ĐIỆN GIẬT

I. ĐẠI CƯƠNG

–    Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp, nguy hiểm và có thể gây nhiều loại tổn thương cho cơ thể (ngừng tim, ngừng thở, tổn thương các cơ quan gây nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các di chứng nặng nề).

–    Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp điện, có sự gia tăng song song số người bị điện giật và tử vong. Ở các nước châu Âu, tỷ lệ tử vong do điện giật chiếm 45% tổng số các tai nạn trong gia đình. Và tỷ lệ này còn cao hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

–    Tổn thương do điện xảy ra theo ba cơ chế :

+   Tác động trực tiếp của dòng điện lên mô cơ thể.

+   Chuyển đổi năng lượng điện thành năng lượng nhiệt gây bỏng sâu và bỏng bề mặt.

+     Tổn thương cơ học do sét đánh, do co cơ, hoặc các chấn thương sau ngã do điện giật.

–    Độ nặng của thương tổn điện giật tùy thuộc vào 6 yếu tố sau:

+     Loại dòng điện: dòng điện xoay chiều nguy hiểm hơn dòng điện một chiều (với cùng điện thế và cường độ).

  • Dòng điện một chiều chỉ gây một co giật duy nhất là bệnh nhân buông tay khỏi vật tiếp xúc, do đó thời gian tiếp xúc ngắn, ít nguy hiểm
  • Dòng điện xoay chiều làm co cứng cơ khiến cho bệnh nhân không buông vật dẫn điện, do đó thời gian tiếp xúc kéo dài.

+     Cường độ dòng điện: cường độ dòng điện càng lớn thì càng gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Ở cường độ > 9mmA gây co cơ, co giật.  Ở cường độ > 80 mmA gây rung thất. Ở cường độ > 3A gây tổn thương não.

+   Điện thế: điện thế càng cao thì dòng điện càng lớn, nguy hiểm càng cao. Điện thế thấp < 24V hoặc dây điện thoại (65V) không gây tử vong, dòng điện sinh hoạt 110-220V có thể gây tử vong.

+   Điện trở của cơ thể: từng loại mô cơ thể có sức cản khác nhau với dòng điện.

Dòng điện sẽ dừng lại ở chỗ có điện trở cao. Trong cơ thể, điện trở giảm theo thứ tự xương, mỡ, gân, cơ, niêm mạc, thần kinh.

+   Đường dẫn điện: đường dẫn điện quyết định cơ quan bị tổn thương, loại tổn thương và mức độ chuyển điện năng thành nhiệt năng.

Dòng điện đi từ tay này qua tay kia hay đi từ tay đến chân dễ đi qua tim gây rối loạn nhịp, tổn thương cơ tim.

Dòng điện qua não có thể gây ngừng thở, co giật, liệt.

Dòng điện qua mắt có thể gây đục thủy tinh thể.

+   Thời gian tiếp xúc: thời gian tiếp xúc càng dài, nhiệt lượng sinh ra càng lớn, tổn thương mô càng nặng.

II. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Biểu hiện lâm sàng của các tổn thương do điện được xếp loại từ bỏng da bề mặt cho tới rối loạn chức năng đa tạng nặng và tử vong.

2.1.     Tim mạch

–    Rối loạn nhịp tim, hầu hết các trường hợp là nhẹ và xảy ra trong vòng vài giờ đầu tiên nhập viện. Tuy nhiên, có thể có ngừng tim đột ngột (thường do dòng điện một chiều hoặc sét đánh) hoặc rung thất (thường do dòng điện xoay chiều) trước khi nhập viện. Rung thất là rối loạn nhịp tim gây tử vong thường gặp nhất, xảy ra trong khoảng 60% bệnh nhân có đường đi của dòng điện từ tay này sang tay khác.

–    Tái lập nhịp xoang tự nhiên sau ngừng tim có được ghi nhận trong một số trường hợp tổn thương do điện, nhưng vì liệt hô hấp kéo dài hơn cho nên nhịp tim có thể chuyển sang rung thất do hạ oxy máu. .

2.2.     Thần kinh

–    Tổn thương cả hai hệ thống thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên, có thể xuất hiện sau tổn thương do điện.

–    Các biểu hiện thường gặp: mất ý thức, rối loạn tri giác (kích động, hôn mê), yếu hoặc liệt chi, mất ngôn ngữ…

2.3.     Da

–    Bỏng nhiệt bề mặt, bỏng nhiệt một phần và bỏng nhiệt toàn bộ có thể xảy ra sau tổn thương do điện. Bỏng thường thấy nhất ở các vị trí tiếp xúc với điện và các vị trí tiếp xúc với mặt đất tại thời điểm tổn thương. Không được dựa vào tổn thương bên ngoài để xác định mức độ tổn thương bên trong, đặc biệt với các tổn thương do điện áp thấp.

–    Bỏng miệng có thể xảy ra ở trẻ em do bú hoặc nhai dây điện gây chảy máu, gây khuyết tật thẩm mỹ (đặc biệt khi có cả tổn thương vùng mép).

2.4.     Cơ xương

–    Vì xương có điện trở cao nhất so với bất cứ mô nào trong cơ thể nên nó tạo ra một lượng nhiệt lớn nhất khi tiếp xúc với dòng điện. Vì vậy, các vùng tổn thương do nhiệt lớn nhất thường là các mô ở sâu xung quanh các xương dài, có thể gây bỏng màng xương, phá hủy bào chất của xương và hoại tử xương.

–    Ngoài các tổn thương do bỏng, xương có thể bị gãy do ngã, tổn thương do nổ xương, hoặc do co cứng cơ.

–    Các tổn thương nhiệt do điện ở sâu có thể gây hoại tử, phù nề mô và xuất hiện hội chứng chèn ép khoang cấp tính, dẫn đến tiêu cơ vân và/ hoặc tổn thương nội tạng.

2.5.     Mạch máu

–    Tổn thương mạch máu do hội chứng chèn ép khoang hoặc đông cứng các mạch máu nhỏ.

–    Huyết khối động mạch, hình thành và vỡ các phình mạch (do đông cứng hoặc hoại tử các mạch máu trung bình tạo ra).

2.6.     Các cơ quan khác

–    Hô hấp: ngừng thở, bỏng đường hô hấp, phù phổi, dập phổi.

–    Tiêu hóa: thủng/ loét do stress, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn chức năng dạ dày – ruột.

–    Thận: tổn thương ống thận cấp.

–    Tai: điếc, ù tai, rách màng nhĩ.

–    Mắt: cháy giác mạc, xuất huyết võng mạc, vỡ hốc mắt.

III. CẤP CỨU BAN ĐẦU

Công tác cấp cứu ban đầu cực kỳ quan trọng trong điện giật. Nếu được cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp có thể giảm bớt tỷ lệ tử vong và di chứng do điện giật.

–    Tắt nguồn điện ngay bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện.

–    Khẩn trương tách bệnh nhân ra khỏi nguồn điện: người cứu đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa và dùng cây, cán chổi đẩy bệnh nhân ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không được sờ vào người bệnh nhân khi người đó chưa được tách ra khỏi nguồn điện.

–    Tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt) nếu bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở.

+   Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền đất cứng hoặc ván cứng.

+     Ép tim ngoài lồng ngực: Người cấp cứu chọn vị trí thích hợp ở một bên bệnh nhân, một bàn tay đặt dọc theo chính giữa 1/2 dưới của xương ức bệnh nhân, bàn tay thứ hai đặt vuông góc lên bàn tay thứ nhất, dùng lực của hai tay, vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống từ 4-5 cm, sau đó không nhấc tay lên mà tiếp tục nhịp ép thứ hai, tần số khoảng

80-100 lần/ phút.

+     Thổi ngạt miệng – miệng: người cấp cứu dùng một bàn tay đặt lên trán bệnh nhân ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau, đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp mũi của bệnh nhân lại. Dùng bàn tay thứ hai nâng hàm dưới của bệnh nhân lên trên, ra trước đồng thời mở miệng bệnh nhân ra, hít một hơi thật sâu rồi áp chặt miệng vào miệng bệnh nhân, thổi hết không khí dự trữ qua miệng vào phổi bệnh nhân. Tần số thổi nên từ 12-15 lần/ phút.

+     Hai động tác ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt miệng – miệng phải được thực hiện xen kẽ với nhau. Có thể thổi 1 lần rồi ép tim 5 lần hoặc thổi 2-3 lần rồi ép tim 15 lần. Tiến hành cấp cứu cho đến khi tim đập trở lại, bệnh nhân có thể tự thở được.

–    Khi bệnh nhân đã tự thở được, tim đập lại thì tiến hành cố định cột sống cổ (nếu nghi ngờ có tổn thương), cố định xương gãy, băng cầm máu, truyền dịch nếu có tụt huyết áp và chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

IV. PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐIỆN GIẬT

–    Thường xuyên kiểm tra đảm bảo an toàn điện.

–    Không dùng tre, tầm vông, hoặc gỗ có kích thước nhỏ làm cột điện.

–    Không leo lên trụ điện để sửa chữa hoặc tháo gỡ bất cứ vật gì.

–    Không vượt qua, leo trèo vào trạm điện.

–    Không thả diều hoặc các vật bay gần công trình lưới điện.

–    Không chặt các cây cao gần đường dây điện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *