DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH MẮC KÈM HIV THƯỜNG GẶP

DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH MẮC KÈM HIV THƯỜNG GẶP

 

1.Điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole (CTX)

(trimethoprim : sulfamethoxazol )TMP : SMX = 1:5

Điều trị dự phòng co-trimoxazole có hiệu quả ngăn ngừa viêm phổi do Pneumocystis Carrini, bệnh do Toxoplasma và một số bệnh nhiễm khuẩn khác. Dự phòng CTX được khuyến cáo cho người lớn, phụ nữ mang thai và trẻ phơi nhiễm hoặc nhiễm HIV.

Tiêu chuẩn bắt đầu và ngừng điều trị dự phòng CTX

Tuổi

Tiêu chuẩn bắt đầu

Tiêu chuẩn ngừnga

Liều co-trimoxazole

Trẻ phơi nhiễm với HIV

Tất cả các trẻ, bắt đầu từ 4-6 tuần sau sinh

Cho đến khi hết nguy cơ lây truyền HIV hoặc trẻ được khẳng định không bị nhiễm HIV

Liều: 5 mg (TMP)/kg/ngày 1 lần/ngày

Trẻ ≤ 5 tuổi nhiễm HIV

Tất cả các trẻ

Không ngừng cho đến khi 5 tuổi.

Liều: 5 mg (TMP)/kg/ngày 1 lần/ngày

Trẻ ≥ 5 tuổi

Có CD4 ≤ 350 hoặc

Có giai đoạn lâm sàng 3-4

Điều trị ARV được ít nhất 12 tháng và CD4>350 tế bào/mm3 và ổn định về lâm sàng

Đối với trẻ có cân nặng > 30 kg, dùng 960 mg (TMP 160 mg/SMX 800) mg mỗi ngày

Người trưởng thành, kể cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Có CD4≤ 350hoặc

Có giai đoạn lâm sàng 3-4 hoặc

Không làm được xét nghiệm CD4 trước điều trị

Khi điều trị ARV ít nhất được 12 tháng và CD4>35 tế bào/mm3 và ổn định về lâm sàng

960 mg (TMP 160 mg/SMX 800) mg mỗi ngày

a Ngừng ngay nếu người bệnh có hội chứng Stevens-Johnson, dị ứng thuốc mức độ 3-4, bệnh gan nặng, thiếu máu nặng, giảm nặng các dòng tế bào máu.

2.Dự phòng lao

Lao là nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV.

– Người lớn và vị thành niên nhiễm HIV cần được sàng lọc lao dựa trên triệu chứng lâm sàng : có bất kỳ một trong các triệu chứng ho, sốt, sụt cân hoặc ra mồ hôi ban đêm, cần tiến hành chẩn đoán lao qua thăm khám lâm sàng, chẩn đoán phân biệt với các bệnh NTCH khác, chụp X-quang phổi, xét nghiệm AFB đờm và các xét nghiệm cần thiết khác (genXpert, AFB hạch hoặc nuôi cấy vi khuẩn lao nếu có thể).

– Trẻ nhiễm HIV có bất kỳ triệu chứng kém lên cân, sốt hoặc ho, hoặc có tiếp xúc với người bệnh lao sẽ có khả năng mắc lao và cần được đánh giá phát hiện bệnh lao và các bệnh khác. Kém lên cân được xác định khi sụt cân do gia đình báo cáo; cân nặng thấp (thiếu cân so với độ tuổi); sụt cân (> 5%) kể từ lần khám trước theo hồ sơ hoặc đường cong tăng trưởng đi ngang.

– Người nhiễm HIV mắc bệnh lao cần được đăng ký và điều trị lao sớm ngay sau khi có chẩn đoán lao.

– Bệnh nhân lao nhiễm HIV cần được điều trị ARV càng sớm càng tốt, trong vòng 8 tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị lao. Người nhiễm HIV mắc lao có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng (số CD4 <50 tế bào/mm3) cần được điều trị ARV sớm ngay sau khi bắt đầu điều trị lao được 2 tuần và dung nạp thuốc lao.

2.2. Điều trị dự phòng lao bằng isoniazid (INH)

a.Chỉ định

– Người lớn và trẻ vị thành niên nhiễm HIV đã được loại trừ mắc lao tiến triển; không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch kể cả phụ nữ mang thai, người bệnh đang điều trị ARV và người bệnh đã từng được điều trị lao trước đây.

– Trẻ em nhiễm HIV:

+ Trẻ > 12 tháng tuổi: chỉ định isoniazid cho trẻ đã loại trừ mắc lao tiến triển dựa vào sàng lọc lâm sàng và không tiếp xúc với người mắc lao (Sơ đồ 3). Đối với trẻ có tiếp xúc với người mắc lao, chỉ định isoniazid khi đã khám và xét nghiệm loại trừ lao tiến triển.

+ Trẻ ≤ 12 tháng tuổi: chỉ chỉ định isoniazid cho tất cả các trẻ có tiếp xúc với người bệnh mắc lao và đã được loại trừ mắc lao tiến triển.

Tất cả các trẻ bị lao sau khi kết thúc thành công điều trị lao: chỉ định isoniazid thêm 6 tháng

b.Chống chỉ định

– Chống chỉ định tuyệt đối: người bệnh có tiền sử dị ứng với INH (người bệnh đã từng bị sốt, phát ban hoặc viêm gan do điều trị bằng INH trước đây).

– Trì hoãn điều trị dự phòng INH cho các trường hợp sau:

+ Viêm gan tiến triển, xơ gan, nghiện rượu nặng: người bệnh có các triệu chứng lâm sàng của viêm gan (mệt mỏi, biếng ăn, nước tiểu sẫm mầu, đau bụng, nôn, buồn nôn, vàng da) và/hoặc có tăng men gan (ALT > 5 lần chỉ số bình thường). Trì hoãn điều trị dự phòng lao bằng INH cho đến khi men gan trở về bình thường hoặc < 5 lần giới hạn bình thường.

+ Rối loạn thần kinh ngoại biên: người bệnh có cảm giác kim châm, tê bì, yếu chi hoặc có cảm giác đau bỏng rát ở các chi. Trì hoãn điều trị dự phòng INH cho đến khi người bệnh được điều trị ổn định.

c.Liều lượng, cách dùng

– Liều lượng INH:

+ Người lớn: 1 viên 300mg/ngày

+ Trẻ em: 10mg/kg/ngày, tối đa 300 mg/ngày (Xem phụ lục 9)

– Cách dùng: Uống 1 lần/ngày vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn, tốt nhất là uống lúc đói.

– Thời gian điều trị: 9 tháng đối với người lớn và 6 tháng đối với trẻ em.

3.Viêm phổi do Pneumocystis Carinii (PCP)

3.1. Chẩn đoán

– Diễn biến bán cấp 1- 2 tuần. Biểu hiện ho, khó thở tăng dần, sốt, ra mồ hôi ban đêm. Ở trẻ em thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao.

– Trên 90% người bệnh có X quang phổi bình thường; thể điển hình có thâm nhiễm kẽ lan tỏa hai bên.

– Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và đáp ứng với điều trị co- trimoxazole.

– Nếu có điều kiện: lấy dịch rửa phế quản nhuộm Giemsa, nhuộm bạc, miễn dịch huỳnh quang tìm P. jiroveci.

3.2. Điều trị

– Phác đồ điều trị

Điều trị Co-Trimoxazol dựa trên liều TMP: 15mg/kg/ngày chia 4 lần x 21 ngày.

+ Người bệnh < 40 kg: TMP- SMX 480 mg, 2 viên/lần x 4 lần/ngày;

+ Người bệnh > 40 kg: TMP- SMX 480 mg, 3 viên/lần x 4 lần/ngày.

+ Trẻ em: TMP – SMX 20mg/kg/ngày (tính theo TMP) chia 6-8 giờ 1 lần

– Trong trường hợp suy hô hấp:

+ Người lớn: prednisolon/methylprednisolon (uống hoặc tĩnh mạch) với liều 40mg x 2 lần/ngày x 5 ngày, sau đó 40mg x 1 lần/ngày x 5 ngày rồi 20 mg x 1 lần/ngày x 11 ngày).

+ Trẻ em: Prednisone 2mg/kg/ngày chia 2 lần x 5 ngày, sau đó 1 mg/kg/ngày x 5 ngày, tiếp theo 0,5 mg/kg/ngày từ ngày 11 đến ngày 21, dừng điều trị theo tình trạng bệnh.

– Điều trị duy trì: CTX liều 960 mg uống hàng ngày ở người lớn và 5mg/kg/ngày tính theo liều TMP ở trẻ em cho đến khi người bệnh điều trị ARV có CD4 >350 tế bào/mm3 kéo dài ≥ 6 tháng.

– Phác đồ thay thế (khi người bệnh dị ứng với sulfamide):

– Người lớn: Clindamycin 600 mg tiêm tĩnh mạch hoặc 450 mg uống ngày 3 lần + primaquine 15 mg uống 1 lần/ngày trong 21 ngày.

– Trẻ em: Clindamycin 20 – 40mg/kg/ngày chia 4 lần tiêm tĩnh mạch + Primaquin 15- 30mg/ngày uống.

4.Bệnh do nấm Cryptococcus

4.1. Sàng lọc và dự phòng bệnh do nấm Cryptococcus

– Sàng lọc kháng nguyên Crytococcus neoformans (CrAg) huyết thanh ở người lớn chưa điều trị ARV có CD4 dưới 100 tế bào/mm3.

– Nếu CrAg dương tính và người bệnh không có triệu chứng, tiến hành điều trị dự phòng sớm bằng fluconazole 800-900 mg/ngày (hoặc 12 mg/kg/ngày đến 900 mg/ngày) trong 2 tuần, sau đó là 400-450mg/ngày (hoặc 6 mg/kg/ngày) trong 8 tuần và tiếp theo là duy trì fluconazole 150-200 mg/ngày cho tới khi CD4>200 tế bào/mm3 trong ít nhất 6 tháng.

– Nếu CrAg âm tính hoặc không biết tình trạng CrAg thì không điều trị dự phòng.

4.2. Chẩn đoán và điều trị bệnh do nấm Cryptococcus

Triệu chứng :

– Nhiễm nấm huyết: Sốt, tổn thương da dạng sẩn hoại tử, thâm nhiễm phổi. Xét nghiệm: sinh thiết da hoặc chọc hút hạch soi tìm nấm, cấy máu.

– Viêm màng não: Đau đầu, sợ ánh sáng, hội chứng màng não, rối loạn ý thức, có dấu hiệu thần kinh khu trú, sốt. Xét nghiệm: dịch não tủy thường biến loạn nhẹ, nhuộm mực tàu và cấy tìm nấm.

– Nhiễm nấm Cryptococcus ít gặp ở trẻ nhỏ, thường xuất hiện ở trẻ > 6 tuổi

Điều trị:

– Phác đồ ưu tiên: Amphotericin B tĩnh mạch 0,7-1,0mg/kg/ngày kết hợp với fluconazole uống 800 – 900 mg/ngày x 2 tuần, sau đó fluconazole 800-900 mg/ngày x 8 tuần.

– Phác đồ thay thế (cho trường hợp nhẹ không có biến chứng hoặc trong trường hợp không có amphotericin B): Fluconazole 800 – 900 mg/ngày x 8 tuần. Ở trẻ em liều 5 – 6 mg/kg/ngày.

– Điều trị tăng áp lực nội sọ: Chọc dẫn lưu dịch não tủy hàng ngày một hoặc nhiều lần tùy mức độ tăng áp lực nội sọ, mỗi lần dẫn lưu 15-20 ml hoặc cho tới khi người bệnh bớt đau đầu (mannitol và corticoid không có tác dụng).

– Điều trị duy trì: Fluconazole 150 – 200 mg/ngày ở người lớn và 3 mg/kg/ngày; ngừng sử dụng khi người bệnh điều trị ARV có số CD4 > 200 tế bào/mm3 trên 6 tháng.

4.3. Thời điểm điều trị ARV

– Không bắt đầu điều trị ARV ngay ở những người bệnh có viêm màng não do Cryptococcus do có nguy cơ cao bị hội chứng viêm PHMD với bệnh hệ thần kinh trung ương gây đe dọa tính mạng.

– Ở người nhiễm HIV mới được chẩn đoán viêm màng não do Cryptococcus, cần trì hoãn việc khởi động điều trị ARV cho đến khi có bằng chứng đáp ứng lâm sàng bền vững với điều trị kháng nấm sau giai đoạn điều trị tấn công và củng cố từ 2 – 4 tuần nếu điều trị phác đồ có amphotericin B, hoặc sau 6 – 8 tuần nếu điều trị phác đồ chỉ có fluconazole.

5.Bệnh do nấm Candida

5.1. Chẩn đoán

– Nấm Candida miệng: Nhiều đốm hoặc đám giả mạc màu trắng, xốp, mủn, dễ bong ở lưỡi, lợi, mặt trong má, vòm họng, mặt trước amidan, thành sau họng.

– Nấm thực quản: nuốt đau; có thể đi kèm với nấm họng. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, chỉ soi cấy nấm khi lâm sàng không điển hình hoặc điều trị không kết quả. Soi thực quản nếu người bệnh đã được điều trị như nấm thực quản mà không đỡ.

– Nấm sinh dục: Người bệnh có biểu hiện ngứa, rát; khí hư đóng thành mảng trắng như váng sữa; âm hộ-âm đạo đỏ, phù nề và đau; bệnh hay tái phát. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, soi tươi tìm nấm hoặc nuôi cấy phân loại nếu lâm sàng không điển hình hoặc điều trị không hiệu quả.

5.2. Điều trị

– Nấm miệng: Fluconazole 100 – 300 mg/ngày x 7 ngày.

– Nấm thực quản: Fluconazole 200 – 300 mg/ngày x 14 ngày, hoặc Itraconazole 400 mg/ngày x 14 ngày.

– Nấm sinh dục: Fluconazole 150 – 200 mg uống liều duy nhất; nếu người bệnh suy giảm miễn dịch nặng thì dùng liều cao và kéo dài hơn; hoặc Itraconazole 100 mg uống 2 viên/ngày x 3 ngày liên tiếp; hoặc clotrimazole 100 mg/miconazole 100 mg đặt âm đạo 1 viên/ngày x 3-7 ngày; hoặc clotrimazole 500mg đặt 1 lần; nystatin 100.000 đơn vị đặt âm đạo 1 viên/ngày x 14 ngày.

6.Bệnh do nấm Penicillium marneffei

6.1. Biểu hiện lâm sàng

– Tổn thương da đơn thuần: Các mụn sẩn trên da, lõm ở trung tâm, hoại tử tạo vảy đen, không đau, không ngứa; ban thường mọc ở mặt, hoặc toàn thân.

– Nhiễm nấm huyết: Sốt, tổn thương da, thiếu máu, gan lách to, hạch to, suy kiệt.

– Biểu hiện ở phổi: Ho khan, sốt, có thể có khó thở mức độ nhẹ và vừa.

6.2. Xét nghiệm

– Soi tươi và cấy tìm nấm bệnh phẩm da, tủy xương, hạch.

– Cấy máu và nuôi cấy các bệnh phẩm trên trong môi trường Sabbouraud ở 25 – 37°C.

6.3. Điều trị

– Phác đồ ưu tiên: Amphotericin B (0,7 – 1,5 mg/kg/ngày) trong 2 tuần sau đó itraconazole 200 mg 2 lần/ngày (ở trẻ em 5 – 6 mg/kg x2 lần/ngày) x 8- 10 tuần.

– Phác đồ thay thế (cho trường hợp nhẹ hoặc không có amphotericin B): itraconazole 200 mg 2 lần/ngày x 8 tuần.

– Điều trị duy trì: Itraconazole 200 mg/ngày ở người lớn và 3 mg/kg/ngày ở trẻ em; ngừng khi người bệnh điều trị ARV có số CD4 > 200 tế bào/mm3 ≥ 6 tháng.

7.Viêm não do Toxoplasma gondii

7.1. Chẩn đoán

– Đau đầu, chóng mặt, co giật, tổn thương thần kinh khu trú

– Sốt

– Dấu hiệu thần kinh khu trú

– Tổn thương choán chỗ một hoặc nhiều ổ trên hình ảnh cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) sọ não

– Đáp ứng với điều trị đặc hiệu có thể sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán

Trẻ em: Nhiễm Toxoplasma ở trẻ có thể xảy ra trước khi sinh (bẩm sinh) hoặc sau khi sinh. Các triệu chứng sớm của nhiễm Toxoplasma: sốt, đau họng, đau cơ, sưng hạch lympho, phát ban, gan lách to. Các triệu chứng muộn: viêm não, sốt, lú lẫn, co giật, và tổn thương võng mạc.

7.2. Điều trị

Người lớn

– Phác đồ điều trị: Co-trimoxazole liều dựa trên TMP 10 mg/kg/ngày trong 6 tuần.

– Điều trị duy trì: Co-trimoxazole uống liều 960 mg/ngày; ngừng khi người bệnh điều trị ARV có CD4 trên 350 tế bào/mm3 ≥ 6 tháng.

Trẻ em

– Nhiễm Toxoplasma bẩm sinh: co-trimoxazole: liều dựa trên TMP 10 – 15 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc uống; hoặc pyrimethamine 2 mg/kg/ngày uống 1 lần/ngày x 2 ngày, sau đó 1 mg/kg/ngày trong 2 – 6 tháng, sau đó 1 mg/kg/ngày uống 3 lần/tuần + sulfadiazine 50 mg/kg/ngày uống chia 2 lần/ngày + Acid folinic 10 – 25 mg/ ngày.Thời gian điều trị tối ưu chưa rõ tuy nhiên có thể kéo dài tới 12 tháng hoặc do thầy thuốc có kinh nghiệm về điều trị Toxoplasma quyết định.

– Nhiễm Toxoplasma sau khi sinh:

+ Phác đồ điều trị: Co-trimoxazole: liều dựa trên TMP 10 – 15 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc uống, hoặc pyrimethamine uống: liều tấn công 2 mg/kg cân nặng/ngày x 3 ngày, sau đó giảm xuống 1 mg/kg/ngày + acid folinic uống 10 – 25 mg/ngày + sulfadiazin uống, 120 mg/kg/ngày chia 4 lần/ ngày x 6 – 8 tuần.

+ Điều trị duy trì: Co-trimoxazole liều dựa trên TMP 5 mg/kg/ngày

8.Bệnh do Mycobacterium Avium Complex (MAC)

8.1. Chẩn đoán

– Sốt kéo dài hoặc tái phát, sút cân, mệt mỏi, thiếu máu, có gan, lách, hạch to. Cần chẩn đoán phân biệt với lao.

– Chẩn đoán: Dựa vào phân lập được MAC trong máu hoặc vị trí khác nhưng thường khó thực hiện; cân nhắc chẩn đoán MAC nếu người bệnh không đáp ứng với điều trị lao sau 2 – 4 tuần.

8.2. Điều trị

Người lớn

– Phác đồ ưu tiên: Clarithromycin uống 500 mg x 2 lần/ngày + ethambutol uống 15 mg/kg/ngày.

– Phác đồ thay thế: Azithromycin uống 500 mg/ngày + ethambutol ± rifabutin uống 300 mg/ngày; hoặc azithromycin uống 500 mg/ngày + ethambutol hoặc ciprofloxacin 500 mg x 2 lần/ngày.

– Ngừng điều trị MAC khi người bệnh được điều trị ARV và có số CD4 tăng >100 tế bào/mm3 trên 6 tháng.

Trẻ em

– Clarithromycin: 7,5 – 15 mg/kg x2 lần trong ngày (tối đa 500 mg/liều) + Ethambutol 15 – 25 mg/kg uống một lần /ngày (tối đa 1000 mg) + Rifampicin 10 – 20 mg/kg, uống một lần/ngày.

9.Bệnh do Cytomegalovirus (CMV)

9.1. Biểu hiện lâm sàng

– Viêm võng mạc: Nhìn mờ, có những đám đen hoặc chấm đen di động, những điểm tối trước mắt, sợ ánh sáng, tiến triển tới bong võng mạc và mù hoàn toàn nếu không điều trị. Có thể ở một bên mắt, hoặc lan sang mắt còn lại. Các tổn thương võng mạc thường không thể phục hồi.

– Viêm đại tràng: Gầy sút, đau bụng, tiêu chảy, sốt, có thể gây thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa.

– Viêm thực quản: Nuốt đau

– Bệnh ở hệ thần kinh trung ương: Sa sút trí tuệ, viêm não, viêm đa rễ thần kinh, dịch não tủy tăng tế bào, protein bình thường hoặc tăng, nguy cơ tử vong cao.

9.2. Chẩn đoán

– Viêm võng mạc: Soi đáy mắt có các đám hoại tử (màu trắng) ở võng mạc, có thể kèm theo xuất huyết võng mạc, đơn độc hoặc nhiều đám lan tỏa.

– Viêm đại tràng, viêm thực quản, viêm não: Nếu có thể, lấy bệnh phẩm sinh thiết não, dịch não tủy, máu làm xét nghiệm nuôi cấy hoặc chẩn đoán PCR.

9.3. Điều trị

Người lớn

– Điều trị viêm võng mạc do CMV

Giai đoạn cấp: Tiêm nội nhãn ganciclovir 2 mg trong 0,05-0,1 ml/ tuần 2 lần trong 3 tuần, sau đó duy trì tuần một lần hoặc ganciclovir truyền tĩnh mạch 7,5 -10 mg/kg/ngày chia 2 lần trong 21 ngày liên tiếp hoặc lâu hơn nếu không đáp ứng.

– Có thể sử dụng một trong các phác đồ dưới đây:

+ Foscarnet: Liều 60 mg/kg/8giờ, nếu hiệu quả dùng liều 60 – 120 mg/kg/ngày.

+ Valganciclovir 900 mg uống 2 lần/ngày x 21 ngày; hoặc

+ Valganciclovir nội nhãn 6 tháng một lần + ganciclovir TM hoặc valganciclovir uống như trên.

+ Cấy ganciclovir nội nhãn 6 tháng một lần.

– Điều trị duy trì: Ganciclovir 5 mg/kg/ngày hàng ngày, hoặc 6 mg/kg/ngày điều trị 5 ngày/tuần; hoặc valganciclovir uống 900 mg/ngày; hoặc foscarnet 90 -120 mg/kg tĩnh mạch mỗi ngày; hoặc cấy ganciclovir 6 – 9 tháng/lần + ganciclovir 1 – 1,5g uống 3 lần/ngày; xem xét ngừng điều trị khi CD4 > 100 tế bào/mm3.

Các bệnh lý khác do CMV: điều trị tương tự bằng các thuốc uống hoặc tĩnh mạch như trên.

Trẻ em

– Phác đồ ưu tiên: Ganciclovir 10 – 15 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chia 2 lần trong 14 – 21 ngày, sau đó duy trì 5 – 10 mg/kg/ngày x 5 – 7 ngày/tuần.

– Phác đồ thay thế: Foscarnet 180 mg/kg/ngày chia 3 lần x 14 – 21 ngày, sau đó duy trì 90 – 120 mg/kg/ngày.

– Duy trì suốt đời bằng ganciclovir 5 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch một lần nếu bị bệnh toàn thân do CMV. Điều trị duy trì cho viêm võng mạc là Ganciclovir nội nhãn 6 – 9 tháng một lần + Ganciclovir uống 90 mg/kg/ngày chia 3 lần.

– Ngừng điều trị nếu đã điều trị bằng ARV và khi CD4 > 100 tế bào/mm3 đối với người lớn và tỷ lệ CD4 > 15% đối với trẻ em dưới 5 tuổi và kéo dài trên 6 tháng.

10.Viêm gan B và C

– Người nhiễm HIV cần được sàng lọc vi rút viêm gan B và C để xác định tình trạng đồng nhiễm; những người không nhiễm vi rút viêm gan B (HBsAg âm tính) nên được tiêm phòng viêm gan B.

– Chỉ định điều trị ARV cho người nhiễm HIV có viêm gan B nặng

– Ưu tiên phác đồ có TDF+ 3TC+ EFV cho người đồng nhiễm HIV và viêm gan B. Theo dõi đáp ứng của vi rút viêm gan B nếu có điều kiện. Duy trì hai thuốc TDF+3TC trong phác đồ bậc hai khi người bệnh bị thất bại phác đồ bậc một.

– Biểu hiện bùng phát viêm gan trong vài tháng đầu sau điều trị ARV ở người đồng nhiễm HIV và viêm gan B/viêm gan C có thể là biểu hiện của hội chứng viêm PHMD hoặc do độc tính của thuốc.

– Điều trị viêm gan C bằng peg-interferone và ribavirin chỉ nên được bắt đầu khi người nhiễm HIV có số CD4 > 200 tế bào/mm3; lưu ý tương tác giữa zidovudine (AZT) và ribavirin ở người điều trị đồng thời hai thuốc này có thể gây thiếu máu.Vì thế tốt nhất là đổi AZT sang TDF. Chưa có bằng chứng về lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và viêm gan C có CD4 > 500 tế bào/mm3.

11.Sàng lọc và chăm sóc các bệnh không lây

– Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc các bệnh không lây cao, bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính và một số loại ung thư.

– Nên lồng ghép các can thiệp dinh dưỡng như chế độ ăn, ngừng hút thuốc lá,tập thể dục, theo dõi huyết áp và cholesterol khi có điều kiện để làm giảm nguy cơ các bệnh không lây ở người nhiễm HIV.

– Những người nhiễm HIV thường bị các bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, sa sút trí tuệ và các rối loạn nhận thức khác cùng với các rối loạn sử dụng nghiện chất. Cần sàng lọc và điều trị những vấn đề tâm thần để củng cố tuân thủ điều trị thuốc ARV và chăm sóc HIV lâu dài.

– Người nhiễm HIV sử dụng ma túy có thể bị các rối loạn liên quan đến việc sử dụng ma túy, bao gồm phụ thuộc ma túy, ngộ độc, tình trạng sau cai và quá liều.

– Người nhiễm HIV có thể bị đau do nhiều nguyên nhân. Cần xác định và điều trị nguyên nhân chính trong khi vẫn phải kiểm soát đau và các triệu chứng khác. Các thuốc giảm đau non-opioid và opioid có thể chỉ định theo mức độ đau của người bệnh. Ngoài ra, xử trí các tác dụng phụ của điều trị ARV một cách hiệu quả là vấn đề quan trọng để hỗ trợ tuân thủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *