I. NHỮNG BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA THỜI KÌ HẬU SẢN
1.1. Sự co hồi tử cung
– Quá trình co hồi tử cung: sau đẻ, chiều cao tử cung giảm xuống còn một nửa so với trước khi chuyển dạ (tử cung cao trên vệ khoảng 13 cm). Sau đó trung bình mỗi ngày tử cung co hồi được 1cm, riêng ngày đầu co nhanh hơn có thể được 2 – 3 cm. Sau 13 – 15 ngày thường không sờ được tử cung ở trên khớp vệ nữa.
– Hiện tượng kèm theo: cơn đau bụng vùng tử cung xuất hiện trong những ngày đầu sau đẻ do tử cung có những cơn co bóp mạnh để tống máu cục và sản dịch ra ngoài. Mức độ đau: tuỳ thuộc cảm giác của từng người. Thường đẻ càng nhiều lần thì càng đau vì chất lượng cơ tử cung yếu dần, tử cung càng cần phải co bóp mạnh hơn các lần trước để đẩy máu cục và sản dịch ra ngoài.
– Trong những ngày đầu sau đẻ cần theo dõi sự co hồi tử cung bằng cách đo chiều cao tử cung hàng ngày cho sản phụ: đo từ điểm giữa bờ trên xương mu tới đáy tử cung.
– Quá trình co hồi tử cung diễn ra không giống nhau giữa các sản phụ. Người ta nhận thấy:
+ Ở người con so, tử cung co hồi nhanh hơn ở người con rạ.
+ Ở người đẻ thường, tử cung co hồi nhanh hơn ở người mổ đẻ.
+ Người cho con bú, tử cung co hồi nhanh hơn người không cho con bú.
+ Trường hợp bí đái, táo bón, thân tử cung bị đẩy lên cao, sự co hồi tử cung sẽ bị chậm lại.
Trên lâm sàng nếu thấy tử cung co hồi chậm, tử cung ấn đau, sốt, sản dịch có mùi hôi thì phải nghĩ tới nhiễm khuẩn hậu sản để điều trị kịp thời.
1.2. Sản dịch
– Sản dịch là chất dịch từ tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu của thời kỳ hậu sản.
– Thành phần của sản dịch: gồm máu cục và máu loãng chảy ra từ niêm mạc tử cung, chủ yếu là vùng rau bám, các mảnh niêm mạc tử cung, các tế bào ở cổ tử cung, tế bào âm đạo bị thoái hóa bong ra.
– Thời gian ra sản dịch: thường chỉ ra trong 15 ngày đầu sau đẻ. Ở người đẻ con so, người cho con bú, sản dịch hết nhanh hơn vì tử cung co hồi nhanh hơn.
– Số lượng sản dịch: nhiều hay ít thay đổi tùy theo từng sản phụ. Trong 10 ngày đầu, trung bình sản dịch có thể ra tới 1500 ml, ra nhiều vào 2 ngày đầu (ngày đầu tiên không quá 300 ml).
– Tính chất:
+ Màu sắc:
- Trong 3 ngày đầu, sản dịch gồm toàn máu loãng và máu cục nhỏ nên có màu đỏ sẫm.
- Từ ngày thứ 4 tới ngày thứ 8, sản dịch loãng hơn, chỉ còn là một chất nhầy có lẫn ít máu nên có màu lờ lờ máu cá.
- Từ ngày thứ 9 trở đi, sản dịch không có màu, chỉ là một chất dịch trong.
Nếu sản dịch ra kéo dài hoặc đã hết máu đỏ sẫm, lại ra máu đỏ trở lại và kéo dài phải theo dõi sót rau sau đẻ.
+ Mùi: sản dịch có mùi tanh nồng của máu, pH kiềm. Nếu bị nhiễm khuẩn, sản dịch có mùi hôi và có thể có mủ.
Trên lâm sàng, khoảng 18-20 ngày sau đẻ, sản phụ có thể ra một ít máu qua đường âm đạo, đó có thể là kinh non, do niêm mạc tử cung phục hồi sớm.
1.3. Sự xuống sữa
– Trong thời kỳ có thai và những ngày đầu sau đẻ, dưới tác dụng của prolactin, sữa được bài tiết, do đó sản phụ có sữa non, màu vàng nhạt. Số lượng sữa non ít nhưng thành phần dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các acid amin cần thiết, acid béo không no, vitamin và chứa nhiều kháng thể – rất phù hợp với bộ máy tiêu hoá của trẻ sơ sinh trong những ngày đầu.
– Cần tư vấn các bà mẹ cho trẻ bú sữa non: sau đẻ vài ngày (2 – 3 ngày đối với con rạ và 3 – 4 ngày đối với con so) sẽ có hiện tượng xuống sữa với các đặc điểm: vú căng tức và nóng, mạch nhanh, các tuyến sữa phát triển nhiều, phồng to, các tĩnh mạch dưới da vú nổi rõ. Có thể kèm theo “sốt xuống sữa” với đặc điểm: sốt nhẹ < 38°C, sốt không quá nửa ngày. Các hiện tượng này mất đi sau khi sữa được tiết ra. Nếu sữa đã xuống rồi mà vẫn sốt phải đề phòng nhiễm khuẩn ở tử cung hay nhiễm khuẩn vú.
1.4. Các hiện tượng khác
– Cơn rét run sau đẻ: ngay sau khi đẻ, sản phụ có thể lên cơn rét run, đó là cơn rét run sinh lý với đặc điểm: mạch, nhiệt độ, huyết áp vẫn ổn định. Cần phân biệt với cơn rét run do choáng mất máu.
– Bí đại tiểu tiện: do chuyển dạ kéo dài, ngôi thai đè vào bàng quang và trực tràng, do sang chấn phù nề niệu đạo, đau nhiều gây bí đại/ tiểu tiện sau đẻ.
– Các hiện tượng toàn thân: mạch thường chậm lại sau 5 – 6 ngày mới trở lại bình thường. Nhịp thở chậm và sâu hơn. Trọng lượng cơ thể giảm sút từ 3-5 kg do sự bài tiết mồ hôi, nước tiểu, sản dịch trong 10 ngày đầu.
– Kinh trở lại: nếu không cho con bú, sau đẻ 6 tuần bà mẹ có thể có kinh lại lần đầu tiên và đó là dấu hiệu chấm dứt thời kỳ hậu sản. Kỳ kinh nguyệt đầu thường nhiều và dài hơn kỳ kinh bình thường. Nếu cho con bú, kinh nguyệt có thể trở lại muộn hơn.
II. NHỮNG NỘI DUNG CẦN CHÚ Ý
3.1. Chăm sóc ngay sau đẻ
– Trong 2 giờ đầu ngay sau khi đẻ, cần theo dõi tình trạng toàn thân của mẹ để phát hiện sớm tình trạng choáng sản khoa hoặc choáng mất máu. Theo dõi mạch, đo huyết áp, xoa đáy tử cung qua thành bụng để xác định khối an toàn của tử cung sau đẻ, đánh giá lượng máu chảy qua âm đạo 15 phút một lần, ít nhất trong thời gian 1 giờ sau đẻ.
– Cần phát hiện sớm đờ tử cung và chảy máu sau đẻ để xử trí kịp thời. Ngay sau khi đẻ, tử cung co chặt lại, đáy tử cung ở dưới rốn để tạo thành khối an toàn. Nếu khám thấy mất khối an toàn, tử cung mềm nhão, hoặc tử cung to ra, đáy tử cung cao dần lên trên rốn là có máu chảy đọng lại trong buồng tử cung.
– Cần đánh giá lượng máu chảy sau đẻ. Nguyên nhân chảy máu sau đẻ có thể do sót rau, đờ tử cung hoặc chấn thương đường sinh dục. Máu có thể chảy ra ngoài qua đường âm đạo hoặc đọng lại trong buồng tử cung mà không chảy ra ngoài.
– Đảm bảo những điều kiện vệ sinh tốt cho sản phụ: buồng điều trị phải sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát phù hợp với từng mùa. Phải có buồng điều trị cách ly cho những sản phụ bị các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm để tránh sự lây chéo giữa các sản phụ.
– Chăm sóc về tinh thần
+ Cuộc đẻ là một biến động lớn về giải phẫu và sinh lý, đồng thời cũng là một biến động về mặt tình cảm, cuộc sống của người phụ nữ, nhất là với những cuộc đẻ không theo ý muốn người mẹ. Vì vậy, chăm sóc hậu sản cần phải được quan tâm một cách chu đáo về mọi mặt.
+ Cần chú ý chăm sóc, động viên sản phụ, giải thích cho sản phụ yên tâm, không lo lắng sau cuộc đẻ, đặc biệt là ở những cuộc đẻ không phù hợp ý muốn của con người.
2.2. Theo dõi sản phụ trong thời kỳ hậu sản
2.2.1. Theo dõi tình trạng toàn thân
– Theo dõi sát mạch, nhiệt độ, huyết áp đặc biệt trong vòng 6 giờ đầu sau đẻ để phát hiện tình trạng chảy máu, tránh để diễn biến xấu cho sản phụ.
– Nói chung trong vòng 24 giờ đầu phải đặc biệt chú ý theo dõi sự chảy máu. Các ngày sau cần chú ý tới mạch, nhiệt độ để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu của nhiễm khuẩn hậu sản.
2.2.2. Theo dõi sự co hồi tử cung
– Hàng ngày sờ, nắn, đo chiều cao tử cung trên khớp vệ để đánh giá:
+ Sự co hồi tử cung tốt hay xấu.
+ Mật độ tử cung chắc hay mềm.
+ Tử cung đau hay không đau khi sờ nắn.
– Nếu tử cung co hồi chậm, mật độ mềm, ấn đau là tử cung bị nhiễm khuẩn, cần phải được điều trị sớm.
2.2.3. Theo dõi sản dịch
– Hàng ngày theo dõi sản dịch bằng cách xem băng vệ sinh của sản phụ để đánh giá:
+ Số lượng sản dịch nhiều hay ít hoặc không có sản dịch (bế sản dịch).
+ Màu sắc: sản dịch đỏ trong 3 ngày đầu, từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 có màu lờ lờ máu cá, sau đó hết máu mà chỉ có một chất dịch, đến ngày thứ 15 trở đi hầu như hết sản dịch.
+ Mùi sản dịch không hôi, nếu có mùi hôi là có nhiễm khuẩn ở tử cung.
2.2.4. Theo dõi đại, tiểu tiện
– Sau đẻ sản phụ thường bị bí tiểu, táo bón do tình trạng liệt ruột hoặc giảm nhu động ruột và liệt cơ bàng quang.
– Nếu sau đẻ 12 giờ mà sản phụ không tự đi tiểu được mặc dù đã được điều trị nội khoa như: xoa vùng bàng quang, chườm nóng, châm cứu… thì phải thông bàng quang, sau đó bơm vào bàng quang 5-10ml dung dịch Glycerin borat 5% để kích thích sự co bóp của bàng quang. Nếu vẫn chưa tự đi tiểu được thì các ngày sau phải rửa bàng quang, sau đó bơm Glycerin borat vào cho đến khi nào sản phụ tự đi tiểu được.
– Nếu sản phụ bị táo bón cần cho thuốc nhuận tràng, khuyên sản phụ nên vận động sớm. Sau 3 ngày không đi ngoài được phải thụt tháo phân hoặc bơm Microlax vào trực tràng. Chú ý, đối với sản phụ sau đẻ không được dùng thuốc tẩy mạnh.
2.3. Chăm sóc sản phụ trong thời kỳ hậu sản
2.3.1. Làm thuốc tầng sinh môn và vùng âm hộ hàng ngày
– Rửa sạch vùng âm hộ, tầng sinh môn và hậu môn cho sản phụ ít nhất 2 lần/ ngày bằng nước chín hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ (Betadin, Providine), sau đó lau khô, thay khố vô khuẩn.
– Không được thụt rửa âm đạo vì cổ tử cung trong những ngày đầu sau đẻ chưa đóng lại, nước có thể qua cổ tử cung vào buồng tử cung gây nhiễm khuẩn ngược dòng.
– Đối với những trường hợp có cắt, khâu tầng sinh môn, sau khi làm thuốc phải thấm khô, đóng khố sạch.
2.3.2. Chăm sóc vú
– Luôn luôn giữ cho vú và đầu vú sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, nứt kẽ đầu vú.
– Khuyên sản phụ cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ để kích thích bài tiết sữa và làm cho tử cung co hồi tốt hơn (do phản xạ đầu vú – tuyến yên).
– Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, cần phải dùng mọi cách để thông ngay như: day, vắt sữa hoặc hút sữa để đề phòng tắc tia sữa dẫn đến áp xe vú.
– Nếu có nứt kẽ đầu vú: ngừng cho bú bên đó, rửa sạch đầu vú, thấm khô và bôi Glycerin borat 5%.
2.3.3. Tắm rửa cho sản phụ
– Lau mình bằng nước ấm từ ngày thứ 2 sau đẻ hoặc có thể tắm vào ngày thứ 3 sau đẻ bằng cách dội nước.
– Không tắm ở nơi có gió lùa, ngâm mình trong bồn nước vì cổ tử cung còn mở.
2.4.Tư vấn cho sản phụ trong thời kỳ hậu sản
2.4.1. Nuôi con bằng sữa mẹ
– Cần nêu lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ:
+ Lợi ích cho trẻ khi được bú sữa mẹ:
- Luôn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, thích hợp cho trẻ nhất là sữa non sau sinh.
- Dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng
- Chứa nhiều chất kháng thể để giúp trẻ kháng lại nhiều bệnh tật nhất là trong những ngày tháng đầu đời.
- Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh.
+ Lợi ích cho mẹ khi cho con bú:
- Giúp tử cung trở lại kích thước và hình dạng bình thường như trước khi mang thai.
Cho con bú cũng có thể giúp tử cung co bóp và đào thải các sản phẩm còn sót lại như nhau thai và màng nhầy, và giúp sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh.
- Làm giảm khả năng phát triển ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh.
+ Lợi ích cho cả mẹ và con: cho con bú giúp tạo ra sự kết nối tình cảm giữa mẹ và bé.
Chỉ người mẹ mới có thể làm công việc cho con bú và đây thực sự là một mối liên kết thiêng liêng mà không ai có thể chia sẻ được.
– Hướng dẫn cho bà mẹ:
+ Cho bú sớm sau sinh trong vòng 1h sau đẻ để tận dụng nguồn sữa non.
+ Cho con bú đúng tư thế.
+ Cho trẻ bú theo nhu cầu.
+ Cai sữa khi trẻ 24 tháng trở lên, không được cai khi trẻ đang ốm. Trong trường hợp cần cai sớm thì cũng chỉ nên cai sữa khi trẻ được 12 tháng.
+ Trong vòng 6 tháng đầu cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không cho trẻ ăn thêm thức ăn khác, không cần cho trẻ uống nước.
+ Vệ sinh núm vú trước và sau khi cho bú.
2.4.2. Chủ động tránh thai
– Cần nêu tác hại của việc có thai trở lại sớm sau đẻ:
+ Sức khoẻ bà mẹ chưa hồi phục đã phải mang thai tiếp theo.
+ Con đẻ trước và thai nhi trong bụng mẹ lần này đều không được nuôi dưỡng chăm sóc tốt.
+ Khoảng cách hai lần đẻ dưới 24 tháng thì tỷ lệ tử vong trẻ em sẽ tăng lên.
+ Nếu phá thai cũng nguy hiểm hơn vì dễ có tai biến và lâu lại sức, ảnh hưởng đến chăm sóc nuôi dưỡng con còn bé.
– Hướng dẫn cho bà mẹ một số biện pháp tránh thai thích hợp trong thời gian ngay sau đẻ và đang nuôi con bú:
+ Biện pháp cho bú vô kinh: cho con bú sữa mẹ có thể kéo dài thời gian xuất hiện trở lại kinh nguyệt, do đó có thể chủ động tránh thai an toàn và hiệu quả.
+ Dùng bao cao su.
+ Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin.
+ Các loại thuốc tránh thai tiêm hay cấy dưới da.
+ Đặt dụng cụ tử cung từ 6 tuần lễ sau đẻ.
2.5. Chế độ ăn uống, mặc, vận động của sản phụ trong thời kỳ hậu sản
– Chế độ ăn: sản phụ sau đẻ phải ăn đủ chất đạm, glucid, lipid, muối khoáng và các vitamin để nuôi dưỡng cơ thể tốt, phục hồi sức khỏe và đảm bảo đủ sữa cho con bú.
Nên ăn nhiều bữa trong ngày, không ăn kiêng khem quá mức. Chỉ kiêng các chất kích thích như rượu, chè, cà phê…
– Quần áo mặc rộng rãi, sạch sẽ, không mặc quần áo quá chật. Mùa hè cần mặc quần áo mỏng, thoáng, thấm mồ hôi. Mùa đông phải mặc đủ ấm.
– Ngủ đủ giấc, mỗi ngày sản phụ cần được ngủ ít nhất 7-8 giờ để phục hồi sức khỏe và đảm bảo đủ sữa cho con bú.
– Chế độ vận động:
+ Nên cho sản phụ nằm trong 24 giờ đầu sau đẻ nhưng có thể vận động tại giường: trở mình, co duỗi chân tay.
+ Sau 24 giờ, đi lại vận động quanh giường. Có thể tập thể dục nhẹ nhàng để tránh táo bón.
– Một tuần sau đẻ có thể làm việc nhẹ nhàng, tránh lao động nặng, lao động sớm sau sinh vì dễ gây nên sa sinh dục.
2.6. Vấn đề giao hợp
– Không giao hợp trong thời kỳ hậu sản vì dễ gây sang chấn và nhiễm khuẩn.