TĂNG HUYẾT ÁP LÀ GÌ VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY TĂNG HUYẾT ÁP
1. Huyết áp là gì và Tại sao huyết áp lại quan trọng?
Mọi người đều có và cần huyết áp. Nếu không có huyết áp, máu không tuần hoàn được trong cơ thể của con người. Nếu không có tuần hoàn máu, các cơ thể sống không nhận đủ oxy và dinh dưỡng để hoạt động theo nhu cầu.
Huyết áp được hiểu nôm na là áp lực của dòng máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo bởi là do sức co bóp hút – đẩy máu của tim và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp còn bị chi phối nhiều bởi nhịp tim, các yếu tố gây co mạch, thể tích tuần hoàn… Nếu bạn là người khỏe mạnh, động mạch của bạn có tính đàn hồi.
2. Thế nào là Huyết áp bình thường và bị Tăng huyết áp?
Khi bạn đo huyết áp, có hai trị số huyết áp, ví dụ: 117/78 mmHg. Số ở trên hay số lớn hơn gọi là huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) phản ánh huyết áp của động mạch khi tim bóp. Số ở dưới hay số nhỏ hơn gọi là huyết áp tối thiểu (hay huyết áp tâm trương) phản ánh huyết áp khi tim giãn ra trong một chu kỳ co bóp của quả tim.
Bình thường, huyết áp của người lớn là dưới 120/80 mmHg.
Khi huyết áp từ120-139/80-89 được coi là “huyết áp bình thường – cao”. Nếu bạn là người lớn và huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, bạn đã bị tăng huyết áp (THA). Nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, con sốhuyết áp của bạn tốt nhất là dưới 130/80 mmHg.
Nếu huyết áp của bạn cao hơn ngưỡng này, bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần điều trị. Bác sỹ của bạn có thể cần phải đo huyết áp vài lần nữa trong một khoảng thời gian trước khi khẳng định bạn bị tăng huyết áp.
3. Nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp?
a. Tăng huyết áp tiên phát
Khoảng 90-95 % các trường hợp bị tăng huyết áp là không có nguyên nhân trực tiếp (hay còn gọi tăng huyết áp tiên phát). Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp. Chúng được gọi là yếu tố nguy cơ.
-Yếu tố nguy cơ bạn có thể điều chỉnh được:
+ Thừa cân và Béo phì: Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.
+ Ăn nhiều muối: làm tăng huyết áp ở một sốngười.
+ Hút thuốc lá gây co mạch và tăng xơ vữa mạch.
+ Rượu: uống rượu nặng và thường xuyên có thể gây THA đột ngột.
+ Thiếu vận động: một cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân và làm tăng nguy cơ bị THA.
+ Stress: nó được đề cập đến như một yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, mức độ stress rất khó đánh giá và thay đổi theo từng người.
– Yếu tố nguy cơ bạn không thể điều chỉnh được:
+ Chủng tộc: Ví dụ: người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tăng huyết áp hơn người Capcasians, và có xu hướng tăng huyết áp sớm hơn và nặng hơn.
+ Di truyền: tăng huyết áp có xu hướng di truyền. Nếu bố mẹhoặc những người thân của bạn bị tăng huyết áp, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn.
+ Tuổi: Nhìn chung, tuổi càng cao bạn càng dễ bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường xảy ra ở người trên 35 tuổi. Đàn ông thường bắt đầu bị tăng huyết áp từ 35-50. Phụ nữ có thể bị tăng huyết áp sau mãn kinh.
b. THA thứ phát
Có khoảng < 10% số người bị tăng huyết áp là do một bệnh hoặc yếu tố nào nào đó gây ra. Đây gọi là THA thứ phát, hay THA có căn nguyên.
Khi bạn bị THA xuất hiện sớm (khi còn trẻ) hoặc THA rất khó khống chế thì cần tìm hiểu kỹ xem có nguyên nhân nào không. Những nguyên nhân gây THA thứ phát thường gặp là:
+ Các bệnh lý về thận: Viêm cầu thận cấp; Viêm cầu thận mạn tính; Sỏi thận, niệu quản; Hẹp động mạch thận…
+ Các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp; cường tuyến yên; bệnh u tế bào ưa crom (u tủy thượng thận); u vỏ thượng thận…
+ Các bệnh lý mạch máu và tim: Hở van động mạch chủ; hẹp eo động mạch chủ; bệnh Takayasu…
+ Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén.
+ Tăng huyết áp do dùng một sốthuốc: thuốc chữa ngạt mũi, chữa hen; thuốc tránh thai; thuốc đông y như cam thảo…
+ Tăng huyết áp do yếu tố tâm thần: lo lắng, sợ sệt quá mức…
4. Tăng huyết áp có triệu chứng gì không?
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì.
Trên thực tế, rất nhiều người bịtăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bịcác biến chứng nguy hiểm do THA gây ra rồi mới biết mình bị THA. Đó là lý do tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp là đo huyết áp. Bác sỹ hoặc nhân viên y tế có thể đo huyết áp cho bạn. Hãy tham khảo ở bảng sau để biết mức độ huyết áp của bạn.