trong vòng 72h sau khi uống thuốc này.

+ Tác dụng phụ: Sốt, đau đầu, khó chịu, chóng mặt,buồn ngủ (nên thận trọng với lái xe, tàu), đau bụng hoặc co cứng bụng, chán ăn. Buồn nôn, nôn, ỉa chảy lẫn máu.

+ Chống chỉ định: sử dụng thuốc đối với những trường hợp quá mẫn với thuốc, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu hoặc đang mắc bệnh gạo, sán mắt, bệnh gan sán tuỷ sống.

2. Triclabendazol:

Liều 10 mg/kg/lần, dùng thuốc 1 -2 lần/ngày.

3. Bithionol

30 mg/kg/ngày; thuốc dùng cách ngày, trong 20-30 ngày.

4. Niclosamid

Liều duy nhất 2 mg/kg. Tuy nhiên, thuốc ít được dùng do nguy cơ xuất hiện tai biến nặng.

PHÒNG BỆNH

-Biện pháp dự phòng bệnh tốt nhất là chỉ ăn, uống đồ đã nấu chín.

 -Rửa sạch tay, đồ dùng đun nấu ngay sau khi tiếp xúc với cá, tôm, cua sống, làm hoặc thịt những động vật có nguy cơ bị sán lá.

-Chiếu tia X cũng sạch ấu trùng sán lá phổi (tuy nhiên không phải biện pháp khuyến cáo dùng) trong trường hợp nhất thiết phải dùng thực phẩm tươi sống làm món ăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *