NHỊP CHẬM

NHỊP CHẬM

 

ĐẠI CƯƠNG

Rối loạn nhịp chậm là một loại loạn nhịp có thể gặp ở trẻ em, xảy ra do giảm tần số kích thích của ổ tạo nhịp, hoặc blốc dẫn truyền từ nút xoang đến thất. Kết luận nhịp chậm ở trẻ em phải dựa theo tuổi.

Nhịp chậm nặng khi : 

< 55 lần/ phút ở trẻ < 12 tháng

< 50 lần/ phút ở trẻ 12 tháng – 12 tuổi

< 40 lần/ phút ơ trẻ > 12 tuổi

CÁC LOẠI NHỊP CHẬM:

– Blốc nhĩ-thất độ I

– Blốc nhĩ-thất độ II type Mobitz I (Wenckebach)

– Blốc nhĩ thất độ II type Mobitz II

– Chậm nhịp xoang

– Hội chứng suy nút xoang

– Blốc xoang-nhĩ

– Vô tâm thu.

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ:

1. Block nhĩ thất độ I:

Khoảng cách PR dài hơn giới hạn cao của trị số bình thường theo tuổi (PR ≥ 0,2 giây), không có triệu chứng và không cần điều trị.

2. Block nhĩ thất độ II type Mobitz I:

– Đặc điểm: khoảng PR dài dần ra cho đến khi sóng P bị block hoàn toàn, thường không có triệu chứng.

– Nguyên nhân: thường do bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim; bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ tiên phát, thông liên thất phần màng, tật Ebstein;viêm cơ tim do thấp, thương hàn, bạch hầu; ngộ độ thuốc digitalis, propranolol, quinidine; sau mổ tim, xơ hóa cơ tim, cường phó giao cảm, nếu xảy ra sau mổ tim có thể do tổn thương ở phần cao của nút xoang nhĩ.

– Điều trị: chưa cần xử trí. Theo dõi trong trường hợp xảy ra sau mổ tim vì có thể chuyển sang một block nhĩ thất nặng hơn.

3. Block nhĩ thất độ II type Mobitz II:

– Đặc điểm: khoảng cách PR không đổi nhưng cứ 2, 3 hoặc 4 sóng P lại bị mất 1 QRS.

– Nguyên nhân: thường cũng do các tật tim bẩm sinh như Mobitz I, nhưng loại Mobitz II ít gặp ở trẻ em. Hoặc tổn thương ở nút nhĩ thất do phẫu thuật, hoặc do Digoxine, Verapamil.

– Điều trị: nếu không có triệu chứng: theo dõi, không điều trị. Nếu tần số thất quá chậm, có rối loạn huyết động: điều trị như block nhĩ thất độ III.

4. Block nhĩ thất độ III:

– Đặc điểm : Trong block nhĩ thất độ III, tất cả các xung điện từ nút xoang đều không xuống thất được, nên nhĩ và thất đập độc lập nhau. Nhĩ theo nhịp nhĩ, thất theo nhịp thất. Các sóng P thường đều, với khoảng PP đều nhau, tần số của P thường gần bằng với tần số tim bình thường theo lứa tuổi, phân ly nhĩ thất, nhịp thất chậm hơn nhịp nhĩ, hình dạng QRS tùy vị trí phát ra nhịp thoát (ở nút, bó His hay thất).

– Nguyên nhân:

+ Bẩm sinh: mẹ bị lupus, tật bẩm sinh bất tương hợp nhĩ thất

+ Mắc phải: tổn thương nút nhĩ thất do phẫu thuật, viêm cơ tim do siêu vi, do bạch hầu, digoxin, thuốc ức chế canxi, ức chế β, giảm oxy, toan huyết, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.

– Điều trị: khi có nguy cơ suy tim, rối loạn huyết động

+ Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ và rối loạn chuyển hoá

+ Atropine 0,01-0,02 mg/ kg tiêm mạch, tối thiểu 0,01 mg/ kg/ liều, tối đa 0,4 mg/ liều.

+ Isoproterenol 0,1-1 µg/ kg/ phút, hoặc  Adrénaline 0,1-1 µg/ kg/ phút.

+ Nếu không có kết quả có thể tạm thời dùng máy tạo nhịp qua da hoặc đặt điện cực tạm thời trong buồng tim trong khi chờ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.

5. Chậm nhịp xoang không triệu chứng:

– Đặc điểm: Nhịp xoang có lúc chậm, không có triệu chứng ngất.

– Nguyên nhân: tăng hoạt động phế vị do nhịp thở, digoxin, đau nội tạng, ống thông dạ dày, tăng áp lực nội sọ.

– Xử trí: không cần điều trị, điều chỉnh các yếu tố nêu trên.

6. Suy nút xoang và block xoang nhĩ:

– Đặc điểm: Nhịp xoang giảm < 60/ phút, đôi khi đi kèm với hạ huyết áp, giảm cung lượng tim, ngất. Thường có nhịp thoát ở nhĩ, bộ nối, hoặc thất xen kẽ với loạn nhịp nhanh (trên Holter).

– Nguyên nhân của suy nút xoang tạm thời:

+ Ngộ độc thuốc: Amiodarone, Bretylium, Digoxin, giảm đau nhóm Morphine, thuốc an thân, ức chế β, ức chế canxi, Cimetidine, Ranitidine, Cyanure, Phosphore hữu cơ, Nicotine.

+ Ho gà (< 2 tháng tuổi), hạ thân nhiệt, đặt nội khí quản qua mũi, suy giáp, tăng kali huyết, tăng áp lực nội sọ, cường phó giao cảm.

– Nguyên nhân của suy nút xoang lâu dài: bẩm sinh, sau mổ chuyển vị động mạch, thông liên nhĩ, bất thường nối liền tĩnh mạch phổi; bệnh cơ tim, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim.

– Thăm dò chức năng điện – sinh lý: kích thích nhĩ vượt tần số, thời gian phục hồi nút xoang chậm sau khi ngưng kích thích.

– Xử trí: khi có rối loạn huyết động, hoặc nhịp tim < 40/ phút.

+ Điều trị nguyên nhân, loại bỏ các nguyên nhân làm giảm chức năng nút xoang.

+ Atropine 0,02 mg/ kg tiêm mạch.

+ Isoproterenol 0,1-1 g/ kg/ phút,

+ Đặt máy tạo nhịp tạm thời và sau đó đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn nếu không có kết quả.

7. Vô tâm thu:

– Đặt nội khí quản giúp thở

– Xoa bóp tim ngoài lồng ngực

– Adrenaline 1/10000: 0,01 mg/ kg (0,1 ml/ kg) tiêm mạch hoặc adrenaline 1/1000: 0,1 mg/ kg (0,1 ml/ kg) qua nội khí quản,

– Atropine 0,02 mg/ kg tiêm mạch.

– Natri bicarbonate 4,2% 2ml/kg tiêm mạch.

– Nếu thất bại: adrenaline 1/1000: 0,1 mg/ kg (0,1 ml/kg) tiêm mạch hoặc qua nội khí quản, lập lại mổi 3 phút nếu cần cho đến khi tim đập lại.

– Nếu có kết quả: Adrenaline 1-3 µg/ kg/ phút hoặc Dobutrex 10-15 µg/ kg/ phút.

– Chỉ phá rung bằng máy sốc điện khi có rung thất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *