DỊ VẬT ĐƯỜNG ĂN (DỊ VẬT THỰC QUẢN)

 I. ĐẠI CƯƠNG

–    Dị vật đường ăn là dị vật nằm ở họng, hạ họng hoặc thực quản trong đó dị vật thực quản là hay gặp nhất và phức tạp hơn dị vật nằm ở họng, hạ họng.

–    Dị vật đường ăn (nhất là dị vật thực quản) là một cấp cứu có tính phổ biến, là một tai nạn, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao.

–    Ở Việt Nam, dị vật đường ăn thường gặp nhiều hơn dị vật đường thở. Dị vật đường ăn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em.

II. NGUYÊN NHÂN

–    Do tập quán ăn uống:

+   Sử dụng và chế biến xương không hợp lý: chặt quá nhỏ, món ăn dễ hóc (xương nấu với miến).

+   Ăn vội vàng, cười đùa trong khi ăn.

–    Do thực quản co bóp bất  thường: có những khối u bất thường trong hoặc ngoài thực quản như u trung thất đè vào thực quản, túi thừa thực quản, ung thư thực quản.

–    Do các đoạn hẹp sinh lý (eo) của thực quản: thực quản có 3 đoạn hẹp tự nhiên và đây chính là chỗ dị vật hay mắc lại: eo nhẫn, eo phế-chủ, eo hoành.

Trên thực tế lâm sàng: 80% dị vật mắc ở đoạn thực quản cổ, 12% ở đoạn thực quản ngực, 8% ở đoạn cơ hoành tâm vị.

–    Ngậm các dị vật nhỏ và vô tình nuốt vào.

–    Răng kém (người già), không có răng (trẻ em).

III. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG – CẬN LÂM SÀNG

3.1.     Giai đoạn đầu – giai đoạn hóc

–    Giai đoạn này rất quan trọng để định hướng chẩn đoán.

–    Ngay sau khi nuốt phải dị vật: bệnh nhân thường có cảm giác vướng do dị vật, nuốt thức ăn hoặc nuốt nước bọt rất đau, thường không ăn được nữa mà phải bỏ giở bữa ăn.

–    Bệnh nhân khạc mạnh. Nếu dị vật không ra sẽ thấy đau ở cổ, không nuốt cũng đau, đau ngày một tăng. Nếu dị vật ở đoạn thực quản ngực, bệnh nhân sẽ đau sau xương ức, lan ra sau lưng và bả vai.

–    Triệu chứng dị vật đường ăn không ồ ạt như dị vật đường thở, tuy nhiên nếu dị vật to như trái cây, miếng thịt quá lớn… có thể chèn ép gây ngạt thở. Những dị vật nhỏ, mỏng chỉ gây khó nuốt, vị trí cảm giác nhiều khi không ăn khớp với vị trí của dị vật.

3.2.     Giai đoạn viêm nhiễm

–     Dị vật cắm vào thành thực quản làm xây xát niêm mạc thực quản hoặc thủng thành thực quản. Nếu dị vật là xương lẫn thức ăn thì quá trình nhiễm khuẩn xảy ra nhanh chóng. Sau 1-2 ngày, các triệu chứng nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng nhanh, không thể ăn được, thậm chí không dám uống nước (mặc dù rất đói và rất khát).

–    Viêm tổ chức lỏng lẻo quanh thực quản hoặc áp xe dưới niêm mạc xuất hiện: bệnh nhân sốt cao > 39°C, ứ đọng nước bọt, đờm dãi, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi.

–    Triệu chứng thực thể:

+   Ấn bờ trước cơ ức đòn chũm, ngang tầm sụn nhẫn: bệnh nhân đau nhói.

+   Mất tiếng lọc cọc thanh quản – cột sống.

+    Nếu có áp xe dưới niêm mạc, mủ sẽ tự vỡ, trôi xuống thực quản và dạ dày rồi giảm dần. Nhưng thường gây ra viêm thành thực quản, triệu chứng nặng dần và gây ra biến chứng nặng.

+   Soi hạ họng: nhiều nước bọt ở 2 xoang lê, máng cảnh đầy.

–    Chụp phim thực quản cổ nghiêng:

+    Khoảng cách giữa thanh quản – khí quản – cột sống dày gấp 3 lần bình thường (do thực quản cổ bị sưng nề hoặc có áp xe dưới niêm mạc).

+   Có thể thấy dị vật (nếu là chất cản quang).

+   Cột sống cổ mất đường cong sinh lý.

–    Soi thực quản: thấy dị vật, niêm mạc xung quanh phù nề, có giả mạc hoặc có mủ.

3.3.     Giai đoạn biến chứng

Giai đoạn này phụ thuộc vào bản chất của dị vật, vị trí của dị vật, thời gian đến khám và xử trí ban đầu.

3.3.1.  Viêm tấy mô liên kết

–     Dị vật chọc thủng thành thực quản, vi khuẩn từ trong ra ngoài gây viêm tấy xung quanh thực quản và tổ chức liên kết cổ.

–    Triệu chứng cơ năng: bệnh nhân sốt cao, thể trạng nhiễm khuẩn rõ rệt, toàn thân suy sụp, đau cổ, không ăn uống được, chảy nhiều nước dãi, hơi thở hôi, có thể khàn tiếng do liệt dây thanh âm.

–    Triệu chứng thực thể:

+   Cổ một bên sưng to đến tận cằm (thường là bên trái), da phù nề đỏ.

+   Đầu nghẹo sang một bên, quay cổ khó khăn.

+   Ấn vào cổ bệnh nhân rất đau, có thể có tràn khí dưới da.

+   Mất tiếng lọc cọc thanh quản – cột sống.

+   Soi hạ họng gián tiếp thấy thành sau sưng phồng, 2 xoang lê đóng kín.

–    Chụp phim thực quản cổ nghiêng:

+   Thấy túi mủ ở trước cột sống cổ, có hình mức nước mức hơi.

+   Cột sống cổ mất đường cong sinh lý.

+   Chiều dày thực quản tăng.

–     Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, viêm nhiễm và ổ mủ sẽ lan xuống trung thất hoặc phổi làm bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và tử vong trong tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Bệnh không tự khỏi được.

3.3.2.   Viêm trung thất

–    Nguyên nhân:

+   Do áp xe viêm tấy từ cổ xuống.

+   Do dị vật chọc thủng thành thực quản ngực gây viêm trung thất.

–    Có thể viêm lan toả toàn bộ trung thất hay viêm khu trú một phần trung thất (trung thất trước hoặc trung thất sau).

–     Triệu chứng cơ năng: bệnh nhân sốt cao hoặc hạ nhiệt độ, kèm theo đau sau xương ức, không nuốt được, khó thở, mạch nhanh và yếu, huyết áp tụt.

–    Triệu chứng thực thể:

+   Tràn khí dưới da vùng cổ và ngực: cổ bạnh.

+   Lồng ngực gõ trong.

–    Chụp X-quang lồng ngực: thấy trung thất giãn rộng, có hơi ở trung thất.

–    Biến chứng này tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân có thể tử vong sau vài ngày.

3.3.3.  Biến chứng ở phổi (Viêm mủ màng phổi)

–    Thường do dị vật đâm xuyên qua thành thực quản, thủng vào màng phổi.

–    Triệu chứng cơ năng: bệnh nhân sốt cao, đau ngực, khó thở.

–    Triệu chứng thực thể: hội chứng ba giảm (rung thanh giảm, gõ đục, rì rào phế nang giảm), có thể có ran ẩm.

–    X-quang phổi thẳng: đường cong Damoiseau.

–    Chọc dò màng phổi: có mủ.

3.3.4.  Dò thực quản – khí quản hoặc thực quản – phế quản

–    Do dị vật đâm xuyên gây thủng thực quản vào khí phế quản.

–    Triệu chứng cơ năng: bệnh nhân sau mỗi lần uống nước hay ăn bị ho sặc sụa.

–    Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang: thấy thuốc cản quang đi sang cả khí – phế quản.

3.3.5.  Thủng các mạch máu lớn

–    Do dị vật sắc nhọn đâm thủng thực quản vào trực tiếp các mạch máu lớn hoặc viêm hoại tử gây vỡ mạch máu (động mạch cảnh trong, thân động mạch cánh tay đầu, quai động mạch chủ).

–    Biến chứng này thường xuất hiện sau khi mắc dị vật khoảng 4-5 ngày.

–    Dấu hiệu báo trước: khạc hoặc nôn ra ít máu màu đỏ tươi.

–    Khi thủng mạch máu: bệnh nhân ộc máu ra, nuốt không kịp, phun ra máu đỏ tươi, có thể sặc vào khí phế quản. Thường bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được dự đoán trước và cấp cứu kịp thời.

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1.     Cấp cứu ban đầu

–    Thở oxy nếu bệnh nhân khó thở, trường hợp khó thở thanh quản dữ dội do dị vật to chèn vào khí quản cần chọc kim qua màng nhẫn giáp hoặc mở khí quản cấp cứu.

–    Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

–    Những  điều  không  được làm khi gặp dị  vật  đường  ăn:

+     Tuyệt đối không được dùng ngón tay mò mẫm trong họng bệnh nhân, vì động tác này không những không lấy được dị vật ra mà có thể đẩy chúng vào sâu cuống họng, thậm chí dẫn đến khó thở cho bệnh nhân.

+     Không ép bệnh nhân uống nước hoặc cho nuốt trọn từng miếng thức ăn to để mong xương rớt ra. Làm như thế rất nguy hiểm vì có thể gây tai biến chết người, nếu xương đâm thủng mạch máu.

+     Không dùng các mẹo chữa hóc xương cá trong dân gian như: ngậm và nuốt vỏ cam, ngậm vitamin C, nhét tỏi vào lỗ mũi, uống nước quả trám, uống nước dãi vịt, nuốt cơm…..

4.2.     Nội soi thực quản

–    Vừa để xác định chẩn đoán, vừa để điều trị dị vật đường ăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *