HỒNG BAN NÚT
- ĐẠI CƯƠNG
Hồng ban nút (Erythema nodosum) là tình trạng viêm của các tế bào mỡ dưới da (panniculitis) biểu hiện dưới dạng sẩn hoặc u cục nhỏ màu đỏ, thường gặp nhất ở hai cẳng chân. Cơ chế bệnh sinh chưa biết rõ, thường xảy ra ở người mang gen HLA B8 (80%) và 6% có tính chất gia đình. Đây được coi là sự đáp ứng miễn dịch với các nguyên nhân khác nhau (tình trạng nhiễm khuẩn, sử dụng một số thuốc) hoặc có thể là triệu chứng của một số bệnh hệ thống, đôi khi có thể không rõ nguyên nhân. Ở Việt Nam nguyên nhân thường gặp nhất là lao và nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết và điều trị nguyên nhân khiến bệnh khỏi hoàn toàn. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ 3-7 nữ/1 nam, ở bất ký lứa tuổi nào song thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 20 đến 40.
- NGUYÊN NHÂN
Có khoảng 25-50% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Số còn lại do hai nhóm nguyên nhân chính: bệnh lý nhiễm trùng, viêm.
– Trong số các nhiễm trùng, ở Việt Nam nguyên nhân thường gặp nhất là lao và nhiễm liên cầu. Ngoài ra có thể gặp nhiễm Yersinielle, Chlamydia, Salmonelle; viêm gan virus A,B,C; Brucelose hoặc Mycobacterium leprae (Bệnh phong)
– Bệnh viêm: Sarcoidose, bệnh Behcet; viêm đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn
– Nguyên nhân khác do thuốc (sulfamid, thuốc chống viêm không steroid, dẫn suất iod), tình trạng mang thai…
- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
3.1. Hồng ban nút: ban màu đỏ, dạng u cục, sẩn cứng.
– Hình thái hồng ban nút: những u cục có thể nhìn hoặc sờ thấy ở dưới da, hình tròn hoặc ovan; kích thước có thể dao động từ 1-10 cm đường kính, thường gặp khoảng 1- 2 cm. Sẩn cục này rắn, ít di động xung quanh các cục sưng nề. Đôi khi nhiều sẩn cục kết hợp lại thành một mảng lớn.
– Vị trí: mặt trước cẳng chân, hai bên, đối xứng. Các nốt có thể xảy ra bất cứ nơi nào có chất béo dưới da, bao gồm cả đùi, cánh tay, thân, mặt, song hiếm gặp như ở chi trên, ở mặt và vùng cổ.
– Tiến triển: ban đa dạng, tuổi khác nhau với màu sắc thay đổi như đám xuất huyết dưới da (chuyển thành màu tím hơi xanh, nâu, vàng nhạt, và cuối cùng là màu xanh lá cây). Ban biến mất trong vòng từ 10-15 ngày, không để lai sẹo hay di chứng teo da.
3.2. Triệu chứng phối hợp:
Hồng ban nút ban đỏ thường xuất hiện cùng với các triệu chứng tương tự như cúm, sốt và cảm giác mệt mỏi. Đau khớp, viêm màng hoạt dịch và cảm giác cứng khớp, có thể xảy ra trước hoặc đồng thời với tổn thương da, và có thể kéo dài đến 6 tháng
- TRIỆU CHỨNG CẬN LÂM SÀNG
– Hội chứng viêm: tốc độ máu lắng giờ đầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
– Mô bệnh học: sinh thiết tổn thương da chỉ được chỉ định trong trường hợp không điển hình. Kết quả cho thấy tình trạng viêm có vách của các tế bào mỡ dưới da (panniculitis) cấp tính hoặc mạn tính tại tổ chức mỡ và xung quanh các mạch máu.
– Các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân
+ Phân lập liên cầu khuẩn tan huyết beta từ dịch lấy từ họng, xét nghiệm ASLO
+ Test mantoux, X quang phổi (đôi khi cần CT phổi) và phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn BK khi nội soi phế quản
+ X quang phổi: hạch rốn phổi một bên thường gặp trong các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh ác tính; hạch rốn phổi hai bên thường kết hợp với sarcoidosis.
- CHẨN ĐOÁN
– Chẩn đoán xác định
+ Thể điển hình: hồng ban nút biểu hiện rõ, dễ dàng phát hiện, kèm theo bệnh nhân có sốt, đau khớp.
+ Thể không điển hình: sinh thiết tổn thương da
– Chẩn đoán nguyên nhân: nêu ở phần trên
– Chẩn đoán phân biệt
Phân biệt các ban trong viêm da bán cấp hoặc mạn tính. Giai đoạn đầu cần phân biệt: Viêm quầng (erysipèle), vết côn trùng cắn, sẩn mề đay cấp tính, viêm tắc tĩnh mạch nông, viêm tắc tĩnh mạch dạng nốt. Giai đoạn tiến triển cần phân biệt với Viêm nút quanh động mạch; viêm mạch hoại tử…
- ĐIỀU TRỊ
Hồng ban nút thường tự biến mất trong vòng 3-6 tuần. Cần điều trị nguyên nhân (lao, liên cầu) nếu phát hiện được nguyên nhân. Thalidomid được chỉ định trong trường hợp hồng ban nút do Mycobacterium leprae (Bệnh phong). Điều trị triệu chứng bao gồm các biện pháp dưới đây.
– Nghỉ tại giường, nâng cao chân, sử dụng tất đàn hồi như trong điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới có thể cải thiện triệu chứng phù chân.
– Thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau (nếu cần)
– Corticosteroid: liều 40 mg mỗi ngày (chỉ định với thể không rõ nguyên nhân): các nốt hồng ban mất sau vài ngày. Trường hợp hồng ban kéo dài có thể tiêm triancinolone acetonide, với liều 5 mg / ml, tiêm trực tiếp vào trung tâm của các nốt hồng ban
– Colchicin: liều 0,6-1,2 mg x 2 lần mỗi ngày.
– Thuốc chống sốt rét tổng hợp: Hydroxychloroquine 200 mg hai lần mỗi ngày
– Muối iod (iodure de potassium): có thể chỉ định trong trường hợp tổn thương kéo dài không rõ nguyên nhân (cơ chế chưa rõ)