ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

 

CƠ SỞ LÝ LUẬN SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Y học cổ truyền xếp bệnh Sốt xuất huyết bào nhóm Ôn bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt tà tác động vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết.

– Nhiệt độc tấn công vào phần Vệ khí gây sốt cao, vào phần Dinh gây ban chẩn (xung huyết), vào phần Huyết gây xuất huyết. Bệnh ở giai đoạn nặng có thể chuyển thành chứng Quyết: nhẹ là nhiệt quyết (tương đương với sốc nhẹ); nặng là hàn quyết (tương đương với sốc nặng).

– Nguyên tắc điều trị cơ bản của Y học cổ truyền là thanh nhiệt giải độc lương huyết, chỉ huyết. Thanh nhiệt giải độc nhằm loại trừ nguyên nhân (nhiệt độc), lương huyết chỉ huyết nhằm làm mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường và để cầm máu.

– Y học cổ truyền điều trị rất hiệu quả ngay từ giai đoạn sớm của bệnh Sốt xuất huyết Dengue:

+ Hạn chế bệnh chuyển thành mức độ nặng.

+ Bệnh nhân chóng bình phục sức khỏe

+ Góp phần phòng chống dịch Sốt xuất huyết Dengue hiệu quả.

+ Giảm chi phí điều trị.

Qua thực tiễn lâm sàng nhiều năm cho thấy, thuốc y học cổ truyền có tác dụng điều trị Sốt xuất huyết Dengue ở mức độ Sốt xuất huyết Dengue (theo phân loại WHO – 2009) đạt hiệu quả cao. Còn ở mức độ nặng hơn (Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc Sốt xuất huyết Dengue nặng (theo phân loại WHO – 2009), trên cơ sở điều trị bằng y học hiện đại, khi kết hợp điều trị với y học cổ truyền sẽ có tác dụng giảm các biến chứng, hồi phục nhanh và tốt hơn so với điều trị đơn thuần bằng y học hiện đại.

ĐỐI CHIẾU PHÂN ĐỘ SỐT XUẤT HUYẾT CỦA WHO THEO TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC GIAI ĐOẠN CỦA YHCT

               Nguyên nhân

Diễn biến bệnh

Y học hiện đại

(Virut Dengue )

Y học cổ truyền

(Nhiệt độc tấn công vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết)

Sốt xuất huyết Dengue

– Vi rút Dengue vào Bạch cầu đơn nhân đại thực bào

– Hiện tượng kháng thể tăng cường nhiễm trùng

– Nhiệt độc tấn công vào phần Vệ

– Nhiệt độc tấn công vào phần Khí

– Bạch cầu đơn nhân đại thực bào bị phá hủy, giải phóng vi rút và các chất giãn mạch,…. vào máu gây nên: giãn mạch, huyết tương thoát ra, hạ tiểu cầu, cô đặc máu; Mặt khác, biến đổi thành mạch, rối loạn đông máu, gây chảy máu

– Nhiệt độc vẫn còn ở phần Khí, tiếp tục tấn công vào phần Dinh gây ban chẩn xung huyết hoặc vào phần Huyết gây xuất huyết

 

Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Xuất hiện hội chứng sốc nhẹ, huyết áp kẹt, mình nóng vật vã, nhưng chân tay lại lạnh.

– Nhiệt độc ứ kết ở nông (Khí, Dinh) làm khí âm bị tổn thương nhưng chính khí chưa suy: Nhiệt quyết.

Sốt xuất huyết Dengue nặng

Xuất hiện hội chứng sốc nặng, huyết áp tụt, mạch không bắt được, người chân tay lạnh do sốc xuất huyết, do chảy máu, sốc nguyên phát….

– Nhiệt độc ứ kết ở sâu (Dinh, Huyết) làm khí âm bị tổn thương rất nặng, kèm huyết thoát hoặc khí thoát gây chứng dương thoát, hoặc Hàn quyết.

DIỄN BIẾN LÂM SÀNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện bệnh sớm, theo dõi lâm sàng chặt chẽ, chẩn đoán và điều trị kịp thời có hiệu quả trong từng giai đoạn của bệnh, người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh và ít để lại hậu quả nặng nề.

1. Y học hiện đại

1.1. Giai đoạn sốt

Lâm sàng:

– Sốt cao đột ngột, liên tục.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết.

– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

– Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

– Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

1.2. Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh.

Lâm sàng:

a) Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.

b) Có thể có các biểu hiện sau:

– Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ):

+ Tràn dịch màng phổi, màng bụng, các khoang tự nhiên, nề mi mắt, gan to, có thể đau.

+ Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, đầu chi lạnh, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.

– Xuất huyết:

+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.

+ Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu tiện ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

+ Xuất huyết nội tạng, cơ quan như: xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen…), phổi (ho ra máu), não đây là biểu hiện nặng của bệnh.

c) Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

1.3. Giai đoạn hồi phục

Lâm sàng:

Sau 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48 – 72 giờ.

– Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu tiện nhiều.

– Có thể có nhịp tim chậm.

– Trong giai đoạn này, bồi phụ nước và điện giải phải chú ý tình trạng người bệnh, nếu truyền dịch quá mực có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

2. Y học cổ truyền

2.1. Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần vệ, phần khí (Tương đương giai đoạn sốt của YHHĐ):

Lâm sàng:

Sốt cao, lúc đầu hơi sợ lạnh, sốt liên tục cả ngày lẫn đêm, nhức đầu, đau người, lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, mạch sác. Sau đó có xuất hiện triệu chứng: sốt rất cao, mặt đỏ, mắt đỏ, chân tay tê bì, ngực bụng đầy tức, nôn hoặc buồn nôn, vã mồ hôi, khát nước, đại tiện táo kết hay lỏng nát, tiểu tiện đỏ….

2.2. Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí, dinh và huyết (Tương đương giai đoạn nguy hiểm của YHHĐ):

Lâm sàng:

Sốt cao, có hạch ở nách, khủy tay và bẹn, đau người, đau đầu, nhức hố mắt, mặt đỏ, lưng hoặc chân tay có điểm xuất huyết, chảy máy chân răng, chảy máu cam, miệng khát, có khi nôn mửa, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch phù sác hay hồng đại.

2.3. Giai đoạn phục hồi:

Lâm sàng:

Hết sốt, ban xuất huyết mờ dần, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt, lưng gối đau mỏi, ngủ kém, đại tiện lỏng nát…. Thường có biểu hiện triệu chứng của nhiệt thương âm dịch, tỳ vị hư nhược, thận khí hư suy.

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN

Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2009):

– Sốt xuất huyết Dengue.

– Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

– Sốt xuất huyết Dengue nặng.

1. Giai đoạn sốt xuất huyết Dengue:

a. Lâm sàng:

*Theo Y học hiện đại:

Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

– Biểu hiện xuất huyết có thể như Nghiệm pháp dây thắt (+); chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng và chảy máu cam.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết, phát ban.

– Đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt.

*Theo Y học cổ truyền

Sốt cao, lúc đầu hơi sợ lạnh, sốt liên tục cả ngày lẫn đêm, nhức đầu, đau người, lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, mạch sác. Sau đó có xuất hiện triệu chứng: sốt rất cao, mặt đỏ, mắt đỏ, chân tay tê bì, ngực bụng đầy tức, nôn hoặc buồn nôn, đại tiện táo kết hay lỏng nát, tiểu tiện đỏ…

b. Cận lâm sàng :

– Hematocrit bình thường, hoặc tăng (có biểu hiện cô đặc máu).

– Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.

– Số lượng bạch cầu giảm.

2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

a. Lâm sàng:

*Theo Y học hiện đại:

Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:

– Vật vã, lờ đờ, li bì.

– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan

– Gan to > 2 cm

– Nôn nhiều.

– Xuất huyết da, niêm mạc.

– Tiểu ít

*Theo Y học cổ truyền:

Sốt cao, đau người, đau đầu, nhức hố mắt, mặt đỏ, lưng chân tay có điểm xuất huyết, chảy máu cam, miệng khát, có khi nôn mửa, có hạch ở nách, khủy tay và bẹn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch phủ sác hay hồng đại.

b. Cận lâm sàng.

Xét nghiệm máu:

+ Hematocrit tăng cao

+ Tiểu cầu giảm nhanh chóng

Nếu người bệnh có nhiều dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, kết quả hematocrit, số lượng tiểu cầu, bồi phụ nước, điện giải kịp thời và theo dõi dấu hiệu xuất huyết trên lâm sàng.

3. Sốt xuất huyết Dengue nặng

a. Lâm sàng:

*Theo Y học hiện đại:

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc do giảm thể tích khối lượng tuần hoàn (Sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Xuất huyết nặng. Suy tạng.

– Sốc xuất huyết Dengue:

+ Suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; đầu chi lạnh, da lạnh ẩm; nước tiểu ít; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp.

+ Sốc sốt xuất huyết Dengue được chia ra 2 mức độ để điều trị bù dịch.

Sốc sốt xuất huyết Dengue: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.

Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.

– Chú ý : Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy cần theo dõi sát lâm sàng, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí kịp thời.

– Xuất huyết nặng:

+ Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường xuyên kèm theo tình trạng sốc nặng, tiểu cầu giảm nhiều, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

+ Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

– Suy tạng nặng:

+ Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000U/L

+ Suy thận cấp

+ Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não)

+Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

*Theo Y học cổ truyền:

Đang sốt cao hoặc sốt có giảm, đột ngột nhiệt độ hạ thấp, huyết áp tụt, mạch nhanh, người mệt mỏi, vật vã, vã mồ hôi, chất lưỡi đỏ, mạch trầm tế sác….

4. Chẩn đoán căn nguyên vi rút Dengue

Xét nghiệm huyết thanh

– Xét nghiệm nhanh:

+ Tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu của bệnh.

+ Tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi.

– Xét nghiệm ELISA:

+ Tìm kháng thể IgM: xét nghiệm từ ngày thứ năm của bệnh.

+ Tìm kháng thể IgG: lấy máu 2 lần cách nhau 1 tuần tìm động lực kháng thể (gấp 4 lần).

Xét nghiệm PCR, phân lập vi rút: Lấy máu trong giai đoạn sốt (thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm có điều kiện).

5. Chẩn đoán phân biệt

– Sốt phát ban do virus

– Sốt mò.

– Sốt rét.

– Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu, vi khuẩn gram âm,…

– Sốc nhiễm khuẩn.

– Các bệnh máu có sốt

ĐIỀU TRỊ (Theo phân loại của WHO – 2009):

1. Điều trị theo Y học hiện đại: xem cụ thể ở bài “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue”

2. Điều trị kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền

Tùy theo từng giai đoạn của Sốt xuất huyết Dengue, người thầy thuốc có thể kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong điều trị nhằm đạt được hiệu quả cao và an toàn trong điều trị cho người bệnh.

2.1. Sốt xuất huyết Dengue

– Nguyên tắc điều trị: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết, nâng cao thể trạng.

a. Nếu mới chỉ có sốt cao (chưa có xuất huyết):

+ Pháp điều trị: sơ biểu, thanh nhiệt, giải độc.

+Có thể dùng một trong những bài thuốc sau:

+ Bài thuốc 1:

Lá dâu 15g

Cúc hoa 12g

Bạc hà 12g

Hoa mướp 20g

Mật ong 20g

 

Các vị thuốc tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa mật ong uống thay trà trong ngày.

+ Bài thuốc 2: Tang cúc ẩm gia giảm

Lá dâu 12g

Cát cánh 6g

Cúc hoa 12g

Mạch môn 8g

Kim ngân hoa 12g

Hoàng cầm 8g

Liên kiều 12g

Quả dành dành 8g

Bạc hà 6g

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

+ Bài thuốc 3:

Kim ngân hoa 12g

Sơn tra 12g

Cúc hoa 12g

Mật ong 20g

Các vị thuốc tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa thêm mật ong uống thay trà trong ngày.

+ Bài thuốc 4:

Lô căn 30g

Bạc hà 5 – 10g

Hai vị hãm với nước sôi trong bình kín, sau khoảng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

b. Nếu đã có xuất huyết:

+ Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết

+ Có thể dùng một trong các bài thuốc sau:

+ Bài thuốc 1:

Lá cúc tần 12g

Cỏ nhọ nồi 16g

Mã đề 16g

Trắc bách diệp (sao đen) 16g

Củ sắn dây 20g

Rau má 16g

Lá tre 16g

Gừng tươi 3 lát

Nếu không có Củ sắn dây thì thay bằng lá dâu 16g.

Nếu không có Trắc bách diệp thì thay bằng Lá sen sao đen 12g (hoặc lá sen tươi 20g) hoặc Kinh giới sao đen 12g.

Một số vị thuốc có thể dùng tươi: Cỏ nhọ nồi, Trắc bách diệp, Lá sen, Rau má.

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

+ Bài thuốc 2:

Cỏ nhọ nồi (sao vàng) 20g

Cối xay (sao vàng) 12g

Rễ cỏ tranh 20g

Sài đất 20g

Kim ngân (hoa, lá, cuộng) 12g

Hạ khô thảo (sao qua) 12g

Hòe hoa 10g

Gừng tươi 3 lát

Nếu không có Hạ khô thảo thì thay bằng Bồ công anh: 12g

Một số vị thuốc có thể dùng tươi: Cỏ nhọ nồi, Cối xay, Rễ cỏ tranh

Cách dùng: Cho 600 ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

+ Bài thuốc 3:

Thạch cao sống 40g

Kim ngân hoa 12g

Huyền sâm (hoặc sinh địa) 20g

Hạ khô thảo 12g

Cỏ nhọ nồi 40g

Trắc bách diệp 30g

Cối xay (sao vàng) 8g

Hòe hoa (sao vàng)  12g

Rễ cỏ tranh 20g

Hoàng đằng 12g

Sài đất (sao vàng) 20g

Cam thảo 12g

Gừng tươi 3 lát

Cỏ ngọt 6g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần uống trong ngày.

Một số vị thuốc có thể dùng tươi: Cỏ nhọ nồi, Cối xay, Rễ cỏ tranh, Trắc bách diệp

+ Bài thuốc 4:

Cỏ nhọ nồi 20g

Cam thảo 6g

Hoạt thạch 12g

Mã đề 16g

Gừng tươi 3 lát

Nếu không có Hoạt thạch thì thay bằng Cối xay tươi, hoặc sao vàng 12g

Nếu không có Mã đề thì thay bằng Lá tre 16g

Cách dùng: Cho 600 ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần. Nếu hết sốt ngừng thuốc ngay.

+ Bài 5:

Toa căn bản

Thuốc thay thế

Rễ cỏ tranh 8g

Râu ngô, Râu mèo, Mã đề, Rễ thơm (dứa)

Rau má 8g

Rau đắng lá lớn, Tinh tre, Khổ qua

Lá muồng trâu 4g

Vỏ Cây dại, Lá mơ lông

Cỏ Mần trầu 8g

Lá dâu tầm, Kim ngân hoa, Rau sam.

Ké đầu ngựa 4g

 

Cam thảo nam 4g

 

Gừng 2g

Củ riềng, Vỏ Bưởi, Vỏ Phật thủ

Củ sả 4g

 

Trần bì 4g

 

– Các bài thuốc trên điều trị cho trẻ em liều dùng như sau:

+ Trẻ em từ 6 – 14 tuổi: Liều nặng 1/2 liều người lớn

+ Trẻ em 15 tuổi trở lên: liều bằng liều người lớn

+ Trẻ còn bú mẹ đến 5 tuổi chuyển sang truyền nhiễm nhi điều trị.

2.2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Người bệnh nhập viện điều trị theo phác đồ YHHĐ, có thể điều trị hỗ trợ bằng thuốc YHCT sử dụng: Bài thuốc 2 hoặc Bài thuốc 3 ở mục b trong phần 2.1.

2.3. Sốt xuất huyết Dengue nặng

– Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng

– Người bệnh phải được điều trị cấp cứu theo phác đồ y học hiện đại tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện, trong quá trình điều trị tùy thuộc vào năng lực chuyên môn của thầy thuốc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, diễn biến lâm sàng và cận lâm sàng của người bệnh để kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại làm giảm các biến chứng, giúp bệnh nhân chóng hồi phục.

– Một số bài thuốc kết hợp

+ Bài 1: Độc sâm thang

Nhân sâm 12 g

+ Bài 2: Sinh mạch tán

Nhân sâm 12g

Mạch môn 12g

Ngũ vị tử 8g

 

 

+ Bài 3: Tăng dịch thang

Nhân sâm 12g

Mạch môn 12g

 

Sinh địa 12g

 

ĐIỀU TRỊ GIAI ĐOẠN PHỤC HỒI VÀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG

1. Điều trị giai đoạn phục hồi

-Thời kỳ này chủ yếu nghỉ ngơi. Để tăng nhanh hiệu quả và nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe, người bệnh có thể dùng thêm các thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm. Thuốc Y học cổ truyền có tác dụng nâng cao thể trạng phục hồi sức khỏe.

-Nếu người bệnh mệt mỏi nhiều, ăn kém, không muốn ăn, thì có thể sử dụng các bài thuốc sau:

+ Bài 1: Sinh mạch tán

Nhân sâm 12g

Mạch môn 12g

Ngũ vị tử 8g

 

+ Bài 2: Bổ trung ích khí thang

Đẳng sâm 16g

Thăng ma 08g

Bạch truật 12g

Cam thảo 06g

Trần bì 08g

Đương qui 12g

Hoàng kỳ 12g

Sài hồ 10g

+ Bài 3: Ích vị thang gia vị: (tác dụng ích vị sinh tân)

Sa sâm 12g

Sinh địa 12g

Thạch hộc 12g

Bạch thược 12g

Mạch môn 12g

Mach nha 12g

+ Bài 4: Sâm linh bạch truật tán gia giảm: (tác dụng bổ tỳ ích khí)

Đẳng sâm 12g

Ý dĩ 16g

Bạch truật 12g

Trần bì 06g

Phục linh 12g

Mach nha 12g

Hoài sơn 12g

Kê nội kim 12g

Biển đậu 12g

Cam thảo 4g

+ Bài 5: Bột bổ tỳ:

Ý dĩ 20g

Hạt sen 20g

Hoài sơn 30g

Cam thảo 10g

Tất cả làm thành bột mịn.

Liều dùng:

Dưới 3 tuổi: 10 g/ngày

Từ 3 – 8 tuổi: 15 g/ngày

Từ 8 – 15 tuổi: 20 g/ngày

+ Bài 6: Tác dụng bổ khí sinh tân

Nhân sâm 4 g

Thạch hộc 12g

Sa sâm 12g

Ngũ vị tử 04g

Mạch môn 12g

 

+ Bài 7: Chế phẩm Cốm tan bổ tỳ của bệnh viện YHCT trung ương

Liều dùng:

Trẻ em dùng liều 10g/ngày

Người lớn dùng liều 20g/ngày

Nếu người bệnh có triệu chứng của suy nhược và thiếu máu thì có thể dùng bài thuốc bổ huyết

+ Bài 8: Chế phẩm Quy tỳ hoàn

Liều dùng:

Trẻ em uống ngày 1 đến 2 hoàn

Người lớn uống ngày 2 đến 4 hoàn

2. Ăn uống khi người bệnh bị Sốt xuất huyết Dengue:

– Khi đang có sốt cao: Cần ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu như: sữa, nước cháo đường, nước chanh, nước sắn dây… nhằm mục đích đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể và kết hợp với thuốc bồi phụ nước và điện giải.

– Khi bệnh đã lui, cần ăn cháo đặc hơn, hoặc cơm nát, sau đó chuyển sang chế độ ăn bình thường.

3. Tiêu chuẩn cho người bệnh xuất viện:

– Hết sốt 2 ngày, tỉnh táo

– Mạch, huyết áp bình thường

– Số lượng tiểu cầu > 50.000/mm3

PHÒNG BỆNH

– Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

– Thực hiện công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết Dengue theo quy định của Bộ Y tế.

– Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.

– Thuốc uống phòng dịch trong vùng đang có dịch lưu hành: Dùng Bài thuốc 2 ở phần b trong mục 2.1 sắc uống trong suốt vụ dịch, uống thay nước, uống hàng ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *