CHÓNG MẶT

CHÓNG MẶT

 

ĐẠI CƯƠNG

1.Định nghĩa

Chóng mặt là một ảo giác hoàn toàn trái ngược về mặt vận động hoặc về tư thế của người bệnh. Từ chóng mặt dùng để chỉ tất cả những cảm giác mất thăng bằng có nguồn gốc từ cơ quan tiền đình. Chóng mặt có thể biểu hiện dưới dạng những cảm giác quay đảo của chính người bệnh hoặc đồ vật xung quanh hoặc cả hai. Khi không có hiện tượng quay, người bệnh thường dùng từ mất thăng bằng.

2.Nguyên nhân

2.1. Do bệnh lý mê đạo

–  Bệnh lý thạch nhĩ: Chóng mặt kịch phát lành tính, thiểu sản thạch nhĩ.

– Nhiễm độc tiền đình :Do thuốc, kháng sinh aminozid. Tổn thương trực tiếp vào cơ quan tiền đình, các tế bào giác quan tiền đình có lông chuyển. Tổn thương tai trong cũng có thể gián tiếp do thuốc làm suy giảm chức năng thận.

– Rò ngoại dịch tai trong

+ Chấn thương: chủ yếu do vỡ xương đá.

+ Rò ngoại dịch tự phát thường xảy ra vào những đợt có tăng áp lực nội dịch tai trong.

+ Do sang chấn vào vùng khớp bàn đạp tiền đình như thay thế xương bàn đạp bằng một trụ dẫn quá dài.

+ Sau viêm mê nhĩ do lao, giang mai.

+ Kích thích âm thanh quá mạnh.

+ Cholesteatoma.

– Bệnh chuyển hóa :Thuốc lợi tiểu, rượu, bệnh rối loạn chuyển hóa toàn thể làm tăng lipid máu gây tăng xơ hóa nội mạch cung cấp máu cho tiền đình.

– Bệnh viêm tai : Viêm tai mạn tính, viêm tai giữa cấp tính, viêm tai thanh dịch, viêm tai giữa cholesteatoma, viêm tai do lao, bệnh Wegener, sau phẫu thuật tai: có thể do rò mê nhĩ, viêm mê nhĩ, rối loạn thông khí vòi nhĩ.

– Bệnh xốp xơ

– Bệnh lỏng khớp bàn đạp – tiền đình :Hiện tượng Tulio, hiện tượng Hennebert , hội chứng tăng chuyển động xương bàn đạp.

– Hội chứng Ménière

2.2. Do nguyên nhân sau mê đạo

− Viêm dây thần kinh tiền đình: nguyên nhân hiện nay người ta đều cho là do viêm ngược dòng bởi virus

− U dây VIII: khởi đầu là triệu chứng tiền đình sau đó là suy giảm thính lực từ từ kèm theo ù tai âm cao do chèn ép dây thần kinh ốc tai.

− U góc cầu tiểu não: u màng não, phình mạch, u nang..

2.3. Do nguyên nhân ở trung tâm tiền đình hành não và trên hành não

– Bệnh lý mạch máu não: 

+ Thiểu năng tuần hoàn động mạch cột sống – thân nền: ảo giác hoặc nhìn không rõ, song thị, giảm trương lực cơ, rối loạn ngôn ngữ xuất hiện cùng với đợt chóng mặt hay riêng biệt. Nguyên nhân do xơ vữa động mạch dưới đòn hoặc cột sống thân nền.

+ Hội chứng Wallenberg: do tắc động mạch đốt sống dẫn tới thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu ở góc bên hành não, sau trám hành gây nên tổn thương các nhân tiền đình giữa và dưới.

– Bệnh lý u não :U tiểu não hoặc áp xe tiểu não , u hành cầu não, u củ não sinh tư, u trên lều tiểu não

– Bệnh thần kinh trung ương : Bệnh xơ cứng rải rác , bệnh rỗng hành não ,bệnh Tabès, bệnh thất điều gia truyền

CHẨN ĐOÁN

1. Các rối loạn tiền đình tự phát

1.1.Chóng mặt

Chóng mặt do thương tổn ở phần tiền đình ngoại biên (mê nhĩ) có đặc điểm sau:

− Cảm giác bị quay tròn hoặc lắc qua lắc lại. Có thể thấy mọi vật xung quanh quay đảo hoặc chạy qua trước mắt theo một hướng nhất định. Hướng quay có thể ngang hoặc có thể dựng đứng.

− Chóng mặt thường xuất hiện thành từng cơn, nhất là khi cử động hoặc thay đổi tư thế đầu. Ngoài cơn, người bệnh có thể đi lại được.

− Chóng mặt thường xuất hiện cùng với các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật: buồn nôn, nôn, da xanh tái, huyết áp hạ..

− Chóng mặt có thể kèm theo ù tai, điếc tiếp nhận và các triệu chứng này hợp thành hội chứng tiền đình.

1.2. Động mắt

* Động mắt tự phát: là hiện tượng hai nhãn cầu cùng bị giật về một hướng xuất hiện khi bệnh nhân ngồi mắt nhìn thẳng về phía trước, mở mắt hoặc nhắm mắt

* Động mắt tư thế:chỉ xuất hiện khi thay đổi tư thế của đầu đơn thuần hoặc cả thân mình, chia làm hai loại:

− Động mắt tư thế tĩnh: xuất hiện khi người bệnh nằm ngửa, nghiêng phải hoặc trái. Động mắt này kéo dài nếu người bệnh vẫn giữnguyên tư thế nằm.

− Động mắt tư thế kịch phát: chỉ xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột và biến mất sau 30 giây đến 1 phút.

1.3.Lệch ngón tay:có hai nghiệm pháp.

− Nghiệm pháp chỉ thẳng ngón tay: người bệnh không thể giữ cho hai ngón tay của mình thẳng với ngón tay thầy thuốc khi họ nhắm mắt. Nếu bệnh nhân có thương tổn mê nhĩ thì hướng lệch của ngón tay sẽ đối lập với hướng động mắt gọi là mê nhĩ ngoại biên.

− Nghiệm pháp đặt lại ngón tay chỉ: bệnh nhân và thầy thuốc ngồi đối diện nhau. Bảo bệnh nhân nhắm mắt và dùng ngón tay trỏphải chỉvào đầu gối mình và chỉvào ngón tay cái trái của thầy thuốc. Sau đó lại dùng ngón tay trỏtrái chỉ đầu gối mình và chỉ ngón tay cái phải của thầy thuốc. Trong trường hợp bệnh lý, người bệnh sẽchỉngang sang phải hoặc sang trái.

1.4. Mất thăng bằng

-Nghiệm pháp Romberg:bệnh nhân đứng thẳng, hai chân chụm lại, nhắm mắt. Nếu có rối loạn thăng bằng, bệnh nhân sẽnghiêng người vềmột bên hoặc ngã về một bên.

− Nghiệm pháp Foix-The’venard: để bệnh nhân đứng thẳng trong tư thế “nghiêm”, thầy thuốc dùng ngón tay đẩy khẽvào ngực bệnh nhân làm cho bệnh nhân mất thăng bằng. Bình thường cơcẳng chân trước và cơduỗi chung ngón chân sẽco lại và làm cho các ngón chân nhấc lên khỏi mặt đất. Nếu bệnh nhân bị giảm trương lực cơthì các ngón chân sẽ không nhấc lên và nếu đẩy mạnh hơn bệnh nhân sẽngã về phía sau.

− Nghiệm pháp Babinski-weill (nghiệm pháp đi hình sao): bệnh nhân nhắm mắt đi thẳng và giật lùi 6 lần, mỗi lần 8 bước từ điểm A đến điểm B. Nếu người bình thường sẽ đi thẳng đến điểm B và lùi về đúng điểm A. Người bệnh sẽ đi lệch về phía bên mê nhĩ bị tổn thương. Đường đi của người bệnh sẽ vẽ thành hình ngôi sao trên mặt đất.

1.5. Đánh giá kết quả

− Tổn thương tiền đình ngoại biên: động mắt đánh về bên tai đối diện, các nghiệm pháp tiền đình tự phát lệch về bên tai bệnh. Các nghiệm pháp này đều xuất hiện một cách đầy đủ. Người ta gọi tập hợp các triệu chứng xuất hiện như vậy là đầy đủ và hài hòa.

− Tổn thương tiền đình trung ương:các triệu chứng tiền đình tựphát xuất hiện không đầy đủ và không hài hòa chẳng hạn động mắt lại đánh vềcùng bên với hướng ngã trong nghiệm pháp Romberg hoặc lệch ngón tay chỉ.

2. Các nghiệm pháp kích thích tiền đình

Các nghiệm pháp tiền đình tự phát có giá trị định tính đối với các cơ quan tiền đình thì các nghiệm pháp khám kích thích cơ quan tiền đình mang tính định lượng.

– Nghiệm pháp nhiệt:người thử nghiệm nằm trên bàn khám, đầu được nâng lên 30o. Tai phải và tai trái của người thửnghiệm lần lượt được bơm nước 44o và 30o mỗi lần bơm cách nhau 15 phút, khối lượng nước bơm là 200ml trong 30 giây. Những thông số được đánh giá: thời gian tiềm tàng (bình thường 20-30 giây); Thời gian động mắt (bình thường 60-90 giây).

– Nghiệm pháp quay giao động:người thử nghiệm ngồi trên ghế quay, đầu cố định trong tư thế cúi 30o và đeo kính Frenzel. Ghế sẽ quay sang phải rồi sang trái với biên độ giảm dần (dao động tắt dần kiểu con lắc). Động mắt xuất hiện sẽ được ghi lại bằng máy điện động nhãn kế(Electronystagmographe).

– Thử nghiệm OKN (Optokinéticus nystagmus: động mắt thịvận) là nghiệm pháp gây kích thích động mắt bằng ánh sáng. Các sọc sáng chuyển động được chiếu lên một màn ảnh sẽ gây ra động mắt cho người thử nghiệm khi quan sát sự chuyển động của các sọc sáng đó và được gọi là động mắt OKN.

ĐIỀU TRỊ

1. Điều trị cơn chóng mặt cấp

Người bệnh được đặt trong phòng tối yên tĩnh, tránh các cử động, các kích thích tâm lý.

− Thuốc: huyết thanh ngọt ưu trương.

− Thuốc chống nôn: metoclopramid 5 -10 mg x 3 lần / ngày, dimenhydrinat 50 – 100 mg x 3 lần / ngày.

− Thuốc chống chóng mặt: tanganil (Acetyl – DL – leucine 500mg) Thuốc có tác dụng tốt đối với tất cả các trường hợp chóng mặt do bất kỳ nguyên nhân nào. uống 3 – 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, dùng từ 10 ngày tới 5 – 6 tuần tùy theo đáp ứng điều trị.

− Thuốc an thần: seduxen…theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.

2. Điều trị chặn cơn chóng mặt kịch phát.

− Tránh các kích thích tâm lý, tránh di chuyển bệnh nhân, thay đổi tư thế đột ngột, nơi ồn ào nhiều ánh sáng, tránh tắm lạnh.

− Chế độ ăn: tránh ăn socola, lạp xường, xúc xích, mì chính, tránh uống rượu, cocacola, café.

− Thuốc: lợi tiểu, tanakan, duxil, cinarizin, serc, kháng histamin, steroid, an thần, aspirin…

+Acetyl – DL – leucine 500mg .Thuốc có tác dụng tốt đối với tất cả các trường hợp chóng mặt do bất kỳ nguyên nhân nào. uống 3 – 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, dùng từ 10 ngày tới 5 – 6 tuần tùy theo đáp ứng điều trị.

+ Duxil: 1-2 viên/ ngày ,csch nhau nhiều giờ. tối đa 2 viên / ngày.

+ Cinarizin 25 mg : 1 viên x 3 lần / ngày.

+Bétahistine dichlorhydrate viên nén 8mg, 16mg. Thuốc có thể dùng kéo dài từ 2 – 3 tháng, tùy từng trường hợp dùng từ 24-48mg/ngày chia 3 lần;

+Flunarizine: Thuốc được chỉ định trong điều trị nhức đầu Migraine và điều trị triệu chứng chóng mặt do các nguyên nhân khác. Chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân trầm cảm hoặc bệnh Parkinson. Không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. 5-10mg (1-2 viên/ngày)

+Các thuốc có tác dụng giãn mạch: tanakan (ginkgo biloba) viên nén 40mg dùng 3 viên/ngày; piracetam 1.200-2.400mg/ngày

+nhóm kháng Histamin: Vừa có hiệu quả điều trị chứng chóng mặt vừa làm giảm triệu chứng nôn, buồn nôn. Promethazin  promethazin 15 mg/ lần x 2 lần/24h , Diphenhydramin 10-50mg/6 giờ, tối đa 300mg/24h.

+Dẫn chất dihydroergotamin: được chỉ định trong trường hợp chóng mặt do hạ huyết áp tư thế hoặc nhức đầu Migraine. Chống chỉ định khi quá mẫn với thành phần của thuốc. Không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

+Thuốc an thần kinh được sử dụng phối hợp trong vài ngày đầu để giảm triệu chứng lo lắng của bệnh nhân. Valium, Diazepam sử dụng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.

3.Điều trị nguyên nhân

Tùy theo nguyên nhân chóng mặt mà chọn phương pháp điều trị thích hợp.

-Điều trị cơn chóng mặt kịch phát lành tính: điều trị bảo tồn dùng phương pháp đổi thế nằm đưa thạch nhĩ về vị trí ban đầu hoặc phẫu thuật bít lấp ống bán khuyên sau không cho thạch nhĩ rơi vào vùng này (nếu điều trị bảo tồn không mang lại kết quả).

-Điều trị nguyên nhân nhiễm độc: ngừng ngay các tác nhân gây nhiễm độc, huyết thanh ngọt ưu trương (Glucose 30%) tiêm truyền tĩnh mạch. Sử dụng thuốc steroid, lợi tiểu, thuốc phục hồi tế bào, thần kinh tiền đình (Nevramin, B1, B12 liều cao).

-Rò ngoại dịch tai trong do chấn thương: phẫu thuật bít lấp đường rò.

-Viêm tai trong có mủ: khoét mê nhĩ hủy diệt tiền đình kết hợp kháng sinh liều cao.

-Viêm tai giữa: phẫu thuật giải quyết bệnh tích viêm kết hợp bít lấp rò ống bán khuyên.

4.Điều trị ngoại khoa

– Phẫu thuật thần kinh sọ não:phình mạch, mảng vôi hóa thành mạch hoặc thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép động mạch đốt sống…

– Phẫu thuật thuộc phạm vi tai mũi họng: điều trịbệnh Ménière nhưmởtúi nội dịch, cắt dây thần kinh tiền đình, phẫu thuật hủy diệt mê nhĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *