I. Nhu cầu Iod
Iod là một chất cần thiết trong cơ thể với một lượng rất nhỏ chỉ từ 15 đến 20mg (WHO 1994). Iod giúp tuyến giáp trạng hoạt động bình thường, phòng bệnh bướu cổ và thiểu năng trí tuệ. Khoảng 70% đến 80% lượng iod của cơ thể ở trong tuyến giáp, còn lại nồng độ iod cao nhất tìm thấy ở tuyến nước bọt, tuyến tiết dịch tiêu hóa và các mô liên kết, chỉ có một lượng rất nhỏ phân bố đều trong toàn bộ cơ thể.
Ảnh hưởng của tiêu thụ thiếu và thừa Iod:
Ảnh hưởng của tiêu thụ thiếu Iod:
Thiếu iod xảy ra ở rất nhiều vùng trên thế giới, là nguyên nhân chính của bệnh bướu cổ. Thiếu iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ. Bệnh bướu cổ cùng với tất cả các ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và phát triển được gọi là chung là các rối loạn do thiếu iod (iodine deficiency disorders, IDD). Thiếu iod bào thai thường do bà mẹ thiếu iod, và dẫn đến hậu quả rất nặng nề là tăng tỷ lệ tử vong trươc hoặc sau khi sinh và chứng đần độn (cretinism).
Ảnh hưởng của thừa iod:
Các ảnh hưởng của thừa iod rất khác nhau và tuỳ thuộc vào tình trạng hoạt động của tuyến giáp trạng. Thừa iod trong trường hợp tuyến giáp bình thường, tuyến giáp sẽ ngừng tổng hợp hormone tăng trưởng (thyroid) cho đến khi có thể thích nghi với mức iod ăn vào cao. Khi khả năng hoạt động của tuyến giáp bị suy yếu, thừa iod sẽ gây bệnh giảm hormone (hypothyroidism). Có trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mạnh sẽ có đáp ứng ngược lại, tổng hợp quá nhiều hormone thyroid, có thể dẫn đến ngộ độc do tiêu thụ quá nhiều iod (thyrotoxicosis).
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho Iod được ghi trong bảng
Nhóm tuổi |
Iốt (µg/ngày) |
0-6 tháng |
90 |
6-11 tháng |
90 |
Trẻ nhỏ |
|
1-3 tuổi |
90 |
4-6 tuổi |
90 |
7-9 tuổi |
90 |
Nam vị thành niên |
|
10-14 tuổi |
120 |
15-18 tuổi |
150 |
Nữ vị thành niên |
|
10-14 tuổi |
120 |
15-18 tuổi |
150 |
Người trưởng thành |
|
Nam ≥ 19 tuổi |
150 |
Nữ ≥ 19 tuổi |
150 |
Trung niên ≥ 50 tuổi |
|
Nam |
|
Nữ |
|
Phụ nữ có thai |
200 |
Phụ nữ cho con bú |
200 |
II. Nguồn thực phẩm cung cấp Iod:
Sử dụng muối ăn có bổ sung iod hàng ngày là biện pháp chính để phòng chống các rối loạn do thiếu iod. Theo khuyến nghị của WHO/UNICEF/ICCIDD, căn cứ vào mức tiêu thụ muối trung bình của người dân, lượng Iod trong muối cần đảm bảo đúng hàm lượng cho phép từ 20-40ppm vừa đảm bảo đủ để phòng các rối loạn do thiếu iod mà vẫn an toàn. Tuy nhiên trong thực tế người dân không chỉ sử dụng muối ăn mà còn sử dụng nhiều loại nước chấm và gia vị mặn khác (như nước mắm, mắm tôm, ma di, xì dầu, tương, bột gia vị,). Do đó, để đề phòng bệnh cao huyết áp, chỉ nên tiêu thụ kể cả muối iod và các nước chấm hoặc gia vị mặn khác không quá một lượng tương đương với 6 gram muối /ngày.
Hàm lượng iod trong thực phẩm phụ thuộc vào hàm lượng của iod trong đất và nước của nơi sản xuất thực phẩm này. Thực phẩm giàu iod bao gồm cá biển, rong biển. Nếu được bổ sung Iod trong sản xuất và chăn nuôi thì các loại rau, thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là nguồn Iod đáng kể. Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng và trong thực tế Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Vẫn còn thiếu các nghiên cứu khoa học về nhu cầu iod trong nhân dân vùng Đông Nam á, các số liệu cân nặng tham khảo và mức iod tăng cường vào muối cũng như mức tiêu thụ muối iod cho người Đông Nam á. Các yếu tố này rất quan trọng do có sự liên quan giữa hormon tăng trưởng và tỷ lệ chuyển hoá.