CHẮP

CHẮP

 

ĐẠI CƯƠNG

Chắp là một u hạt mạn tính xuất phát từ tuyến Meibomius bị bít tắc. Chất bã bị tắc nghẽn xâm nhập vào các mô lân cận và gây ra một phản ứng viêm u hạt mạn tính.

Chắp là vô trùng trừ trường hợp bội nhiễm. Tình trạng này có thể khởi phát và trở nặng bởi viêm bờ mi và đưa đến nhiễm trùng bên trong tuyến Meibomius.

CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

–  Hỏi bệnh:

+ Yếu tố dịch tễ: có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào.

+ Tiền sử: trước đó có thể đã được chẩn đoán bị viêm bờ mi hay viêm tuyến Meibonius.

– Dấu hiệu lâm sàng và diễn tiến bệnh:

+ Cảm giác vùng mi hơi cứng, nặng, chớp mắt hơi vướng.

+Đôi khi bệnh nhân cảm thấy mờ mắt do chắp mi trên đè lên giác mạc gây ra tình trạng loạn thị.

+Chắp tiến triển rất khác nhau: đôi khi chắp tiến tới ổn định, có khi vỡ ra phía kết mạc hoặc ngoài da tạo nên những u hạt viêm lớn.

– Khám:

+ Sờ nốt u nằm dưới da, trong sụn mi, có bờ rõ rệt, di động được với các tổ chức xung quanh, kích thước khoảng 0,3 – 1 cm, không viêm, không đau, kết mạc mi phù nề nhẹ.

+ Khi có bội nhiễm, sờ thấy đau và có nốt mủ.

+ Lật mi lên có thể thấy chắp xuất hiện dưới kết mạc như một vết vàng nhạt hay xám nhạt, đôi khi thấy u hạt dạng polyp do tổn thương thoát ra khỏi kết mạc sụn mi.

– Cận lâm sàng:

Chỉ định: trường hợp nghi ngờ hoặc chắp tái nhiều lần, cần lấy khối chắp làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý.

2. Chẩn đoán xác định

Khi có một nốt xuất hiện trên mi mắt, to dần về kích thước, nằm trong sụn mi, có bờ rõ, di động được với các tổ chức xung quanh, có thể đau hoặc không. Lật mi lên có thể thấy vết vàng nhạt hay xám nhạt.

3. Chẩn đoán phân biệt

Carcinoma tế bào đáy hoặc tuyến bã có thể bị chẩn đoán nhầm là chắp, do đó xét nghiệm mô bệnh học rất quan trọng đối với chắp dai dẳng (kết hợp với rụng lông mi, thường gặp ở người già), hay tái phát hoặc không điển hình.

ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

+ Giữ vệ sinh mắt

+ Chườm ấm bằng gạc sạch

+ Phẫu thuật lấy chắp và vỏ bao nếu có chỉ định.

2. Điều trị ban đầu

Chườm ấm 15 – 20 phút ngày 4 lần bằng gạc sạch có thể làm giảm triệu chứng đối với những tổn thương sớm.

3. Điều trị đặc hiệu

Những chắp to ảnh hưởng đến thị lực hoặc thẩm mỹ cần phải được lấy ra bằng phẫu thuật:

– Gây tê tại chỗ.

– Dùng cặp cố định chắp.

– Rạch kết mạc vuông góc với bờ mi nạo sạch chất nhầy và bọc chắp, nếu để sót bọc thì chắp hay tái phát và nếu để sót chất nhầy thì viêm hậu phẫu ở bờ mi kéo dài.

– Băng mắt.

– Kháng sinh uống + nhỏ mắt 3 – 5 ngày:

+ Nhỏ mắt:

Chloramphenicol 0, 4% + Dexamethasone 0, 1%, nhỏ 4 – 8 lần/ngày. Hoặc

Tobramycin 0, 3% + Dexamethasone 0, 1%, nhỏ 4 – 8 lần/ngày. Hoặc

Ofloxacin 0, 3% + Dexamethasone 0, 1%, nhỏ 4 – 8 lần/ngày. Hoặc

Gentamycin 0, 3% + Dexamethasone 0, 1%, nhỏ 4 – 8 lần/ngày.

+ Kháng sinh uống Oxacyllin 50 – 100 mg/kg/ngày chia 3 lần, hoặc Amoxycillin 20 – 40 mg/kg/ngày chia 3 lần.

4. Theo dõi và tái khám

a. Chăm sóc và theo dõi tại nhà

– Ba giờ sau mổ, mở băng mắt, nhỏ thuốc và uống thuốc theo toa.

– Hạn chế dụi tay vào vết mổ.

b. Phòng ngừa

– Giữ vệ sinh mắt.

–  Ăn uống điều độ, tránh ăn ngọt.

–  Tránh táo bón.

c. Hẹn tái khám

– Thời gian thường quy: sau 3 – 5 ngày

– Dấu hiệu nặng cần khám ngay: sau thời gian uống thuốc mắt vẫn sưng to, có máu hoặc mủ chảy ra từ vết mổ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *