Contents
TẮC LỆ ĐẠO BẨM SINH Ở TRẺ EM
I. ĐỊNH NGHĨA
Là tình trạng bít tắc ống dẫn nước mắt từ lỗ lệ xuống khe mũi dưới (Tắc ống lệ mũi) xảy ra ở khoảng 15% trẻ sơ sinh, thường xuất hiện từ ngày 12 – 18 sau sinh.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
a. Hỏi bệnh: chảy nước mắt sống, mắt long lanh ngấn lệ dù không khóc, chảy ghèn thường xuyên một hoặc hai mắt từ sau sanh.
b. Khám lâm sàng
• Long lanh nước mắt, có thể có mủ dính mi.
• Trào chất nhầy qua lỗ lệ khi ấn vào vùng túi lệ.
• Vùng da xung quanh góc trong đỏ, phù nề khi có viêm túi lệ.
• Khám để loại trừ nguyên nhân khác gây chảy nước mắt như Glaucome, VKMSS, quặm.
c. Cận lâm sàng: Test fluorescein (+) (Nếu có điều kiện).
2. Chẩn đoán
• Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng.
• Chẩn đoán phân biệt:
– Tắc lệ mũi do bất thường ở xương (loạn sản sọ mặt, hở hàm ếch)
– Viêm kết mạc sơ sinh: chảy nước mắt kèm kết mạc đỏ phù nề, nhiều chất tiết, mủ vàng. Nhuộm Gram mủ mắt thấy vi trùng.
– Quặm bẩm sinh: chảy nước mắt sống, bờ mi cụp vào trong, lông mi cọ vào nhãn cầu.
– Glaucome bẩm sinh: GM to, chảy nước mắt; rạn nứt màng Descemet.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị bảo tồn
Massage vùng túi lệ 2 – 4 lần/ngày, làm mỗi ngày liên tục trong 4 tuần (hướng dẫn cho người mẹ biết cách làm: đặt ngón tay trỏ lên điểm lệ quản chung ở góc trong mắt, vuốt xuống nhiều lần liên tục).
– KS nếu có nhiễm trùng: sử dụng Col. Tobramycin 0,3% nhỏ mắt 6 lần/ngày kèm theo uống Amoxycillin (20 – 40 mg/kg/ngày chia 3 lần.)
2. Thông lệ đạo
Thông lệ đạo, thường được thực hiện lúc trẻ > 4 tháng tuổi vẫn còn nhiều mủ nhầy. Đa số đạt kết quả tốt sau thông lần đầu. 1 số bé phải thông lệ đạo nhiều lần.
3. Đặt ống Silicon
Chỉ định khi:
– Nếu thông lệ đạo 3 lần thất bại.
– Trên 1,5 tuổi.
– Que thông lệ đạo có nhiều đoạn bị dừng.
IV. THEO DÕI
– Cần khám lại nhiều lần để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
– Nếu trẻ đã được điều trị bảo tồn nhưng nhiễm trùng lệ đạo vẫn dai dẳng hoặc tái phát thì cần chỉ định thông lệ đạo.