VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO AMIP (ACANTHAMOEBA)
I. ĐỊNH NGHĨA
Loét giác mạc do acanthamoeba là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc do acanthamoeba.
II. NGUYÊN NHÂN
Acanthamoeba là sinh vật đơn bào (amoeba) có nhiều trong không khí, đất, nước nguồn tự nhiên, tồn tại ở 2 dạng: dạng hoạt động (gây viêm loét giác mạc) và dạng nang (dạng này rất bền vững với mọi tác động hóa, lý do đó tồn tại rất lâu trong môi trường). Bệnh thường gặp ở những người đeo kính tiếp xúc không đúng cách, sau sang chấn ở mắt (bụi, que chọc, đất cát bắn vào mắt).
III. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
+ Triệu chứng cơ năng
– Nhìn mờ, chói, chảy nước mắt.
– Đau nhức rất nhiều (đôi khi không tương xứng với tổn thương trên giác mạc).
+ Triệu chứng thực thể
– Giai đoạn sớm (1-4 tuần đầu): tổn thương không điển hình với những ổ viêm quanh rìa. Đôi khi có viêm giác mạc chấm nông hoặc loét giác mạc hình cành cây (giống viêm loét giác mạc do herpes).
– Giai đoạn muộn: giác mạc có ổ loét tròn hoặc hình bầu dục, xung quanh có vòng thẩm lậu đặc (áp xe vòng). Có thể có mủ tiền phòng.
– Khi bệnh tiến triển, áp xe lan vào các lớp sâu của giác mạc và ra củng mạc. có thể lan vào nội nhãn.
2. Cận lâm sàng
+ Soi tươi
– Bệnh phẩm: là chất nạo ổ loét.
– Phương pháp nhuộm: Giemsa hoặc Gram.
– Thấy hình ảnh nang của acanthamoeba hình sao hoặc đa diện với 2 lớp vỏ, diện tích gần bằng tế bào biểu mô, bắt màu đỏ tím.
– Nuôi cấy: trên môi trường thạch nghèo có thể quan sát được thể hoạt động của acanthamoeba.
3. Chẩn đoán xác định
– Bệnh nhân đau nhức nhiều (triệu chứng đau đôi khi không tương xứng với tổn thương trên giác mạc).
– Ổ loét giác mạc hình tròn hoặc bầu dục, xung quanh có thể có áp xe vòng.
– Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét phát hiện thấy acanthamoeba.
4. Chẩn đoán phân biệt
– Loét giác mạc do vi khuẩn: ổ loét giác mạc ranh giới không rõ, đáy thường phủ một lớp hoại tử bẩn. Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy vi khuẩn.
– Loét giác mạc do nấm: ổ loét ranh giới rõ, bờ gọn thường có hình tròn hoặc hình bầu dục. Đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử dày, đóng thành vảy gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc. Từ ổ loét có thể có những nhánh thẩm lậu chạy vào nhu mô (thẩm lậu hình lông vũ), có thể có những ổ áp xe nhỏ xung quanh ổ loét (ổ áp xe vệ tinh). Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy nấm.
– Loét giác mạc do herpes: ổ loét giác mạc điển hình có hình cành cây hoặc địa đồ, xung quanh thẩm lậu ít, cảm giác giác mạc giảm. Xét nghiệm tế bào học chất nạo bờ ổ loét sẽ thấy một trong các hình ảnh: tế bào nhiều nhân, hiện tượng đông đặc nhiễm sắc chất quanh rìa nhân, tế bào thoái hóa nhân trương hoặc tìm thấy tiểu thể Lipschutz. Xét nghiêm PCR chất nạo bờ ổ loét hoặc thủy dịch sẽ tìm được gen của virus herpes.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc chung
– Điều trị nguyên nhân: bằng thuốc đặc hiệu.
– Thuốc chống viêm (không dùng corticosteroid) tra tại mắt và đường uống.
– Thuốc giãn đồng tử, liệt cơ thể mi tra tại mắt.
– Thuốc dinh dưỡng: tra tại mắt và uống.
– Điều trị ngoại khoa: gọt giác mạc, ghép giác mạc.
2. Điều trị cụ thể
Điều trị nguyên nhân: thường dùng phối hợp các loại thuốc
– Thuốc đặc hiệu: propamidin isethionat 0,1% tra 2 giờ/lần.
– Phối hợp 3 kháng sinh tra mắt: neomyxin, polymyxin B và gramicidin tra 8-10 lần/ngày.
– Kháng sinh chống nấm nhóm imidazol: tra tại mắt hoặc uống ketoconazol 200mg x 2 viên/ngày hoặc itraconazol 100 mg x 2 viên/ ngày (thường uống 1 lần sau ăn).
– Chấm lugol 5%: trong trường hợp ổ loét rộng, nông.
– Thuốc chống viêm non-steroid: tra mắt indomethacin.
– Uống thuốc chống viêm giảm phù nề.
– Tra mắt Atropin 1%, 2%.
– Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và toàn thân.
V. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
1. Tiến triển
Loét giác mạc do acanthamoeba thường tiến triển chậm, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi. Tuy nhiên, bệnh thường để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực.
2. Biến chứng
– Loét giác mạc dọa thủng (phồng màng Descemet).
– Tăng nhãn áp.
– Trường hợp nặng có thể gây thủng giác mạc, viêm mủ nội nhãn.
VI. PHÒNG BỆNH
– Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, đi đường bụi hoặc lao động phải đeo kính bảo vệ mắt. – Khi bị chấn thương mắt, đặc biệt là các chấn thương vào giác mạc, cần phải đến khám và điều trị tại các cơ sở nhãn khoa. Không được tự ý mua thuốc về điều trị.
– Khi đeo kính tiếp xúc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đeo cũng như vệ sinh kính hàng ngày.