HỘI CHỨNG ĐAU BỤNG DƯỚI

HỘI CHỨNG ĐAU BỤNG DƯỚI

 I. ĐẠI CƯƠNG:

Hội chứng đau bụng dưới do các căn nguyên nhiễm trùng đường sinh sản thường có các triệu chứng tiết dịch âm đạo, đau, chảy máu khi giao hợp và sốt. Hội chứng đau bụng dưới bao gồm cả nhiễm trùng đường sinh sản (NTĐSS) và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (NTLTQĐTD). Tất cả các phụ nữ có hoạt động tình dục bị đau bụng dưới cần phải được đánh giá cẩn thận để tìm các dấu hiệu viêm tiểu khung. Đau bụng dưới do lậu cầu, Chlamydia có nguy cơ dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, đau bụng dưới có thể do một số bệnh cấp cứu ngoại khoa và sản phụ khoa, do vậy cần được khám xét cẩn thận để có chẩn đoán và chỉ định điều trị đúng.

– Tính chất đau

+ Đau có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

+ Đau cấp tính: cần loại trừ các cấp cứu ngoại khoa hoặc sản phụ khoa như: viêm ruột thừa, nang buồng trứng xoắn, thai ngoài tử cung…

+ Đau mạn tính: không theo chu kỳ, thường có liên quan đến viêm tiểu khung, viêm phần phụ.

– Nguyên nhân gây đau bụng dưới liên quan đến viêm tiểu khung

+ Lậu cầu khuẩn.

+ Chlamydia trachomatis.

+ Vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn Gram âm và liên cầu.

II. TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN:

 2.1. Triệu chứng

– Đau bụng dưới, liên tục hoặc gián đoạn, nhẹ hoặc nặng.

– Đau, chảy máu khi giao hợp.

– Tiết dịch âm đạo.

– Có thể sốt hoặc thân nhiệt vẫn bình thường.

– Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng của viêm tiểu khung thay đổi và có thể không rõ ràng.

Chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt, biện pháp tránh thai đang sử dụng, thai nghén.

2.2. Khám lâm sàng

Đặc biệt chú ý khi khám:

+ Tiết dịch mủ/nhầy ở âm đạo và cổ tử cung.

+ Xác định kích thước tử cung, đau khi di động của cổ tử cung và các tình trạng của các phần phụ, có máu ra tay không

+ Xác định xem có một hoặc hai vòi tử cung sưng to hay cứng, có khối đau nhạy cảm ở hố chậu, có phản ứng thành bụng hoặc đau nhạy cảm thành bụng không.

2.3. Xét nghiệm hỗ trợ

– Công thức máu, tốc độ lắng máu.

– Nhuộm Gram dịch cổ tử cung và âm đạo.

– Siêu âm.

– Test thai nghén.

2.4. Chẩn đoán

– Trước hết cần chẩn đoán phân biệt với các cấp cứu ngoại khoa và sản khoa như:

+ Viêm ruột thừa cấp tính.

+ Tắc ruột.

+ U nang buồng trứng xoắn.

+ Thai ngoài tử cung…

+ Nhiễm trùng đường tiết niệu.

+ Các nguyên nhân khác.

– Chẩn đoán viêm tiểu khung dựa vào các triệu chứng sau:

+ Có thể sốt.

+ Tiết dịch nhiều, dịch nhầy mủ ở âm đạo và cổ tử cung khi khám.

+ Đau khi di động cổ tử cung và khi giao hợp.

+ Đau cả hai bên, đau nhiều hơn ở một bên.

+ Đau bụng dưới và bên cạnh tử cung.

+ Khối sưng dính vào tử cung.

+ Máu lắng hoặc/và số lượng bạch cầu tăng.

Người bệnh cần được xét nghiệm để phát hiện các NTLTQĐTD khác và phát hiện nguyên nhân bệnh nếu có điều kiện xét nghiệm hỗ trợ.

III. ĐIỀU TRỊ:

– Nếu xác định được nguyên nhân thì điều trị nguyên nhân.

– Đối với mọi trường hợp đau bụng dưới, cán bộ y tế cần xác định và điều trị cho (các) bạn tình, cần đặc biệt chú ý khi nghi ngờ nguyên nhân lậu hoặc Chlamydia.

– Nếu không xác định được nguyên nhân thì điều trị đồng thời toàn bộ các nguyên nhân gây viêm, phối hợp 3 phác đồ sau đây

3.1. Phác đồ điều trị lậu

Dùng một trong các thuốc sau:

– Cefixim 200mg x 2viên, uống liều duy nhất.

– Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp liều duy nhất, hoặc

– Spectinomycin 2g, tiêm bắp liều duy nhất, hoặc

– Cefotaxim 1g tiêm bắp liều duy nhất, hoặc

3.2. Phác đồ điều trị Chlamydia

Dùng một trong các thuốc sau:

– Azithromycin 1g, uống 1 lần/tuần, trong 2 tuần.

– Doxycyclin 100mg, uống 1viên, 2 lần/ngày, trong 14 ngày, hoặc

– Tetracyclin 500mg, uống 1viên, 4 lần/ngày, trong 14 ngày, hoặc

Chú ý: Không dùng doxycyclin cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, thay thế bằng một trong các thuốc sau:

+ Erythromycin stearat 500mg, uống 1 viên, 4 lần/ngày, trong 14 ngày.

+ Amoxicillin 500mg, uống 1 viên, 3 lần/ngày, trong 14 ngày.

3.3. Phác đồ điều trị viêm nhiễm do vi khuẩn kỵ khí Metronidazol 500mg, uống 1viên, 2 lần/ngày, trong 14 ngày. Chú ý:

+ Không dùng metronidazol cho phụ nữ có thai ba tháng đầu mà thay thế bằng amoxicillin 500mg, uống 1viên, 3 lần/ngày, trong 14 ngày.

+ Không uống rượu trong thời gian điều trị cho tới sau khi hết thuốc 24 giờ.

3.4. Chuyển tuyến trên khi

– Không có sẵn các thuốc trên đây.

– Các triệu chứng không giảm sau 3 ngày điều trị.

– Nghi ngờ đau bụng do nguyên nhân ngoại khoa.

– Người bệnh có chậm kinh, mới đẻ, sẩy thai, người bệnh có kèm theo chảy máu âm đạo.

IV. THÔNG TIN VÀ TƯ VẤN:

– Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị cho dù triệu chứng bệnh có giảm sau một vài ngày điều trị và đến khám lại theo lịch hẹn, cần phải đến khám ngay nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc nặng hơn.

– Các hậu quả của bệnh khi không được điều trị đúng và đầy đủ, đặc biệt chú ý nguy cơ thai ngoài tử cung và vô sinh

– Cán bộ y tế cần khuyến khích người bệnh thông báo bạn tình và điều trị bạn tình, đặc biệt đối với những trường hợp nghi ngờ lậu hoặc nhiễm Chlamydia trachomatis.

– Tình dục an toàn và hướng dẫn sử dụng bao cao su. Người bệnh cần được khuyến khích và hướng dẫn sử dụng bao cao su để phòng ngừa tái nhiễm bệnh cũng như lây nhiễm các bệnh LTQĐTD khác và lây nhiễm HIV/AIDS.

– Địa điểm tư vấn và xét nghiệm HIV.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *