LANG BEN
ĐẠI CUƠNG
1.Định nghĩa
Lang ben (pityriasis versicolor) là bệnh da thường gặp. Ở một số vùng nhiệt đới có tới 30-40% dân số đã từng bị. Khí hậu ấm và ẩm là điều kiện tốt cho nấm phát triển.
Bệnh hay gặp ở tuổi thiếu niên và người trẻ. Một số yếu tố thuận lợi như vùng da dầu, mồ hôi quá nhiều, suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng kém, mang thai và sử dụng corticosteroid…
2. Nguyên nhân
Lang ben do nấm thuộc nhóm Malassezia gây nên. Hiện nay đã xác định vàphân loại được 12 chủng ưa mỡ Malassezia khác nhau, trong đó có 8 chủng hay gây bệnh cho người: M. sympodialis, M. globosa, M. restricta, M. slooffiae, M. furfur, M. obtusa và mới được phân lập là M. dermatis, M. japonica , M. yamotoensis, M. nana , M. caprae và M. equina.
CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
– Tổn thương là dát hình tròn hay hình bầu dục trên có vảy da mỏng. Có thể cào nhẹ trên bề mặt tổn thương để phát hiện vảy da trong trường hợp khó phát hiện (dấu hiệu vỏ bào). Các tổn thương liên kết với nhau thành mảng lớn hình nhiều cung. Vị trí thường gặp ở vùng da tiết bã, đặc biệt là vùng ngực và vùng liên bả vai. Ngoài ra, tổn thương có thể gặp ở mặt (thường gặp ở trẻ em), da đầu, khoeo, dưới vú vàbẹn.
– Màu tổn thương hay gặp nhất là màu nâu (tăng sắc tố) và nâu vàng (giảm sắc tố); thỉnh thoảng có hiện tượng viêm nhẹ (màu hồng).
– Dưới ánh sáng đen Wood, tổn thương lang ben có màu vàng sáng hoặc vàng huỳnh quang. Màu huỳnh quang được phát hiện ở vùng rìa của tổn thương.
– Bệnh nhân có thể có ngứa nhẹ nhất là khi thời tiết nóng bức.
2. Xét nghiệm
– Soi trực tiếp: hình ảnh bào tử xen kẽ với sợi nấm ngắn từ bệnh phẩm được lấy bằng băng dính hoặc cạo vảy da ở thương tổn.
– Nuôi cấy: khi nuôi cấy Malassezia cần phủ trên đó lớp dầu bởi khả năng ưa dầu tự nhiên của nấm.
3. Chẩn đoán xác định
– Tổn thương da tăng hoặc giảm sắc tố, vảy da mỏng
– Đèn wood thấy có màu huỳnh quang vàng.
– Soi tươi thấy hình ảnh bào tử xen kẽ với sợi nấm ngắn.
4. Chẩn đoán phân biệt
– Chàm khô (pityriasis alba)
– Giảm sắc tố sau viêm của các bệnh lý khác
– Bạch biến
– Phong thể I
– Viêm da dầu
– Vảy phân hồng Gilbert
– Nấm thân
– Giang mai II.
– Viêm nang lông do nguyên nhân khác, đặc biệt viêm nang lông có ngứa và trứng cá.
ĐIỀU TRỊ
1.Điều trị bệnh
– Thuốc chống nấm tại chỗ: ketoconazol (1-2%) hoặc selenium sulfid (2,5%) có hiệu quả. Điều trị 2 lần/tuần trong 2 đến 4 tuần. Để thuốc trong 10-15 phút rồi rửa.
– Các thuốc khác như nhóm azol, allylamin dạng kem và dung dịch, glycol propylen, nystatin, axit salicylic.
+ Terbinafin 1%
+ Clotrimazol 1%
+ Ciclopiroxolamin 1%
Bôi ngày 1-2 lần, thời gian bôi thuốc đến khi tổn thương khỏi (ít nhất từ 3 – 4 tuần)
+ Mỡ salicyle: mỡ salicyle có tác dụng bạt sừng mạnh, có nhiều loại hàm lượng 1% -60%. Mỡ salicylat 5% ngày bôi 2-4 lần
– Điều trị thuốc kháng sinh đường toàn thân:
+ Ketoconazol 200 mg/ngày x 5-7 ngày
+ Itraconazol 100-200 mg/ngày x 5 ngày
+ Fluconazol 300 mg/tuần x 2 tuần
2. Phòng tái phát:
+ Loại bỏ và hạn chế các yếu tố thuận lợi.
+ Sử dụng dầu gội ketoconazol 1 lần/tuần như xà phòng.
+ Ketoconazol 400 mg x 1 lần/tháng
+ Fluconazol 300 mg x 1 lần/tháng
+ Itraconazol 400 mg x 1 lần/tháng
Lưu ý: các thuốc điều trị bằng đường toàn thân có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là cho gan, thận vì vậy cần được xét nghiệm trước khi chỉ định và trong quá trình điều trị.