I. Tiên lượng một cuộc đẻ thường
Tiên lượng cuộc đẻ là sự đánh giá của thầy thuốc sau khi thăm khám một sản phụ để dự đoán một cuộc đẻ sắp tới sẽ diễn ra bình thường hay khó khăn, có phải can thiệp không và can thiệp bằng cách nào để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, phòng ngừa tai biến có thể xảy ra trước, trong và sau khi đẻ.
Tiên lượng cuộc đẻ không dễ, đòi hỏi thầy thuốc phải có kiến thức và kinh nghiệm, thái độ nghiêm túc trong khám và theo dõi sản phụ mới có thể tiên lượng được tốt, không để xảy ra tai biến.
Quan niệm một cuộc đẻ bình thường:
– Sản phụ đẻ tự nhiên theo đường dưới sau cuộc chuyển dạ xảy ra bình thường.
– Trong chuyển dạ cũng như khi đẻ không phải can thiệp bất cứ thuốc gì, thủ thuật hoặc phẫu thuật nào.
– Không có biến cố nào xảy ra cho mẹ và con khi chuyển dạ, khi đẻ và sau khi đẻ.
Một số chỉ tiêu cụ thể để đánh giá một cuộc đẻ bình thường
– Mẹ khỏe mạnh không có bệnh cấp hoặc mãn tính, không có dị tật và di chứng bệnh, không có tiền sử đẻ khó, băng huyết…
– Không có biến cố trong có thai lần này.
– Tuổi thai 38-42 tuần
– Thai một – ngôi chỏm.
– Chuyển dạ tự nhiên.
– Cơn co tử cung bình thường theo tiến triển cuộc chuyển dạ.
– Nhịp tim thai ổn định trong suốt thời kỳ chuyển dạ.
– Tình trạng ối bình thường (không đa ối, thiểu ối, nước ối không có phân su, không vỡ ối sớm…)
– Thời gian chuyển dạ bình thường trung bình 16-18 giờ.
– Thời gian rặn đẻ < 60 phút.
– Thai sổ tự nhiên không can thiệp ( trừ cắt tầng sinh môn)
– Không phải dùng thuốc gì kể cả thở oxy
– Cân nặng trẻ >2500gr. Apga sau 1phút đầu > 8đ.
– Không có tai biến gì xảy ra cho mẹ và con trong suốt thời kỳ hậu sản.
II. Các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ bất thường:
1. Yếu tố tiên lượng có sẵn từ trước:
a. Về phía mẹ:
– Tình trạng bệnh lí mẹ có từ trước lúc có thai: bệnh tim phổi, gan, thận, cao huyết áp, thiếu máu… và cả bệnh phụ khoa: u xơ tử cung, u nang buồng trứng…
– Các bệnh cấp hoặc mãn tính mắc phải trong lúc đang có thai lần này và cả các bệnh do thai nghén mà có: nhiễm độc thai nghén, sốt…
– Các dị tật hoặc di chứng khi còn bé: dị dạng sinh dục, tử cung, khung chậu hẹp, chấn thương, di chứng bại liệt …
– Tuổi mẹ: dưới < 18 tuổi hoặc > 35 tuổi.
– Mẹ đẻ nhiều lần (trên 4 lần), tiền sử sản khoa nặng nề.
– Các yếu tố di truyền của mẹ hay bố. Hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn, lạc hậu.
b. Về phía con:
– Đa thai.
– Ngôi thai bất thường.
– Thai to
– Thai non tháng, thai già tháng, thai suy dinh dưỡng…
– Các bệnh lý bẩm sinh khác của thai nhi.
c. Về phía phần phụ:
– Bánh rau: rau bám thấp, tiền đạo, bong non, canxi hóa.
– Dây rốn: ngắn, sa dây rau. Dây rau thắt nút, dây rau quấn cổ…
2. Yếu tố phát sinh trong chuyển dạ :
a. Toàn thân của mẹ:
– Cơn đau do co bóp tử cung khiến bà mẹ lo lắng, sợ hãi, kêu la.
– Chuyển dạ kéo dài làm sản phụ mệt mỏi, đói lả, kiệt sức vì không ăn được.
– Thay đổi mạch, huyết áp, nhiệt độ do nguyên nhân tâm lý sợ sệt hay do bội nhiễm.
b. Diễn biến của cơn co tử cung:
– Cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ. Cơn co thường xuất phát từ một điểm hay sừng trái tử cung lan ra theo quy luật từ trên xuống dưới, cường độ giảm dần, thời gian co giảm dần. Lúa đầu cơn co ngắn, thưa, yếu. Càng về sau mạnh, dài, mau.
– Các rối loạn cơn co tử cung:
+ Rối loạn tăng co bóp: tăng cường độ ( cơn co mạnh), tăng tần số ( cơn co mau), tăng cả hai ( cơn co mạnh và mau)
+ Tăng trương lực cơ bản: do co thắt trong hội chứng rau bong non, do giãn căng (đa thai, đa ối), do co bóp tăng kéo dài ( lạm dụng Oxytocin )
+ Rối loạn giảm co bóp: giảm cường độ ( cơn co yếu), giảm tần số ( cơn co thưa), giảm cơn co toàn bộ ( cơn co yếu và thưa)
c. Xóa mở cổ tử cung:
Bình thường:
– Cổ tử cung xóa mở dần từ 1- 10cm
– Vị trí cổ tử cung ở chính giữa, mật độ mềm mỏng, xóa hết thì ôm lấy đầu ối hoặc ngôi thai.
– Tốc độ mở: 1-3 cm trung bình 8 giờ, 3-10 cm trung bình 7 giờ
Yếu tố tiên lượng không tốt:
– Cổ tử cung dày, cứng, phù nề, lỗ trong co thắt. Đặc biệt ở những phụ nữ có tiền sử điều trị đốt điện, cắt đoạn cổ tử cung… thì tiên lượng xóa mở rất xấu.
– Khi theo dõi tiến triển cổ tử cung mở chậm hoặc không mở thêm sau mỗi lần thăm khám.
c. Đầu ối
– Tiên lượng tốt: khi đầu ối dẹt, màng ối không quá dày, ối vỡ đúng lúc (khi cổ tử mở hết), không đa ối, thiểu ối. Nước ối trong không lẫn phân su.
– Tiên lượng không tốt : Đầu ối phồng quả lê, màng ối dày, vỡ ối non, vỡ ối sớm . Nước ối có phân su.
d. Tim thai :
– Bình thường 120-140 lần/phút.
– Suy thai < 120 lần/phút hoặc > 140 lần/phút .
e. Độ lọt của ngôi thai:
– Tiên lượng tốt: ngôi thai chuyển dần từ trên xuống dưới.
– Tiên lượng không tốt: đầu luôn luôn chờm vệ, ngôi thai không tiến triển hoặc tiến triển đến mức nào rồi dừng lại.
– Độ lọt ngừng trệ nếu:
+ Cơn co thưa yếu.
+ Ối vỡ sớm làm ngôi không bình chỉnh tốt.
+ Cổ tử cung không mở.
+ Ngôi thế không thuận lợi
+ Dây rau ngắn, rau quấn cổ…
III. Hướng xử trí các tai biến trong khi chuyển dạ:
1. Rau tiền đạo:
– Rau tiền đạo trung tâm : phải mổ dù con sống hay chết.
– Rau tiền đạo bán trung tâm : hầu hết phải mổ trừ trường hợp thai quá nhỏ và chảy máu ít.
– Rau bám mép : bấm ối để cầm máu
2. Rau bong non
– Tiên lượng cuộc đẻ đối với rau bong non không có gì khó, thường là thai dễ sổ và cơn co tử cung rất tốt. Nhưng điều quan trọng là phải xử trí an toàn cho mẹ và có thể cho con. Chỉ trong trường hợp huyết tụ sau rau thể nhẹ, tim thai còn tốt, thai phụ không bị choáng thì bấm ối để đẻ đường dưới.
– Khi đã có dấu hiệu choáng, trương lực cơ tử cung tăng, tử cung có xu hướng cứng liên tục thì xử trí để cứu mẹ là chính.
3. Dọa vỡ tử cung
Loại trừ nguyên nhân do dùng oxytocin quá liều, phải cho thuốc giảm cơn co. Chỉ định mổ hoặc Forceps khi đã đủ điều kiện.
4. Vỡ tử cung
Mổ, hồi sức, chống nhiễm khuẩn và rối loạn đông máu. Bảo tồn tử cung khi thật rất cần thiết và có điều kiện.
5. Sa dây rau
Sa dây rau là cấp cứu đối với thai nhi. Nếu thai còn sống, dây rau còn đập thì phải mổ lấy thai cấp cứu. Nếu thai đã chết không đặt vấn đề cấp cứu nữa.
6. Sa chi
Thử đẩy chi lên, nếu có thêm yếu tố khó khác cần mổ lấy thai.