RẬN MU

RẬN MU

I. ĐẠI CƯƠNG:

Rận mu (tên khoa học là Phthirus pubis), còn được gọi là “rận cua” là một loại côn trùng rất nhỏ gây bệnh chủ yếu ở vùng lông mu sinh dục, hiếm hơn là các vùng lông khác của cơ thể như lông mày, lông mi, lông ngực, bụng…

Cho đến nay, có 3 loại rận gây bệnh cho người được biết là Pediculus humanus capitis (rận trên da đầu, còn gọi là chấy), Pediculus humanus corporis (rận cơ thể) và Phthirus pubis (rận mu).

Rận mu là bệnh khá phổ biến. Trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 2%, tuy nhiên số liệu chính xác rất khó xác định do ở nhiều quốc gia nhiễm rận mu không được báo cáo và nhiều trường hợp bệnh nhân tự điều trị hoặc được thầy thuốc tư điều trị một cách bí mật.

 1.1. Ngyên nhân gây bệnh

Căn nguyên gây bệnh rận mu là một loài kí sinh trùng nhỏ có tên là Phthirus pubis chỉ có vật chủ là người. Con rận trưởng thành dài 1,3-2mm, nhỏ hơn rận ở thân mình và chấy trên đầu. Cơ thể rận có hình con cua, đầu hình chữ nhật với 3 đôi chân, trong đó hai đôi chân sau to gấp nhiều lần đôi chân trước và có móng vuốt lớn.

Với đặc điểm như vậy, rận mu còn được gọi là “rận cua” và là dấu hiệu quan trọng để phân biệt rận mu với các loài chấy, rận khác.

Rận mu chủ yếu sống ở vùng lông mu và lông quanh hậu môn của người, nhất là dễ thích nghi với lông ở nam giới cứng và khô. Tuy nhiên, rận cũng có thể sống trên các vùng lông thưa thớt khác như râu, ria, lông mi, lông mày, bên dưới cánh tay, lông bụng, ngực…Ở những vùng tóc mọc dày thì ít khi tìm thấy rận mu.

Rận mu thường không tự rời vật chủ trừ khi người bệnh tử vong và cũng không nhảy từ người này sang người khác như bọ chét.

Vòng đời: rận trưởng thành đẻ trứng bám chặt vào các sợi lông ở gần da. Con cái đẻ khoảng ba quả trứng mỗi ngày. Sau khoảng 6-8 ngày thì trứng nở và trải qua 3 giai đoạn tiến triển của nhộng trong khoảng 10-17 ngày thì thành rận trưởng thành. Một chu kì từ trứng đến con trưởng thành khoảng 16-25 ngày. Rận có thể sống đến 30 ngày và hoàn toàn nhờ vào hút máu người, gây ngứa dữ dội tại vị trí nhiễm bệnh. Trung bình rận hút máu từ 4-5 lần/ngày, nhưng cũng có thể tồn tại không cần hút máu trong 1-2 ngày.

1.2. Lây truyền

Rận mu lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục. Hiếm hơn, bệnh có thể lây qua tiếp xúc với các đồ vật như bệt xí, áo quần, giường chiếu, chăn màn của người nhiễm bệnh

Một người sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao nếu có nhiều bạn tình; bạn tình đang bị rận mu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hoặc sử dụng chung quần áo, chăn, ga trải giường với người bệnh.

 II. TRIỆU CHỨNG CHẨN ĐOÁN:

 2.1. Lâm sàng: Chủ yếu dựa vào lâm sàng

– Bệnh xuất hiện khoảng sau 5 ngày nhiễm rận nhưng cũng có thể xảy ra sau 2-4 tuần tiếp xúc. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm rận mu không có triệu chứng.

– Triệu chứng chính của bệnh là ngứa rất nhiều, đặc biệt ngứa nặng hơn khi về đêm. Do cơ thể quá mẫn với nước bọt của rận mu nên cơn ngứa có thể trở nên dữ dội hơn trong hai hoặc nhiều tuần sau khi nhiễm bệnh.

– Ngứa nhiều làm bệnh nhân cào gãi, chà xát, thứ phát đưa đến những tổn thương nhiễm trùng hoặc các vết loét vùng sinh dục.

– Khám thực thể thấy:

+ Các đốm nhỏ màu xám xanh hoặc xám đen ở những nơi rận hút máu, các chấm này có thể kéo dài trong nhiều ngày. Khi rận hút nhiều máu thì các đốm này trở thành màu nâu đậm hoặc đen. Quan sát kĩ có thể thấy chuyển động. Dùng kính lúp dễ phát hiện được các tổn thương hơn.

+ Trứng của rận mu nhỏ, có màu trắng, thường bám gần gốc sợi lông, sát bề mặt da.

+ Các nốt mẩn đỏ, chấm đỏ kèm ngứa ngáy và khó chịu

– Những triệu chứng khác bao gồm:

+ Có thể sốt nhẹ

+ Dễ bị kích thích

– Vị trí thường gặp là vùng mu sinh dục, quanh hậu môn. Tuy nhiên, có thể thấy ở những vùng có lông khác như lông mi, lông mày, lông ngực bụng, lông nách… Trường hợp nhiễm rận ở lông mi thường gây viêm bờ mi, nguy cơ viêm kết mạc (mắt đỏ).

– Trường hợp rận mu của lứa tuổi trẻ, cần kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

2.2. Cận lâm sàng

– Chẩn đoán rận mu tốt nhất là tìm thấy trứng và con rận ở vùng mu sinh dục. Người bệnh có thể tự phát hiện được rận. Nếu cần có thể dùng kính lúp hoặc kính hiển vi để xác định chính xác

– Làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền đường tình dục khác.

 2.3. Chẩn đoán

Chẩn đoán bằng cách kiểm tra kỹ lông mu để tìm kiếm trứng, ấu trùng hay rận trưởng thành.

 III. ĐIỀU TRỊ:

3.1. Nguyên tắc

– Điều trị tại chỗ là chủ yếu.

– Khám và điều trị bạn tình hoặc các thành viên khác trong gia đình.

– Khám và phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

– Vệ sinh môi trường sống bằng tẩy trùng tất cả quần áo, khăn tắm, chăn ga. Lưu ý: rận có thể dễ dàng sống sót trong nước và xà phòng thông thường.

3.2. Tại chỗ

– Nên cạo sạch lông.

– Thuốc bôi tại chỗ tổn thương và các vùng có lông khác. Nên bôi thuốc trong 1 tuần do 6-8 ngày là thời gian trứng nở.

– Chải lông bằng lược chuyên dụng để loại bỏ trứng rận. Có thể bôi dấm lên trước khi chải.

– Thuốc bôi tại chỗ:

+ Thuốc điều trị rận mu tốt nhất là Kem Permethrin 1%, sau 10 phút rửa sạch, hoặc

+ Dung dịch DEP 10%. dùng ngoài ngày 2-3 lần

+ Lindane: là thuốc mạnh nhất và độc nhất để điều trị rận mu. Thuốc được bôi vào tổn thương, sau 4 phút phải rửa sạch. Không sử dụng thuốc này trên trẻ sơ sinh hoặc trên phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

– Trường hợp bị rận mu ở mi mắt: dùng Permethrin 1% lotion bôi vùng mi mắt. Nhắm mắt trong 10 phút, sau đó rửa sạch.

 

3.3. Toàn thân: thường không cần

– Trường hợp thương tổn lan rộng, có thể uống Ivermectin (Stromectol): uống một liều hai viên. Có thể lặp lại liều nữa sau 10 ngày.

–  Trường hợp tổn thương có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: kháng sinh uống.

– Kháng Histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng da.

IV. PHÒNG BỆNH:

– Không quan hệ tình dục với người mắc bệnh cho đến khi bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn hoặc quan hệ tình dục an toàn

– Vệ sinh cá nhân tốt. Không dùng chung quần áo, khăn tắm, chăn, ga với những người bị bệnh.

– Làm sạch giường, phòng tắm bằng chất tẩy rửa. Giặt sạch quần áo, chăn màn, khăn tắm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *