CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH SAU ĐẺ

I. ĐẠI CƯƠNG

 –   Định nghĩa: thời kỳ sơ sinh là thời kỳ từ khi thai sổ ra ngoài đến hết 4 tuần đầu sau đẻ.

–   Đặc điểm sinh lý:

+     Đặc điểm sinh lý chủ yếu của thời kỳ này là sự thích nghi của đứa trẻ với cuộc sống bên ngoài tử cung. Ngay sau khi ra đời, cùng với tiếng khóc chào đời, trẻ bắt đầu thở bằng phổi, vòng tuần hoàn chính thức bắt đầu hoạt động thay cho vòng tuần hoàn rau thai. Trẻ bắt đầu bú, hệ tiêu hoá bắt đầu làm việc, thận bắt đầu đảm nhiệm việc điều hoà môi trường bên trong cơ thể (nội môi). Tất cả các nhiệm vụ này, trước đây đều do rau thai đảm nhiệm.

+     Cơ thể trẻ lúc này còn rất non yếu, cấu tạo và chức năng của các cơ quan chưa được hoàn thiện đầy đủ. Hệ thần kinh của trẻ luôn trong tình trạng bị ức chế, cho nên trẻ ngủ suốt ngày.

+     Một số hiện tượng sinh lý xảy ra trong thời kỳ này là: đỏ da sinh lý, vàng da sinh lý, bong da sinh lý, sụt cân sinh lý, giảm chiều cao sinh lý, tăng trương lực cơ sinh lý, rụng rốn, ỉa phân su, thân nhiệt không ổn định.

–     Đặc điểm bệnh lý: do cơ thể của trẻ rất non yếu cho nên trẻ dễ bị bệnh và bệnh thường diễn biến nặng, dễ dẫn đến tử vong. Qua thống kê cho thấy lứa tuổi này có tỷ lệ tử vong cao nhất.

+     Đứng đầu về bệnh tật trong lứa tuổi sơ sinh là các bệnh nhiễm trùng như viêm rốn, uốn ván rốn, viêm da, viêm phổi, nhiễm trùng máu và các bệnh nhiễm trùng khác.

+     Đứng thứ hai là các bệnh do rối loạn quá trình hình thành và phát triển thai nhi: quái thai, đẻ non, các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở vòm miệng, tịt hâu môn, lộ bàng quang, tim bẩm sinh…

+   Sau cùng là các bệnh liên quan đến quá trình sinh đẻ: ngạt, bướu huyết thanh, gãy xương, chảy máu não – màng não…

 II.TIÊU CHUẨN TRẺ SƠ SINH KHỎE MẠNH

–   Tuổi thai từ 38 – 42 tuần.

–   Cân nặng lúc đẻ trên 2500g (Trung bình 3200g ± 200g).

–   Chiều dài 47 – 50cm.

–   Da hồng, đẻ ra khóc ngay.

–   Thở đều nhịp thở 40 – 60 lần/phút.

–   Bú khoẻ, không nôn, có phân su, không có dị tật bẩm sinh.

–   Tóc dài trên 2cm, móng tay, chân dài quá đầu ngón.

–     Bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ: trẻ trai tinh hoàn đã xuống hạ nang, trẻ gái môi lớn trùm môi nhỏ.

–   Vòng rốn nằm giữa đường từ mũi ức đến trên vệ.

–   Phản xạ lúc thức: trẻ bú khoẻ, khóc to, luôn vận động.

–   Trương lực cơ chắc.

–   Có các phản xạ nguyên thủy: phản xạ bú, phản xạ nắm, phản xạ Moro…

III. CHĂM SÓC TRẺ

3.1. Chăm sóc tại nhà hộ sinh

–   Ngay sau khi sinh:

+   Đặt trẻ trên bàn sưởi ấm.

+   Hút mũi, miệng, hầu họng nếu có hít nước ối.

+   Lau chất gây bằng khăn vải có tẩm nước muối sinh lý.

+     Làm rốn cho trẻ. Cuống rốn và pince nhựa kẹp rốn được bọc quanh bởi một miếng gạc vô trùng và băng bằng băng vải vô trùng, được thay hàng ngày.

+     Phòng nhiễm trùng mắt bằng cách nhỏ vào mỗi mắt một giọt Nitrate bạc 1% để sát khuẩn, riêng cho từng đứa trẻ, hoặc thuốc nhỏ mắt bằng kháng sinh.

+     Mặc áo, quấn tã cho trẻ. Áo quần và tã lót dùng loại vải mềm, mỏng, dễ thấm nước và giặt mau sạch, mặc đủ ấm.

–   Những ngày tiếp theo:

+     Tắm cho trẻ hàng ngày bằng khăn vải với nước chín 38 – 40ºC. Có thể tắm với dung dịch xà phòng thích hợp với pH da của trẻ sơ sinh. Không nên dùng kem hoặc sữa tắm vì có thể gây phản ứng dị ứng. Trong khi tắm sẽ lau mắt, mũi, tai bằng bông cục cuộn tròn tẩm nước muối sinh lý.

+     Cho bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, các bữa bú phải thích hợp với chu kỳ ngủ – thức của trẻ, đặc biệt trong những tuần đầu.

  • Trường hợp bú sữa mẹ: trước mỗi bữa bú mẹ phải lau quầng vú bằng gạc vô trùng.
  • Trường hợp bú sữa bình: phải luộc bình và núm vú bằng nước sôi. Pha theo công thức bằng nước ấm 60 – 70ºC. Không pha bằng nước sôi.

3.2. Chăm sóc tại nhà

3.2.1.  Đánh giá tình trạng trẻ hàng ngày

–     Mầu sắc da: mới lọt lòng da đỏ, sau chuyển hồng, sau 3 ngày có mầu vàng (vàng da sinh lý) và kéo dài khoảng 1 tuần sau đẻ. Khi có hiện tượng vàng da sinh lý cần quan sát màu da để đánh giá mức độ vàng da nhiều hay ít. Nếu vàng da xuất hiện sớm trước 2 ngày sau sinh hoặc vàng da đậm kéo dài quá 1 tuần thì phải cho trẻ đi khám ngay vì đó có thể là vàng da do bệnh lý.

–     Nhịp thở: bình thường 40 – 60 lần/phút, dưới 40 hay trên 60 đều là bất thường phải xem xét tìm nguyên nhân.

–     Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày: đo nhiệt độ ngày hai lần, nếu thấy nhiệt độ tăng hoặc giảm đều phải cho trẻ đi khám ngay. .

–     Đánh giá tình trạng trẻ bú mẹ: trẻ bú theo nhu cầu, bú khỏe. Nếu thấy dấu hiệu bỏ bú là bất thường.

–     Theo dõi đại tiểu tiện: theo dõi hàng ngày trẻ đi ngoài như thế nào, tính chất của phân, có phân su hay không? Theo dõi trẻ đi tiểu nhiều hay ít, nếu thấy bất thường cho trẻ đi khám ngay.

–   Cân trẻ để phát hiện sụt cân sinh lý và ghi chép vào biểu đồ theo dõi.

3.2.2.  Chăm sóc ăn uống

–     Sau đẻ cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để có thể bú được sữa non, cho trẻ bú theo nhu cầu, trẻ càng bú càng tăng sự xuống sữa. Vì trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều (16 – 18 tiếng/ ngày) nên nếu trẻ ngủ quá 4 giờ thì nên đánh thức trẻ để cho trẻ bú.

–     Nên cho bú một lần một vú để trẻ có thể tận dụng trong một bữa bú cả sữa đầu và sữa cuối, rồi lần bú sau thay qua bầu vú khác, để tránh hiện tượng cương sữa nếu chỉ cho bú một vú.

–     Hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú: trước khi cho con bú, dùng khăn mềm lau đầu vú và xoa đầu vú cho mềm rồi ngồi thoải mái, bế trẻ đầu hơi cao, đầu và thân trẻ thẳng, mặt quay vào vú mẹ cho trẻ ngậm hết quầng thâm của vú, khi trẻ bú xong cần bế trẻ một lát khi trẻ ợ hơi mới được đặt nằm.

–   Những trường hợp chống chỉ định cho bú sữa mẹ:

+   Mẹ có HIV (+).

+   Mẹ có HbsAg (+).

+   Mẹ đang bị lao tiến triển.

+   Mẹ bị nhiễm trùng nặng.

+     Mẹ đang dùng thuốc điều trị các bệnh như: bệnh lý tuyến giáp, bệnh ung thư, thuốc chống đông máu…

–     Nếu trẻ không bú mẹ được thì phải cho trẻ ăn bằng thìa: đồ dùng của trẻ như cốc thìa phải rửa sạch, luộc nước sôi trước khi dùng.

–     Nếu cho trẻ ăn sữa công thức: chọn loại sữa dễ tiêu hóa và phù hợp cho trẻ, pha sữa theo công thức và phải đảm bảo vô trùng.

3.2.3.  Chăm sóc rốn

–     Cuống rốn là một vết thương hở nên nếu không được chăm sóc đúng cách thì sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, đây là một tình trạng rất nguy hiểm vì có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu cho trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

–     Chăm sóc rốn là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay sau khi đẻ tới khi rụng lên sẹo khô. Phải đảm bảo vô khuẩn như khi cắt rốn và làm rốn.

–   Cách chăm sóc rốn:

+     Nếu rốn bình thường: dùng cồn 70º lau cuống rốn hàng ngày và thay băng gạc vô trùng. Cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 6 – 8 ngày. Có thể có thoát vị rốn trong những tháng đầu tiên nên cần băng rốn bằng băng chun dãn. Sau khi chăm sóc rốn, quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ chất gì vấy bẩn lên vùng rốn.

+     Nếu rốn hôi, rỉ máu, quanh rốn nổi mẩn hay ẩm ướt, chậm rụng: có thể dùng bạc nitrat 1% chấm cuống rốn cho nhanh rụng. Không rắc bột kháng sinh vào rốn.

+   Nếu thấy loét quanh rốn, rửa rốn bằng nước muối sinh lý ngày 2 lần, để thoáng không băng rốn.

–     Phải theo dõi và chăm sóc rốn hàng ngày, nếu phát hiện một trong các triệu chứng sau thì phải đưa bé đi khám chuyên khoa ngay:

+   Rốn rỉ nước vàng, có mùi hôi hoặc rốn có mủ.

+   Rốn chảy máu nhiều, khó cầm máu.

+   Da quanh rốn sưng nề, tấy đỏ.

+   Rốn có chồi hạt, rỉ nước kéo dài.

+   Rốn chậm rụng sau 3 tuần.

3.2.4.  Chăm sóc da

–     Vệ sinh thân thể, tắm cho trẻ vào ngày thứ 2 sau đẻ, mùa đông lạnh thì có thể lau người cho trẻ. Khi tắm hoặc lau người cho trẻ, phải chống lạnh, chống gió lùa, mỗi lần tắm không quá 5 phút. Nước tắm để ấm 38 – 40ºC. Sau khi tắm lau khô mặc áo, đội mũ cho trẻ.

–     Trường hợp viêm da mụn phỏng: tư vấn bà mẹ đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay để được khám và xử trí kịp thời.

3.2.5.  Giữ ấm, giữ sạch

–   Phòng trẻ nằm phải ấm (28 – 30ºC), thoáng, không có gió lùa.

–     Khi tã, áo ướt phải thay ngay. Tránh không để nước tiểu hay phân dính vào rốn của trẻ.

–   Cho trẻ nằm cùng với mẹ.

–   Khi chăm sóc trẻ phải rửa tay sạch, áo, tã của trẻ phải sạch sẽ, khô và ấm.

3.2.6.  Phòng bệnh

Trong thời kỳ sơ sinh (hết 4 tuần sau đẻ), trẻ phải tiêm/ uống đủ các loại vaccin sau:

–   Tiêm phòng lao BCG.

–   Uống vacxin phòng bại liệt.

–   Tiêm vacxin phòng viêm gan B

 IV. XỬ LÍ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG BẤT THƯỜNG

4.1. Tuần đầu sau đẻ

Khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây:

–   Sốt cao.

–   Bỏ bú, rốn hôi, chảy dịch.

–   Vàng da xuất hiện sớm trong hai ngày đầu sau sinh hoặc vàng da đậm kéo dài quá 1 tuần.

–   Thân nhiệt hạ, li bì, khó thở, không bú được.

4.2. 4 tuần sau đẻ

–   Hướng dẫn bà mẹ và người nhà, nếu trẻ có biểu hiện gì bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để trẻ được chẩn đoán và xử trí sớm.

–   Nếu trẻ không tăng cân: đánh giá bữa bú và tư vấn bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

–     Nếu trẻ bình thường: hướng dẫn vệ sinh, cho bú, chăm sóc giấc ngủ, theo dõi tăng trưởng, tiêm chủng, đưa trẻ đi cân đúng lịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *