CHẨN ĐOÁN CÓ THAI

I. ĐẠI CƯƠNG

–     Khi có sự thụ thai và làm tổ của trứng, cơ thể của người phụ nữ có những thay đổi về giải phẫu và sinh lý. Đó là những thay đổi về hình thể bên ngoài cũng như các cơ quan, thể dịch trong cơ thể. Tất cả những thay đổi đó có thể gây nên các dấu hiệu mà người ta gọi là triệu chứng thai nghén.

–   Thời kỳ thai nghén là 280 ngày (40 tuần) kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.

–   Về lâm sàng, thời kỳ thai nghén được chia thành hai giai đoạn:

+     Giai đoạn nửa đầu thai kỳ (4 tháng rưỡi đầu): chẩn đoán khó vì các dấu hiệu thai nghén là kết quả của những biến đổi cơ thể do hiện tượng có thai gây nên, đó là những thay đổi sinh lý của người mẹ, không phải là những dấu hiệu trực tiếp của thai nghén gây nên.

+     Giai đoạn nửa sau thai kỳ (4 tháng rưỡi sau): chẩn đoán thường dễ vì các triệu chứng rõ ràng, lúc này có các dấu hiệu trực tiếp của thai khi đã thể hiện rõ ràng trên lâm sàng như: cử động của thai nhi, nghe được tiếng tim thai, đặc biệt sờ nắn được các phần thai. Ở giai đoạn này, việc chẩn đoán thai nghén có ý nghĩa trong việc đánh giá sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của người mẹ, đóng vai trò quan trọng trong chuẩn bị và tiên lượng cuộc đẻ.

–     Để chẩn đoán thai nghén chính xác cần phải dựa vào hỏi bệnh, triệu chứng lâm sàng về cơ năng cũng như thực thể, trong đó những dấu hiệu thực thể đóng vai trò quyết định. Ngoài ra trong những tháng đầu, để chẩn đoán thai nghén cần làm thêm một số thăm dò về cận lâm sàng đặc biệt (khi cần có sự chẩn đoán phân biệt).

II. THAI NGHÉN TRONG NỬA ĐẦU THAI KỲ

2.1.     Triệu chứng lâm sàng

2.1.1.  Triệu chứng cơ năng

–   Mất kinh đột ngột và hoàn toàn ở người phụ nữ khỏe mạnh, trước đó có kinh nguyệt đều. Đây là dấu hiệu đáng tin cậy để chẩn đoán.

Cần phân biệt với một số trường hợp sau:

+   Người có chu kỳ kinh không đều.

+   Người có sử dụng thuốc tránh thai.

+   Người đang cho con bú.

+   Mất kinh bệnh lý (rối loạn tiền mãn kinh).

–   Nghén: là sự thay đổi của người phụ nữ do tình trạng có thai gây nên, biểu hiện:

+   Buồn nôn hoặc nôn vào buổi sáng, nhạt miệng, lợm giọng.

+   Chán ăn hoặc thích ăn những thức ăn khác khẩu vị: chua, cay, ngọt ….

+   Thay đổi về khứu giác: sợ mùi (mùi thơm, mùi cơm, mùi thuốc lá…).

+   Thay đổi về thần kinh: dễ bị kích thích, kích động, cáu gắt, hay lo sợ. Buồn ngủ, ngủ gà, ngủ nhiều hoặc có khi mất ngủ.

Cần phân biệt với một số trường hợp: tưởng tượng là có thai ở người mong có con hoặc sợ có thai.

–   Khó chịu, mệt mỏi, chóng mặt, giảm trí nhớ.

Các triệu chứng này thường sau 12-14 tuần tự mất.

2.1.2.  Triệu chứng thực thể

–   Tử cung có sự thay đổi về kích thước, mật độ và hình thái:

+     Cổ tử cung: màu tím sẫm, mật độ mềm, có sự thay đổi về vị trí, chế tiết ít dần, đặc tạo thành nút nhầy cổ tử cung.

+     Thân tử cung: to dần theo tuổi thai. Thân tử cung phát triển đều, đoạn eo phình ra làm hình thể tử cung có dạng hình cầu, có thể chạm đến thân tử cung khi để ngón tay ở túi cùng bên âm đạo (dấu hiệu Noble).

+   Eo tử cung: mềm, khi thăm khám cảm giác thân và cổ tử cung tách rời nhau (dấu hiệu Hegar).

–   Âm đạo: niêm mạc có màu tím sẫm.

–   Vú: tăng kích thước, quầng vú và đầu vú thâm lại, hạt montgomery nổi rõ.

–   Da: xuất hiện các vết xạm ở đường giữa da bụng, ở da mặt (mặt nạ thai nghén).

Cần phân biệt với một số trường hợp sau:

–   U nang buồng trứng.

–   U xơ tử cung.

–   Thai ngoài tử cung.

–   Chửa trứng.

–   Thai chết lưu trong buồng tử cung

2.2.     Cận lâm sàng

–     Xét nghiệm nội tiết: xác nhận sự tồn tại và định lượng hCG trong máu hoặc nước tiểu của người phụ nữ.

–     Xét nghiệm sinh vật học: dựa trên những thay đổi ở động vật thí nghiệm sau khi tiêm các chất tiết của người phụ nữ nghi có thai (có hCG). Hiện nay không còn sử dụng vì được thay thế bằng các xét nghiệm miễn dịch có độ chính xác cao và kinh tế hơn.

–   Xét nghiệm miễn dịch Wide – Gemzell: dựa trên sự kết hợp giữa kháng nguyên hCG của sản phụ với kháng thể chuyên biệt tương ứng. Test cho kết quả (+) sau mất kinh 5-7 ngày.

–     Siêu âm: thấy hình ảnh túi ối ở tuần thai thứ 5 – 6, thấy tim thai ở tuần thứ 7 – 8. Siêu âm còn cho phép đánh giá sự phát triển của thai, phát hiện các bất thường ở thai và phần phụ của thai.

III. THAI NGHÉN TRONG NỬA SAU THAI KỲ

Trong giai đoạn này, việc chẩn đoán thai nghén thường khá dễ dàng, xuất hiện các dấu hiệu chắc chắn có thai:

–   Các thay đổi ở da, vú rõ hơn giai đoạn đầu.

–   Cổ tử cung và âm đạo: niêm mạc tím sẫm, mật độ mềm dần.

–   Cử động thai: thai cử động có thể nhìn thấy được hoặc sờ thấy qua bàn tay thầy thuốc đặt trên bụng người mẹ.

–     Sờ, nắn bụng: thấy tử cung to. Sờ thấy các phần của thai nhi: đầu, lưng, mông chi và thấy thai di động bập bềnh trong nước ối.

–     Đo: tử cung to dần lên (trung bình cứ 1 tháng tử cung cao hơn 4cm so với bờ trên xương mu). Đo chiều cao tử cung có thể tính được tháng tuổi thai. Đo chiều cao tử cung và vòng bụng để tính trọng lượng thai.

–   Nghe: bằng ống nghe sản khoa thông thường, nghe được tim thai khi thai ở tuần thứ 20 trở đi. Cần phân biệt với tiếng thổi của động mạch tử cung, tiếng đập của động mạch chủ bụng. Vị trí nghe tim thai tùy thuộc vào ngôi và kiểu thế của thai nhi.

–     Siêu âm thai: thấy hình ảnh thai nhi trong buồng tử cung, nghe được tim thai, đánh giá được tình trạng rau thai, nước ối…phát hiện các bất thường ở thai và phần phụ của thai.

IV. ÁP DỤNG THỰC TẾ

–     Thai nghén trong nửa đầu thai kỳ: xác định có thai trong nửa đầu thai kỳ rất quan trọng vì nó là cơ sở để áp dụng các biện pháp chăm sóc cho các sản phụ trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, khi xác định có thai sớm, nhân viên y tế còn có thể dự kiến ngày sinh cho sản phụ dựa vào ngày đầu của kỳ kinh cuối.

Dự kiến ngày sinh cho sản phụ dựa vào ngày đầu của kỳ kinh cuối:

+   Ngày sinh: lấy ngày đầu của kỳ kinh cuối + 7.

+   Tháng sinh: lấy tháng của kỳ kinh cuối – 3.

+   Năm sinh:

  • Nếu tháng của kỳ kinh cuối từ tháng 1 đến tháng 3: năm sinh giữ nguyên.
  • Nếu tháng của kỳ kinh cuối từ tháng 3 đến tháng 12: năm sinh + 1.

Ví dụ: ngày đầu kỳ kinh cuối của sản phụ A là 12/7/2015. Vậy dự kiến sinh cho sản phụ A là 19/4/2016.

–     Thai nghén trong nửa sau thai kỳ: có thể dự kiến được tuổi thai và trọng lượng thai dựa vào chiều cao tử cung và vòng bụng của sản phụ.

Dự  kiến tuổi thai: trung bình cứ 1 tháng tử cung cao hơn 4cm so với bờ trên xương mu (trừ tháng đầu tiên) nên tuổi thai được tính bằng:

Tuổi thai =  (Chiều cao tử cung : 4) + 1 (tháng)

Dự kiến trọng lượng thai:

Trọng lượng thai = [(Chiều cao tử cung + chu vi vòng bụng) × 100] : 4 (gram)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *