CHĂM SÓC PHỤ NỮ TRONG KHI SINH

 I. ĐẠI CƯƠNG

Chuyển dạ là quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục người mẹ. Đây là một hiện tượng xảy ra ở cuối thời kỳ mang thai, mở đầu là những cơn co tử cung và kết thúc sau khi thai và rau đã sổ ra ngoài.

Thời kỳ mang thai của người trung bình là 40 tuần, khi đẻ từ tuần thứ 38 – hết 41 tuần là đẻ đủ tháng, nếu đẻ dưới 37 tuần là đẻ non, nếu trên 41 tuần là đẻ già tháng.

Hiện tượng chuyển dạ thường được giải thích là do ở cuối thời kỳ mang thai lượng Estrogen và Progesteron sản xuất từ gai rau giảm làm xuất hiện Prostaglandin, Oxytocin nội sinh tạo ra cơn co tử cung. Cũng có ý kiến cho rằng khi thai nhi đã trưởng thành thì từ hệ nội tiết của thai sẽ phát các tín hiệu chuyển tới người mẹ để có chuyển dạ.

II. DẤU HIỆU CHUYỂN DẠ

2.1. Các giai đoạn của chuyển dạ

Có 3 giai đoạn, thời gian mỗi giai đoạn dài, ngắn khác nhau.

–     Giai đoạn I (giai đoạn xóa mở cổ tử cung): tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hết. Đây là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc chuyển dạ, trung bình khoảng 15 giờ (16-20 giờ ở con so, 8-12 giờ ở con rạ). Giai đoạn này gồm 2 giai đoạn:

+   Giai đoạn IA: tính từ khi cổ tử cung bắt đầu xóa đến khi cổ tử cung mở được 3cm.

Giai đoạn này gọi là pha tiềm tàng, thời gian trung bình khoảng 8 giờ.

+     Giai đoạn IB: tính từ khi cổ tử cung mở 4cm đến khi mở hết (10 cm). Giai đoạn này gọi là pha tích cực, thời gian trung bình khoảng 7 giờ.

–     Giai đoạn II (giai đoạn sổ thai): tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ. Thời gian trung bình ≤ 1 giờ ở con so, ≤ 30 phút ở con rạ.

–     Giai đoạn III (giai đoạn sổ rau): tính từ khi thai sổ ra ngoài đến khi rau bong, xuống và sổ ra ngoài cùng với màng rau, trung bình ≤ 30 phút.

2.2. Thời gian chuyển dạ

–   Thời gian chuyển dạ trung bình thường < 24h.

–     Cuộc chuyển dạ kéo dài trên 24h là chuyển dạ kéo dài. Chuyển dạ kéo dài làm người mẹ cạn kiệt sức lực, không còn sức rặn đẻ, dễ có nguy cơ đờ tử cung, chảy máu và nhiễm khuẩn hậu sản. Chuyển dạ kéo dài dễ gây suy thai, ngạt thai và các sang chấn trong cuộc đẻ cho thai nhi.

2.3. Cơn co tử cung

–   Cơn co tử cung là động lực chính của cuộc chuyển dạ.

–   Vai trò của cơn co tử cung đối với chuyển dạ:

+   Cơn co tử cung gây ra hiện tượng xóa mở cổ tử cung, thành lập đoạn dưới tử cung và làm thay đổi ở đáy chậu người mẹ.

+   Cơn co tử cung đẩy thai từ buồng tử cung ra ngoài qua các giai đoạn của cuộc đẻ.

+   Cơn co tử cung làm thành lập đầu ối, giúp rau thai, màng rau bong và sổ ra ngoài.

2.4. Cơn co thành bụng

–     Xuất hiện khi ngôi thai đè vào đáy chậu, tạo cảm giác muốn rặn, báo hiệu chuyển dạ đã sang giai đoạn II.

–   Cơn co thành bụng phối hợp với cơn co tử cung để đẩy thai nhi ra ngoài.

–     Cơn co thành bụng có thể điều khiển theo ý muốn (cần hướng dẫn cách rặn). Cơn rặn tuỳ thuộc sức khoẻ, thành bụng người mẹ và cách hướng dẫn của người đỡ đẻ.

III. CHĂM SÓC SẢN PHỤ TRONG KHI SINH

3.1. Tư vấn chuẩn bị cho mẹ và bé

3.1.1.  Tôn trọng quyền sản phụ

–   Được chọn nơi đẻ theo ý mình.

–   Được chọn người đỡ đẻ.

–   Được yêu cầu có người nhà chăm sóc (phải đảm bảo công tác vô khuẩn).

–   Được kín đáo riêng tư.

–   Được tôn trọng tập tục của địa phương.

3.1.2.  Về tinh thần

–   Trong cuộc đẻ, phải chờ đến kết thúc mới có thể nói là bình thường hay bất thường, nhưng phần lớn có thể tiên lượng được qua các thông số khi thăm khám chuyển dạ.

–     Nếu biết được mình sẽ đẻ thường, khoảng bao lâu nữa sẽ sinh và từ giờ đến khi sinh sẽ như thế nào thì sản phụ sẽ dễ dàng đương đầu với cuộc đẻ hơn.

Đó là những nội dung tư vấn mà người hộ sinh phải làm khi sản phụ chuyển dạ.

3.1.3.  Về cách thở và rặn đẻ

Để có một cuộc chuyển dạ an toàn, mẹ tròn con vuông, thai phụ cần biết cách thở và biết cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con như: bé bị ngạt trong bụng mẹ, mẹ bị mệt, tổn thương phức tạp đường sinh dục, chuyển dạ kéo dài gây băng huyết sau sinh…

Mỗi một cơn co tử cung thường có 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Ở thì co, thai phụ thường cảm giác bụng cứng lên, cảm giác đau đớn tăng dần, đau đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài, sau đó cảm giác đau sẽ giảm dần và không cảm thấy đau nữa ở thì nghĩ.

Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn co tử cung, cách thở được hướng dẫn như sau :

–     Khi bắt đầu cảm nhận đau, nghĩa là khi bắt đầu thì co, có cơn co xuất hiện, thai phụ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài. Cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Ở thì thở ra làm sao tạo được tiếng rít gần như tiếng rít, tiếng huýt sáo nhỏ. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.

–     Ở thì nghỉ giữa các cơn co tử cung, thai phụ nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất đi khi thở nhanh, nông ở thì co và tích trữ năng lượng cho lần thở của cơn đau kế tiếp. Nên thư giãn toàn thân là tốt nhất.

Khi bác sĩ cho phép được rặn, thai phụ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ và ống sinh dục được. Rặn không hiệu quả, giai đọan sổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.

Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn co tử cung, cách rặn được hướng dẫn  như  sau:

–     Khi cảm nhận được cơn co tử cung: bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau: thai phụ nên hít vào một hơi thở thật sâu. Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp tống xuất thai nhi ra ngoài. Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi cảm thấy hết đau bụng. Chú ý là trong khi rặn, thai phụ phải giữ sao cho lưng thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sinh và phần mông phải cong lên phía trước. Đặt biệt là phải giữ để khi rặn thì miệng không được phát ra bất cứ âm thanh nào.

–     Giữa 2 cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu điều hòa, dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.

3.1.4.  Vệ sinh thân thể

–   Nên tắm rửa và mặc đồ sạch sẽ trước khi đi đẻ.

–   Khi ra dịch nhầy âm đạo hoặc vỡ ối cần đóng băng vệ sinh sạch.

–   Nên cắt tóc ngắn hoặc tết tóc lại cho gọn gàng.

3.1.5.  Về chế độ ăn uống

–   Thai phụ có thể ăn uống theo khẩu vị, nhưng phải giàu dinh dưỡng và dễ tiêu.

–     Nếu có nguy cơ đẻ khó xuất hiện thì nên hạn chế ăn nhiều, vì khi mổ nguy cơ thức ăn trào ngược sẽ rất nguy hiểm.

3.1.6.  Về vận động

–   Thai phụ có thể đứng, ngồi, nằm, đi lại theo nhu cầu.

–     Tránh nằm ngửa đầu thấp vì ở tư thế này máu đến tử cung ít nhất và sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai.

–     Tư thế nằm nghiêng trái được khuyên dùng vì ở tư thế này động mạch chủ bụng không bị chèn ép, máu sẽ đến tử cung nhiều hơn.

3.1.7.  Đồ dùng cho mẹ và con sau sinh

–     Cho mẹ: quần áo sạch, băng vệ sinh sạch. Tốt nhất nhà hộ sinh cung cấp băng và hấp tiệt khuẩn.

–   Cho con: mũ, áo, tã lót sắp sẵn sàng.

3.2. Chọn nơi sinh an toàn

3.2.1.  Y tế cơ sở

Những thai phụ sau đây có thể đẻ thường ngay tại y tế cơ sở (trạm y tế, nhà hộ sinh xã, phường):

–     Mẹ khỏe mạnh, không mắc các bệnh cấp và mạn tính: nhiễm độc thai nghén, bệnh tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường…

–   Không có bệnh lý hay dị tật đường sinh dục: dị dạng sinh dục, dị dạng tử cung, vách ngăn âm đạo, khung chậu hẹp….

–   Không có tiền sử sản khoa nặng nề: tiền sử đẻ khó, băng huyết, sảy thai liên tiếp, đẻ non, thai chết lưu…

–   Trong quá trình mang thai không có bất thường về mẹ và con.

–   Số lần đẻ của mẹ ≤ 3 lần.

–   Tuổi thai 38-42 tuần.

–   Một thai, trọng lượng thai 2,5 – 3,5 kg.

–   Ngôi đầu (ngôi chỏm).

–   Thai nhi không có các bệnh lý bẩm sinh.

–     Rau bám đúng vị trí, không có các bệnh lý rau tiền đạo, rau bong non, rau cài răng lược.

3.2.2.  Tuyến bệnh viện

Những thai phụ sau đây cần được tư vấn để đi đẻ tại tuyến bệnh viện vì họ là các trường hợp thai nghén nguy cơ cao:

–   Mẹ mắc các bệnh cấp và mạn tính: nhiễm độc thai nghén, bệnh tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường…

–   Mẹ có bệnh lý hay dị tật đường sinh dục: dị dạng sinh dục, dị dạng tử cung, vách ngăn âm đạo, khung chậu hẹp….

–     Mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề: tiền sử đẻ khó, băng huyết, sảy thai liên tiếp, đẻ non, thai chết lưu…

–   Trong quá trình mang thai có dấu hiệu bất thường: ra máu, phù to, đau đầu, tăng huyết áp.

–   Mẹ đẻ nhiều lần ≥ 4 con.

–   Thai non tháng (≤ 37 tuần), thai già tháng ( ≥ 42 tuần), suy thai mãn.

–   Đa thai: sinh đôi, sinh ba. Thai to, bất cân xứng thai nhi – khung chậu.

–   Ngôi thai bất thường: ngôi ngược, ngôi ngang, ngôi mặt, ngôi trán

–   Thai nhi có các bệnh lý bẩm sinh.

–     Rau bám không đúng vị trí: rau tiền đạo, rau bong non, rau cài răng lược, calci hóa bánh rau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *