ĐẶC ĐIỂM QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ

I. ĐẠI CƯƠNG

1.1.     Một số khái niệm

–     Chuyển dạ đẻ là quá trình sinh lý làm xóa mở cổ tử cung và đẩy thai, phần phụ của thai ra khỏi đường sinh dục của người mẹ.

–     Đẻ đủ tháng là cuộc chuyển dạ xảy ra ở tuổi thai từ đầu tuần lễ 38 đến cuối tuần lễ 41 (trung bình là 40 tuần). Khi đó thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập ngoài tử cung.

–     Đẻ non tháng là tình trạng gián đoạn thai nghén khi thai có thể sống được (tuổi thai từ trên 28 – 37 tuần).

–     Đẻ già tháng là hiện tượng chuyển dạ đẻ xảy ra sau 2 tuần trở lên so với ngày dự kiến sinh (tuổi thai từ 42 tuần trở đi).

–   Sảy thai là tình trạng chấm dứt thai nghén trước khi thai có thể sống được (tuổi thai dưới 28 tuần).

–   Đẻ thường là cuộc chuyển dạ diễn ra hoàn toàn bình thường theo sinh lý.

–     Đẻ khó là cuộc chuyển dạ mà các giai đoạn của cuộc đẻ, các thành phần tham gia vào cuộc đẻ có yếu tố bất thường, cần có sự can thiệp của thầy thuốc.

1.2.     Các giai đoạn của chuyển dạ

 Có 3 giai đoạn, thời gian mỗi giai đoạn dài, ngắn khác nhau.

–     Giai đoạn I (giai đoạn xóa mở cổ tử cung): tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hết. Đây là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc chuyển dạ, trung bình khoảng 15 giờ (16 – 20 giờ ở con so, 8 – 12 giờ ở con rạ). Giai đoạn này gồm 2 giai đoạn:

+   Giai đoạn IA: tính từ khi cổ tử cung bắt đầu xóa đến khi cổ tử cung mở được 3cm. Giai đoạn này gọi là pha tiềm tàng, thời gian trung bình khoảng 8 giờ.

+     Giai đoạn IB: tính từ khi cổ tử cung mở 4cm đến khi mở hết (10 cm). Giai đoạn này gọi là pha tích cực, thời gian trung bình khoảng 7 giờ.

–   Giai đoạn II (giai đoạn sổ thai): tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ. Thời gian trung bình ≤ 1 giờ ở con so, ≤ 30 phút ở con rạ.

–     Giai đoạn III (giai đoạn sổ rau): tính từ khi thai sổ ra ngoài đến khi rau bong, xuống và sổ ra ngoài cùng với màng rau, trung bình ≤ 30 phút.

1.3.     Động lực của cuộc chuyển dạ

Cơn co tử cung là động lực chính của cuộc chuyển dạ.

Vai trò của cơn co tử cung đối với chuyển dạ :

–   Cơn co tử cung gây ra hiện tượng xóa mở cổ tử cung, thành lập đoạn dưới tử cung và làm thay đổi ở đáy chậu người mẹ.

–   Cơn co tử cung đẩy thai từ buồng tử cung ra ngoài qua các giai đoạn của cuộc đẻ.

–   Cơn co tử cung làm thành lập đầu ối, giúp rau thai, màng rau bong và sổ ra ngoài.

II. NGUYÊN NHÂN GÂY RA CHUYỂN DẠ

Cho đến nay, cơ chế thật sự của sự phát sinh ra cuộc chuyển dạ đẻ còn chưa được rõ và đầy đủ. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đa số chấp nhận.

2.1.     Prostaglandin (PG)

–   Các Prostagladin là những chất có thể làm thay đổi hoạt tính co bóp của cơ tử cung.

Sự sản xuất PGF2 và PGE2 tăng dần trong quá trình thai nghén và đạt tới giá trị cao trong nước ối, màng rụng và trong cơ tử cung vào lúc bắt đầu chuyển dạ. Người ta có thể gây chuyển dạ bằng cách tiêm Prostaglandin dù thai ở bất kỳ tuổi nào.

–   Sử dụng các chất kháng Prostaglandin có thể làm ngừng cuộc chuyển dạ.

–   Các Prostaglandin làm mềm cổ tử cung do tác dụng lên các sợi collagen của cổ tử cung.

2.2.     Estrogen và Progesteron

–     Estrogen tăng dần trong suốt quá trình mang thai làm tăng kích thích các sợi cơ trơn tử cung, đồng thời làm tăng tốc độ lan truyền của hoạt động điện. Cơ tử cung trở nên mẫn cảm hơn với các tác nhân gây cơ co tử cung, đặc biệt là với oxytocin. Mặt khác Estrogen  làm  phát  triển  các  sợi  cơ  tử  cung,  thuận  lợi  cho  việc  tổng  hợp  các Prostaglandin.

–     Progesteron có tác dụng ức chế co bóp cơ tử cung. Nồng độ Progesteron giảm vào cuối thai kỳ làm thay đổi tỷ lệ estrogen/ progesteron – là nguyên nhân gây chuyển dạ.

2.3.     Oxytocin

–     Người ta đã xác định được có sự tăng giải phóng oxytocin ở thuỳ sau tuyến yên của người mẹ trong chuyển dạ đẻ. Các đỉnh liên tiếp nhau của oxytocin có tần số tăng lên trong quá trình chuyển dạ đẻ và đạt mức tối đa khi rặn đẻ.

–     Tuy vậy oxytocin có lẽ không đóng một vai trò quan trọng để gây chuyển dạ đẻ mà chủ yếu làm thúc đẩy quá trình chuyển dạ đẻ đang diễn ra.

2.4.     Các yếu tố khác

–     Sự căng giãn từ từ và quá mức của cơ tử cung và sự tăng đáp ứng với các kích thích phát sinh trong chuyển dạ đẻ. Đa ối, phá thai to bằng phương pháp đặt túi nước là ví dụ để chứng minh.

–   Yếu tố thai nhi: thai vô sọ hoặc thiểu năng tuyến thượng thận thì thai nghén thường kéo dài. Ngược lại, nếu có cường tuyến thượng thận thì sẽ đẻ non.

 III. CƠN CO TỬ CUNG

Cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ. Sự co bóp của cơ tử cung là sự trượt lên nhau của các sợi actin và myosin, năng lượng được cung cấp bởi sự thủy phân ATP.

3.1.     Tính chất của cơn co tử cung

–     Những nghiên cứu về sinh lý và bệnh lý cơn co tử cung đã được nhiều tác giả quan tâm. Thực ra khi chưa chuyển dạ tử cung đã có những cơn co bóp nhẹ nhàng gọi là cơn co Hicks. Đặc điểm của cơn co Hicks là không đau và có áp lực từ 13 – 15 mmHg. Khi chuyển dạ cơn co tử cung tăng dần về cường độ và tần số làm cho sản phụ có cảm giác đau.

–   Áp lực cơn co tử cung được tính bằng mmHg hoặc bằng kilo Pascal (1mmHg = 0,133kPa). Đơn vị Montevideo (UM) được tính bằng tích của biên độ cơn co tử cung trung bình nhân với tần số cơn co (số cơn co tử cung trong 10 phút). Cường độ cơn co tử cung là thời điểm áp lực tử cung cao nhất của mỗi cơn co.

–     Trương lực cơ bản của cơ tử cung là trương lực của cơ tử cung ở ngoài cơn co. Bình thường trương lực cơ bản của tử cung là 8 – 10 mmHg.

–   Hiệu lực cơn co tử cung là hiệu số của cường độ cơn co tử cung trừ đi trương lực cơ bản. Hiệu lực giảm khi cường độ cơn co tử cung giảm hoặc trương lực cơ bản tăng.

–   Độ dài của cơn co tử cung được tính từ thời điểm tử cung bắt đầu co bóp đến khi hết cơn co. Đơn vị tính bằng giây.

–   Khoảng cách giữa hai cơn co tử cung được tính bằng phút.

–   Tần số cơn co tử cung là số cơn co tử cung trong 10 phút. Tần số cơn co tử cung tăng dần trong quá trình chuyển dạ.

3.2.     Các hình thái cơn co tử cung

–   Loại 1 (thường gặp): cơn co tử cung có dạng hình chuông, pha tăng áp lực tương xứng với pha giảm áp lực.

–     Loại 2 (thường gặp): pha tăng áp lực ngắn, pha giảm áp lực dài. Cơn co kéo dài cho đến khi xuất hiện cơn co mới, không có giai đoạn nghỉ giữa hai cơn co tử cung.

–   Loại 3: ngược với loại 2, thường gặp khi bắt đầu chuyển dạ.

–   Loại 4 (ít gặp): biểu hiện sự thay đổi đều đặn của 2 loại cơn co xen kẽ nhau.

3.3.     Đặc điểm của cơn co tử cung

–     Cơn co tử cung xuất hiện một cách tự nhiên ngoài ý muốn của sản phụ. Điểm xuất phát của cơn co thường nằm ở 1 trong 2 sừng tử cung.

–     Cơn co tử cung có tính chất chu kỳ và có tính quy luật: trước thưa – sau mau, khoảng cách giữa 2 cơn co ngắn lại. Trước ngắn – sau dài: lúc đầu 15 – 20 giây sau đạt tới 30 –

40 giây. Trước yếu – sau mạnh: áp lực cơn co lúc đầu 30 – 35 mmHg, ở giai đoạn sổ thai lên đến 60 – 70 mmHg.

–     Cơn co tử cung gây đau, ngưỡng đau phụ thuộc vào từng sản phụ. Khi áp lực cơn co tử cung đạt tới 25 – 30 mmHg sản phụ bắt đầu cảm thấy đau. Tính chất đau phụ thuộc vào mức độ cơn co và trạng thái tinh thần của sản phụ. Cơn co tử cung càng mạnh sản phụ càng đau, khi có tình trạng lo lắng, sợ sệt cảm giác đau sẽ tăng lên.

–     Cơn co tử cung có tính 3 giảm: áp lực cơn co tử cung giảm từ trên xuống dưới. Thời gian co bóp của cơ tử cung cũng giảm dần từ trên xuống dưới. Sự lan truyền cơn co tử cung cũng theo hướng từ trên xuống dưới với tốc độ 1 – 2 cm/giây.

–     Số lượng cơn co tử cung trong một cuộc chuyển dạ đẻ thay đổi từ 70 – 180, tùy thuộc vào số lần đẻ, tính chất cuộc đẻ và chất lượng cơ tử cung.

IV. CƠN CO TỬ CUNG VÀ CƠN CO THÀNH BỤNG TRONG GIAI ĐOẠN II CỦA CHUYỂN DẠ

Trong giai đoạn II của chuyển dạ, khi ngôi thai đã lọt trong tiểu khung và đè lên cơ nâng hậu môn thai phụ sẽ có cảm giác mót rặn và rặn phối hợp với cơn co tử cung làm cho áp lực buồng tử cung tăng tới 120 – 150 mmHg có tác dụng đẩy thai nhi ra ngoài. Vì cơ thành bụng là cơ vân nên thai phụ có thể điều khiển được sự co bóp của thành bụng dưới sự điều khiển của nguời thầy thuốc. Do vậy việc hướng dẫn sản phụ rặn đẻ đúng cách rất có giá trị giúp thời kỳ sổ thai nhanh hơn.

IV. THAY ĐỔI CỦA MẸ, CỦA THAI VÀ PHẦN PHỤ CỦA THAI DO TÁC DỤNG CỦA CƠN CO TỬ CUNG

5.1.     Thay đổi của mẹ

5.1.1. Sự xóa mở cổ tử cung và sự thành lập đoạn dưới

–   Sự xóa – mở cổ tử cung:

+     Xoá: khi chưa chuyển dạ cổ tử cung là một ống hình trụ, đầu trên là lỗ trong cổ tử cung, đầu dưới là lỗ ngoài cổ tử cung. Xoá là hiện tượng đường kính lỗ trong cổ tử cung rộng dần ra trong khi lỗ ngoài không thay đổi làm cổ tử cung biến đổi từ hình trụ thành hình chóp cụt. Khi cổ tử cung xoá hết thì cổ tử cung cùng với đoạn dưới tử cung thành lập nên ống cổ – đoạn dưới.

+     Mở: là hiện tượng lỗ ngoài cổ tử cung giãn rộng ra. Khi cổ tử cung xoá hết, lỗ ngoài cổ tử cung mở 1cm, đến khi mở hết là 10cm. Lúc này tử cung thông thẳng với âm đạo và thành lập ống đoạn dưới – cổ – âm đạo còn gọi là ống đẻ.

+     Thời gian xoá mở cổ tử cung diễn ra không đều. Trong giai đoạn đầu (Ia) từ khi cổ tử cung xoá đến khi mở được 4cm mất 8 – 10 giờ. Giai đoạn sau (Ib) từ khi cổ tử cung mở 4cm đến khi mở hết mất 4 – 6 giờ, tốc độ trung bình 1cm/ giờ.

+   Sự xoá mở cổ tử cung nhanh hay chậm phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Đầu ối đè vào cổ tử cung nhiều hay ít.
  • Cơn co tử cung có đồng bộ và đủ mạnh hay không.
  • Tình trạng cổ tử cung: dầy cứng, sẹo xơ cũ. . 

–   Sự thành lập đoạn dưới: đoạn dưới chính là do eo tử cung kéo dài, giãn rộng và to ra.

Bình thường, eo tử cung chỉ cao 1,5-2cm. Khi đoạn dưới thành lập hoàn toàn thì chiều cao là 10 cm. Đoạn dưới tử cung ngày càng dài ra làm thân tử cung ngắn lại và cổ tử cung xóa mở thêm. Về cấu tạo: lớp phúc mạc đoạn dưới bám vào lớp cơ qua một lớp liên kết lỏng lẻo dễ bóc tách, vì vậy người ta thường mổ lấy thai ở đoạn dưới. Ở đoạn dưới chỉ có hai lớp cơ, đây là phần mỏng nhất và dễ bị vỡ nhất khi chuyển dạ.

5.1.2. Thay đổi ở đáy chậu và tầng sinh môn

–     Thay đổi ở đáy chậu và tầng sinh môn: dưới áp lực của cơn co tử cung ngôi thai xuống dần trong tiểu khung, áp lực của ngôi thai đẩy dần mỏm xương cụt ra phía sau, đường kính mỏm cụt – hạ vệ thay đổi từ 9,5cm thành 11cm bằng đường kính mỏm cùng – hạ vệ. Sức cản của các cơ phía tầng sinh môn sau đẩy ngôi thai hướng ra phía trước. Tầng sinh môn trước phồng lên, vùng hậu môn – âm hộ dài ra có thể lên tới 12

– 15cm. Do tác dụng của cơn co tử cung và cơn co thành bụng, tầng sinh môn sau bị ngôi thai đè vào giãn dài ra, lỗ hậu môn mở rộng xoá hết các nếp nhăn. Âm môn mở rộng, thay đổi hướng dần dần nằm ngang.

Chú ý: Giữa  người sinh con so và con rạ  có sự  khác biệt về  hiện  tượng xoá mở  cổ  tử  cung và  thành  lâp  đoạn  dưới. Ở người sinh con so: cổ tử cung xoá hết rồi mới mở và đoạn dưới tử cung thành lập từ những tháng cuối của thời kỳ thai nghén. Còn ở người sinh con rạ, cổ tử cung vừa xoá vừa mở và đoạn dưới chỉ thành lập khi mới bắt đầu chuyển dạ. Thời gian mở cổ tử cung ở người con rạ nhanh hơn so với người con so, tốc độ mở tối đa tới 5 -7 cm/ giờ.

5.2.     Thay đổi của thai

–   Thai nhi là phần chuyển động trong cuộc chuyển dạ đẻ.

–     Áp lực của cơn co tử cung đẩy thai nhi từ trong buồng tử cung ra ngoài theo cơ chế đẻ. Khi đoạn dưới được thành lập, ngôi thai cũng xuống thấp dần áp sát vào đoạn dưới và cổ tử cung, tạo điều kiện cho cổ tử cung mở tốt hơn.

–   Trong quá trình chuyển dạ đẻ thai nhi có một số hiện tượng uốn khuôn:

+     Hiện tượng chồng xương sọ: các xương ở vùng đỉnh sọ có thể chồng lên nhau để làm giảm bớt kích thước đầu.

+     Thành lập bướu thanh huyết: đó là hiện tượng phù thấm thanh huyết dưới da. Bướu thanh huyết thường được thành lập sau một thời gian vỡ ối nhất định. Mỗi ngôi thai thường có vị trí bướu thanh huyết riêng, thường nằm ở vị trí thấp nhất, giữa lỗ cổ tử cung.

5.3.     Thay đổi ở phần phụ của thai

5.3.1. Thành lập đầu ối

Cơn co tử cung làm cho màng rau ở cực dưới của trứng bong ra, nước ối dồn xuống tạo thành túi ối hay đầu ối.

–   Có 3 loại đầu ối:

+   Ối dẹt: khoảng cách giữa màng ối và ngôi thai là một lớp nước ối mỏng. Màng ối hầu như sát vào ngôi thai, tiên lượng tốt.

+   Ối phồng: khoảng cách giữa màng ối và ngôi thai là một lớp nước ối dầy. Thường gặp trong các trường hợp ngôi thai bình chỉnh không tốt.

+     Ối hình quả lê: đầu ối dài trong âm đạo mặc dù cổ tử cung mở còn nhỏ, do màng ối mất khả năng chun giãn, thường gặp trong thai chết lưu.

–   Tác dụng của đầu ối:

+   Giúp cho sự xóa mở cổ tử cung.

+   Bảo vệ thai nhi với các sang chấn bên ngoài.

+   Chống nhiễm khuẩn: khi ối vỡ trên 6 giờ có nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng từ âm đạo vào buồng ối.

–   Các hình thái vỡ ối:

+   Vỡ ối đúng lúc: là ối vỡ khi cổ tử cung mở hết.

+   Vỡ ối sớm: là vỡ ối xảy ra khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung mở chưa hết.

+   Vỡ ối non: là vỡ ối xảy ra khi chưa có chuyển dạ.

5.3.2. Bong và sổ rau

Sau khi sổ thai, cơn co tử cung lại xuất hiện sau một giai đoạn nghỉ ngơi sinh lý làm cho rau và màng rau bong ra, xuống dần trong đường sinh dục và sổ ra ngoài. Sau khi rau sổ, tử cung co chặt lại tạo thành một khối an toàn gây tắc mạch sinh lý để cầm máu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *