THAI CHẬM PHÁT TRIỂN TRONG TỬ CUNG

I. ĐỊNH NGHĨA

 Khái niệm thai nhẹ cân là khi thai đủ tháng, trọng lượng thai lúc sinh dưới 2500gr

Trong thực tế, khái niệm thai chậm phát triển trong tử cung bao gồm trọng lượng thai tại thời điểm thăm khám và sự phát triển của thai. Để xác định thai thực sự có chậm phát triển hoặc ngừng phát triển thì phải đo kích thước và ước lượng trọng lượng thai ở ít nhất 2 lần thăm khám liên tiếp cách nhau 01 tuần. Tùy từng tác giả, tùy từng nhóm nghiên cứu mà giới hạn của thai chậm phát triển trong tử cung thay đổi, nằm dưới đường bách phân vị thứ 10, thứ 5 hoặc thứ 3.

II. CHẨN ĐOÁN

2.1. Lâm sàng

Không có dấu hiệu đặc tưrng

Có thể có một số gợi ý:

– Tiền sử đẻ con chậm phát triển trong tử cung

– Mẹ tăng cân ít hơn bình thường

– Chiều cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai

– Phát hiện được một số nguyên nhân: HA cao, mẹ bị bệnh lý mạn tính…

2.2. Siêu âm

Là phương pháp giúp chẩn đoán hữu hiệu

So sánh đối chiếu các kích thước của thai nhi với kích thước chuẩn ( các chỉ số về kích thước thai được xây dựng dựa trên các nghiên cứu mô tả cắt ngang) đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung cân đối hay không cân đối

2.2.1. Chỉ số: đường kính lưỡng đỉnh 70% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có kích thước đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai

2.2.2. Chỉ số: chu vi bụng

Đây là một chỉ số thường được sử dụng nhất để dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung. Chu vi bụng có giá trị dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung cao hơn chỉ số đường kính lưỡng kính, chu vi đầu và chiều dài xương đùi.

Tốc độ tăng trưởng của đường kính chu vi bụng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung ở một số trường hợp người mẹ không nhớ chính xác ngày kinh, không đánh giá được tuổi thai, nếu tốc độ tăng của chu vi bụng dới 10 mm trong 15 ngày thì có thể nghĩ tới thai chậm phát triển trong tử cung.

2.2.3. Chỉ số: chiều dài xương đùi

Chỉ số này không có giá trị đặc biệt trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.

2.2.4. Tình trạng nước ối

Có đến 90% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có tình trạng thiểu ối, ngược lại nếu kèm theo đa ối thì phải nghĩ tới các nguyên nhân thai bất thường như rối loạn NST, bệnh lý gen..

2.2.5. Độ trưởng thành bánh rau

Không có nhiều giá trị trong chẩn đoán và dự báo thai chậm phát triển trong tử cung.

2.2.6. Ước lượng trọng lượng thai

Rất khó để có một công thức tính chính xác trọng lượng thai nhi trong tử cung, chúng ta chỉ có thể ước đoán trọng lượng thai trong khoảng cộng trừ 10 % của giá trị trung bình, đối chiếu với biểu đồ phát triển trọng lượng thai theo tuổi thai để chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung. Ngoài ra còn một số chỉ số tham khảo khác như: chu vi đùi, tỷ lệ giữa chiều dài xương đùi và chu vi đùi, tỷ lệ giữa chu vi đầu và chu vi bụng…

2.2.7. Chỉ số Doppler động mạch

– Doppler động mạch rốn và động mạch tử cung bình thường : Ít nguy cơ biến chứng trong thời kỳ chu sinh, thường gặp trong thai chậm phát triển trong tử cung do nguyên nhân bất thường NST

– Doppler động mạch tử cung bất thường: là dấu hiệu  bệnh lý hệ tuần hoàn của người mẹ, sản phụ có nguy cơ tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp trong những tháng cuối dẫn tới thai chậm phát triển trong tử cung, nguy cơ thai chết lưu trong tử cung. Theo dõi huyết áp định kỳ, số lượng tiểu cầu, chức năng gan thận nhằm phát hiện sớm nguy cơ cho mẹ và thai để có quyết định chấm dứt thai nghén ở thời điểm thích hợp.

III. THÁI ĐỘ XỬ TRÍ

– Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu

– Phải theo dõi rất chặt chẽ và tư vấn kỹ cho sản phụ và gia đình

–  Điều trị THA với những trường hợp xác định thai chậm phát triển trong tử cung do mẹ rối loạn THA thai kỳ.

– Chế độ nghỉ ngơi, hạn chế lao động nặng

– Cải thiện cung cấp oxy cho mẹ và truyền dung dịch đường tăng thể tích tuần hoàn được khuyến cáo cho một số trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung nặng ở cuối quý 2 của thai kỳ, tuy nhiên phương pháp này cũng không cho kết quả khả quan.

– Tìm nguyên nhân: nếu xác định thai bất thường nhiễm sắc thể, đa dị tật, nhiễm CMV thì nên đình chỉ thai nghén. Nếu chỉ có 1 dị tật đơn độc thì hội chẩn với các trung tâm chẩn đoán trước sinh, với bác sỹ phẫu thuật nhi để có hướng xử trí ngay sau khi sinh.

– Dùng corticoid cho tuổi thai từ 28 đến hết 34 tuần: Bethamethasone 12mg, 2 liều tiêm bắp cách nhau 24h. Hoặc Dexamethasone 6mg/lần, tiêm bắp 4 lần cách nhau 12h.

– Theo dõi liên tục nhịp tim thai bằng Monitoring sản khoa:

+ Theo dõi từ tuổi thai 26 tuần

+ Đánh giá độ dao động của tim thai và biến đổi của nhịp tim thai.

– Theo dõi không can thiệp: nhịp tim thai dao động kém, thai dưới 28 tuần, cân nặng dưới 800gr

– Đình chỉ thai nghén ( ĐCTN) chỉ đặt ra sau khi cân nhắc tuổi thai, tình trạng của người mẹ, tiền sử sản khoa, và đặc biệt là các bệnh lý kèm theo kết hợp với một số biến đổi trên Monitoring. ĐCTN đặt ra trong một số trường hợp sau:

+ Tuổi thai trên 31 tuần khi nhịp tim thai dao động kém, dao động độ không liên tục qua một số lần theo dõi, nhịp chậm đơn độc, kéo dài, lặp lại nhiều lần

+ Tuổi thai từ 34 tuần khi Doppler động mạch rốn với dòng tâm trương bằng không và bất thường Doppler động mạch não, thai có biểu hiện ngừng tiến triển

+ Tuổi thai từ 37 tuần khi bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor.

Lu ý: Doppler động mạch rốn bình thường kiểm tra lại sau 8 ngày, đánh giá sự phát triển thai 15 ngày một lần. Doppler động mạch rốn bất thường nhưng tốc độ dòng tâm trương chưa bằng không, theo dõi nhịp tim thai liên tục trên Monitoring 3 lần một tuần và đánh giá sự phát triển thai, kết hợp Doppler động mạch não.

– Cách thức đẻ: trường hợp chuyển dạ tự nhiên hoặc đình chỉ thai nghén nếu không có chống chỉ định đẻ đường dưới thì theo dõi như một cuộc đẻ thường. Trờng hợp suy thai, ối giảm, có thêm các yếu tố bất lợi khác như ngôi ngược, rau bám thấp… thì mổ lấy thai và luôn phải có bác sỹ hồi sức sơ sinh tham gia vào thời điểm lấy thai.

IV. PHÒNG BỆNH

– Tư vấn di truyền cho cặp vợ chồng nếu xác định nguyên nhân thai chậm phát triển trong tử cung do bất thường NST hoặc bệnh lý gen cho các lần mang thai tiếp theo. Từ bỏ một số thói quen xấu như nghiện hút, uống rượu, dùng chất kích thích trước khi mang thai. Cải thiện chế độ dinh dưỡng và làm việc.

– Trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung do nguyên nhân tuần hoàn của người mẹ có thể điều trị dự phòng bằng Aspirin liều thấp từ tuần thứ 15 của thai kỳ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *