UNG THƯ THỰC QUẢN

UNG THƯ THỰC QUẢN

 

ĐẠI CƯƠNG

1. Định nghĩa

Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đoạn 1/ 3 trên và 1/3 giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy nhạy cảm với tia xạ, hoá chất. Đoạn 1/3 dưới hay gặp ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm với tia xạ, hoá chất.

2. Nguyên nhân

Về nguyên nhân, có một số yếu tố được coi là tác nhân gây ra ung thư thực quản như hút thuốc lá, rượu mạnh. Thuốc lá là quan trọng nhất. Người nghiện thuốc lâu năm có nguy cơ mắc ung thư thực quản khá cao. Thói quen ăn nóng, uống nước nóng của dân bắc Trung quốc làm cho tỷ lệ mắc khá cao. Một số nguyên nhân khác như chất nitrosamin có trong mắm, dưa muối, bệnh ngắn niêm mạc thực quản cũng liên quan đến bệnh ung thư thực quản.

CHẨN ĐOÁN

1. Biểu hiện lâm sàng

– Nuốt nghẹn: Ung thư thực quản thường gặp ở người trên 50 tuổi. Nuốt nghẹn là triệu chứng thường gặp nhất nhưng không đặc hiệu. Khở đầu có cảm giác nuốt vướng sau xương ức. Nuốt nghẹn mơ hồ, nhận thấy tương đối rõ khi nuốt thức ăn đặc. Nghẹn tăng dần và biểu hiện ngày càng rõ. Bệnh nhân nghẹn khi ăn thường dừng lại uống nước hoặc canh. Quá trình bệnh tăng dần, lúc đầu khó nuốt với thức ăn đặc về sau khó nuốt với thức ăn lõng. Cuối cùng, uống nước cũng nghẹn.

– Trớ: Triệu chứng trớ là do khối u cản trở thức ăn, dịch tiết thực quản, nước bọt đọng lại, khi ngủ trớ ra ngoài. Dịch trớ lạc vào đường thở gây nên hiện tượng viêm đường hô hấp kéo dài, trội lên từng đợt. Bệnh nhân hầu như không nôn.

– Triệu chứng khác: Đau sau xương ức. Cảm giác đau mơ hồ, dai dẳng. Khàn tiếng mức độ vừa do viêm đường hô hấp trên hoặc khàn rõ như tiếng vịt đực do u hoặc hạch di căn xâm lấn thần kinh quặt ngực. Rò thực quản – khí phế quản: ho khạc liên miên, đau ngực dai dẳng, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Triệu chứng thực thể nghèo nàn, đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên.

– Triệu chứng toàn thân:Bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút > 5 kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng. Da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ. Mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất. Bệnh nhân nuốt nghẹn càng nhiều càng biểu hiện rõ tình trạng mất nước mãn tính, suy dinh dưỡng và suy kiệt.

2. Chẩn đoán hình ảnh

– Chụp thực quản cản quang: Chụp thực quản có uống thuốc cản quang rất cần thiết. Dùng ba rýt pha tương đối đặc, uống ngụm lớn rồi chụp ngay sau khi nuốt. Đối với bệnh nhân ho khạc nhiều, nghi rò thực quản – khí phế quản thì dùng thuốc cản quang tan trong nước, không dùng ba rýt. Hình ảnh Xquang có thể thấy u lồi vào lòng thực quản, nhiễm cứng thành thực quản, ổ loét. Đoạn thực quản trên u có thể bị giãn to, lệch trục so với trục của thực quản bình thường. Chụp thực quản cho phép nhận định được tổn thương vị trí khối u ở 1/3 trên, giữa hay dưới. Phim thực quản còn có ích khi chuẩn bị soi thực quản, tránh biến chứng khi soi. Bên cạng hình ảnh thực quản, phim chụp còn cho phép phát hiện di căn phổi, hình ảnh viêm phế quản phổi, rò thực quản – khí phế quản.

– Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh X-quang thực quản chỉ cho thấy các biến dạng trong lòng thực quản, sự lệch trục và vị trí tổn thương nhưng khó đánh giá sự lan rộngẩ ngoài của khối u. CT giúp đánh giá mức độ lan rộng của u ở thành thực quản và sự xâm lấn vào tổ chức xung quanh thực quản và trung thất, đánh giá khả năng cắt bỏ được thực quản hay không. CT còn phát hiện hạch to, có giá trị xếp loại giai đoạn bệnh.

– Chẩn đoán quyết định: Nội soi sinh thiết u.Nội soi thực quản phát hiện khối u. Đánh giá kích thước u, mức lan của u trong lòng thực quản, vị trí u so với cung răng trên, u 1 ổ hay nhiều ổ. Sinh thiết bờ tổn thương để chẩn đoán giải phẫu bệnh, phân loại ung thư biểu mô vảy hay ung thư biểu mô tuyến, mức độ độ biệt hoá cao, vừa hay thấp của ung thư. Lưu ý sinh thiết có thể gặp âm tính giả do ung thư hoại tử nhiều, lấy bệnh phẩm là mô hoại tử. Nhằm tránh nhầm lẫn này cần sinh thiết nhiều mảnh, ở rìa tổn thương. Người soi phải quan sát đại thể bệnh phẩm, phân biệt mô u, mô hoại tử, mô lành để quyết định chọn mẫu sinh thiết đúng.

3. Chẩn đoán phân biệt

Ung thư thực quản cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh không phải khối u nhưng gây nuốt nghẹn. Túi thừa thực quản, co thắt tâm vị, nuốt nghẹn do rối loạn tâm thần, viêm hẹp thực quản do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, sẹo hẹp thực quản do uống nhầm a xít, xút, nuốt mật nóng. Hỏi quá trình bệnh, tuổi, tính chất và tiến triển của nuốt nghẹn, chụp phim thực quản có thể phân biệt được. Nội soi cũng có tác dụng tốt. Một số bệnh khối u như u vùng cổ và trung thất đè vào thực quản, ung thư tâm phình vị dạ dày cũng gây nuốt nghẹn. Ngoài ra, có thể gặp tình trạng ung thư nhiều ổ vùng mũi họng, phế quản phối hợp đồng thời với ung thư thực quản nên cần nội soi mũi họng, khí phế quản một cách có hệ thống trong quá trình chẩn đoán.

4. Chẩn đoán giai đoạn

Chẩn đoán giai đoạn bệnh của ung thư thực quản dựa vào phân loại khối u (T), hạch khu vực (N), di căn xa (M) của Uỷ ban chống Ung thư quốc tế (UICC) năm 1997, cập nhật năm 2005.

Xếp loại

Tiêu chuẩn

Xếp loại u nguyên phát (T)

Tx: Chưa đánh giá được khối u

To: Chưa thấy u nguyên phát.

Tis: Ung thư tiền xâm lấn, ung thư tại chỗ

T1: U xâm lấn niêm mạc hoặc dưới niêm mạc

T2: U xâm lấn đến lớp cơ

T3: U xâm lấn lớp áo của cơ, lớp thanh mạc

T4: U xâm lấn tổ chức quanh thực quản

Xếp loại hạch khu vực (N)

Nx: Chưa đánh giá được hạch di căn.

No: Chưa di căn hạch khu vực.

N1: Có di căn hạch khu vực.

Xếp loại di căn xa (M)

Mx: Chưa đánh giá được di căn xa.

Mo: Chưa di căn xa

M1: Có di căn xa

*Đối với ung thư thực quản 1/3 dưới:

M1a: Di căn hạch vành vị

M1b: Di căn xa nơi khác

*Đối với ung thư thực quản 1/3 trên:

M1a: Di căn hạch cổ

M1b: Di căn xa nơi khác

*Đối với ung thư thực quản 1/3 giữa:

M1a: Không áp dụng

M1: Di căn xa

-Xếp giai đoạn bệnh:

GĐ 0: Tis N0 M0

GĐ I: T1 N0 M0

GĐ IIA : T2/3 N0 M0

GĐ IIB : T1/T2 N1 M0

GĐ III : T3N1, T4N0M0

GĐ IV : T0-4 N0/1M1

GĐ IVA : T0-4 N0/1M1a

GĐ IVB : T0-4 N0/1M1b

– Chẩn đoán ung thư thực quản dựa vào biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, nội soi và sinh thiết khối u.

ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc chung

– Điều quan trọng nhất trong điều trị ung thư thực quản là phối hợp về nâng đỡ dinh dưỡng, chỉ định hợp lý đối với vị trí u, mức độ xâm lấn u và di căn hạch.

– Nâng đỡ dinh dưỡng phải bắt đầu sớm và đầy đủ trước khi bắt đầu mọi biện pháp điều trị cơ bản, triệt căn hay không triệt căn. Lựa chọn biện pháp điều trị cơ bản một cách mềm dẻo, phù hợp với từng điều kiện.

– Đối với ung thư biểu mô vảy giai đoạn sớm, phẫu thuật có kết quả gần tương đương với tia xạ đơn thuần liều cao, hoá chất đơn thuần không kết quả. Đối với ung thư biểu mô tuyến giai đoạn sớm, phẫu thuật có kết quả hơn tia xạ đơn thuần liều cao, hoá chất đơn thuần không kết quả. Ung thư thực quản 1/3 trên phẫu thuật khó khăn nên thường sử dụng tia xạ và hoá chất phối hợp. Ung thư thực quản 1/3 giữa khi u < 3 cm nên phẫu thuật, u > 3 cm cần cân nhắc, u > 5 cm thường kèm theo di căn hạch, kết quả phẫu thuật kém hơn sử tia xạ và hoá chất phối hợp. Ung thư thực quản 1/3 dưới hầu hết là ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm tia xạ, vì vậy cần phẫu thuật đơn thuần giai đoạn I và IIA, phẫu thuật có tia xạ và hoá chất bổ trợ giai đoạn II B và III.

– Phẫu thuật, về lý luận là biện pháp điều trị có tính chất triệt căn nhất.

+ Trên thực tế, số bệnh nhân có khả năng mổ được và có khả năng cắt được tương đối ít. Số bệnh nhân không mổ được chiếm đa số, phần vì chẩn đoán muộn, phần khác do tuổi cao, bệnh nội khoa phối hợp và không ít bệnh nhân từ chối mổ. Hơn nữa, phẫu thuật thực quản luôn luôn là nặng, biến chứng về miệng nối, biến chứng phổi và màng phổi phức tạp. Do vậy, cần lựa chọn kỹ để chỉ định phẫu thuật.

+ Về vị trí u, nên mổ đối với 1/3 dưới, không mổ đối với 1/3 trên, cân nhắc kỹ đối với 1/3 giữa. Về giai đoạn bệnh, nên mổ đối với giai đoạn I và II, cân nhắc kỹ đối với giai đoạn III, không mổ đối với giai đoạn IV.

+ Về tình trạng toàn thân, phân biệt giữa điều kiện cho phép phẫu thuật và điều kiện không cho phép phẫu thuật . Điều kiện cho phép phẫu thuật là tuổi < 75, chức năng hô hấp > 75%, không bệnh nội khoa nặng (đái đường, suy tim, suy thận, xơ gan, tai biến mạch máu não). Điều kiện không cho phép phẫu thuật là tuổi > 75, chức năng hô hấp < 75%, có bệnh nội khoa nặng. Có chỉ định mổ nhưng việc chọn lựa phương pháp mổ cũng cần được cân nhắc kỹ sao cho thích hợp nhất và tránh được nguy cơ tử vong cao.

– Tia xạ là biện pháp điều trị có lợi thế cao, nhất là có trang bị máy gia tốc. Tia xạ triệt căn đối với giai đoạn I,II điều kiện không cho phép phẫu thuật hoặc bệnh nhân từ chối mổ. Tia xạ bổ trợ trước mổ ít dùng. Tia xạ bổ trợ sau mổ nhằm hạn chế tái phát tại chỗ và tại vị trí lân cận. Điều trị tia xạ đơn thuần hoặc phối hợp với hoá chất đối với giai đoạn muộn nhằm giảm nghẹn, hạn chế xâm lấn của u, kéo dài thời gian sống thêm.

– Điều trị hoá chất đơn thuần không thể triệt căn. Điều trị hoá chất bổ trợ sau mổ triệt căn nhằm hạn chế vi di căn xa. Điều trị hoá chất phối hợp với tia xạ có tác dụng nhất định đối với ung thư thực quản giai đoạn muộn nhằm giảm nghẹn, hạn chế xâm lấn của u, kéo dài thời gian sống thêm.

2. Chỉ định điều trị

Giai đoạn I, II, u 1/3 trên, tuổi > 60: Tia xạ triệt căn tại u + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn III, u 1/3 trên, tuổi > 60: Tia xạ triệt căn tại u và tại hạch + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn I, II, u 1/3 trên, tuổi < 60: Tia xạ triệt căn phối hợp với hoá chất + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn I, II, u 1/3 giữa và 1/3 dưới, điều kiện cho phép phẫu thuật: Phẫu thuật cắt và tái tạo thực quản, vét hạch đối với T1/2N1M0, có thể không vét hạch đối với T1/2N0M0.

Giai đoạn I, II, u 1/3 giữa và 1/3 dưới, điều kiện không cho phép phẫu thuật hoặc bệnh nhân từ chối mổ: Tia xạ triệt căn phối hợp với hoá chất + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn III, u 1/3 giữa, tuổi < 60: Tia xạ triệt căn tại u và hạch trung thất, thượng đòn 2 bên + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn III, u 1/3 giữa, tuổi > 60: Tia xạ triệt căn tại u và hạch trung thất, thượng đòn 2 bên + phối hợp hoá chất + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn III loại T3N1M0, u 1/3 dưới, điều kiện cho phép phẫu thuật: Phẫu thuật cắt và tái tạo thực quản, vét hạch khu vực + Tia xạ và hoá chất bổ trợ sau mổ.

Giai đoạn III loại T3N1M0, u 1/3 dưới, điều kiện không cho phép phẫu thuật: Tia xạ triệt căn tại u và hạch trung thất + mở thông dạ dày nuôi dưỡng tạm thời.

Giai đoạn III loại T4N0M0, Tuổi < 60: Tia xạ triệt căn tại u và trung thất + phối hợp hoá chất + mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

Giai đoạn III loại T4N0M0, Tuổi > 60: Tia xạ triệt căn tại u và trung thất + mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

Giai đoạn IV, tuổi < 60: Tia xạ phối hợp hoá chất tạ thời, mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

Giai đoạn IV, tuổi < 60: Tia xạ phối hợp hoá chất tạ thời, mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

Giai đoạn IV, tuổi > 60: Mở thông dạ dày nuôi dưỡng, điều trị triệu chứng.

3. Phẫu thuật Lewis-Santy

Ivor Lewis là phẫu thuật viên đầu tiên mô tả kỹ thuật cắt thực quản qua 2 lần mổ đường bụng và đường ngực vào năm 1946. Santy đã thực hiện đường mổ của Lewis trong cùng 1 lần mổ vào năm 1947. Vì vậy, người ta gọi phẫu thuật này là phẫu thuật Lewis – Santy. Ngày nay, phẫu thuật này được áp dụng rộng rãi trên thế giới, chỉ định cho ung thư thực quản 1/3 giữa và 1/3 dưới, nghĩa là đoạn dưới cung động mạch chủ đến tâm vị.

4. Phẫu thuật Akiyama

Khác với phẫu thuật Lewis- Santy, năm 1971, Akiyama người Nhật chủ trương mở ngực cắt thực quản trước rồi mở bụng tạo ống dạ dày, mở cổ khâu miệng nối giảm tỷ lệ tử vong đáng kể so với khâu nối trong lòng ngực. Phẫu thuật được chỉ định cho ung thư thực quản 1/3 giữa và phần thấp của 1/3 trên. Ưu điểm của phẫu thuật này là vét hạch rộng ở trung thất và cổ, cắt thực quản tương đối cao giảm tái phát miệng nối. Nhược điểm là hay gặp suy hô hấp nên có xu hường dùng phẫu thuật nội soi thì ngực, không mở ngực tránh suy hô hấp. Một số chủ trương nội soi thêm cả thì bụng nhưng lợi ích không đáng kể.

5. Phẫu thuật nội soi ung thư thực quản

Phẫu thuật nội soi ung thư thực quản về cơ bản tương tự như phẫu thuật Akiyama nhưng thì ngực và bụng được thay thế hoàn toàn bằng thao tác nội soi. Kỹ thuật này có ưu điểm quan trọng là cắt thực quản và vét hạch đầy đủ nhưng không cần mở ngực, giảm đáng kể biến chứng màng phổi và phổi. Hậu phẫu nhẹ nhàng, ít đau, ít suy hô hấp. Thì bụng cũng được áp dụng nội soi, thăm dò, vét hạch, chuẩn bị ống dạ dày. Duy nhất đường cổ trái phải mổ mở, cắt thực quản và làm miệng nối bằng tay.

6. Phẫu thuật cắt thực quản không mở ngực

Cắt thực quản không mở ngực về cơ bản là giải phóng thực quản ngực bằng tay, không vét hạch, cắt thực quản ở cổ trái, tạo ống dạ dày đưa lên cổ nối với thực quản. Chỉ định dành cho ung thư thực quản 1/3 dưới, tốt nhất là T1,2N0M0. Ưu điểm của phẫu thuật này là nhẹ nhàng, ít suy hô hấp, miệng nối ở cổ ít tử vong. Ngược điểm là không vét được hạch, tuy nhiên có thể khắc phục bằng tia xạ bổ trợ.

7. Điều trị tia xạ

– Lập kế hoạch tia và tính tổng liều xạ

– Tia xạ ung thư thực quản 1/3 trên, ở cổ tương đối nông nên dùng máy xạ Coban 60. Tia xạ 1/ 3 giữa và 1/3 dưới ở sâu trong lòng ngực nên dùng máy giai tốc thẳng 10-25 MV. Loại ung thư biểu mô vảy thường gặp ở 1/3 trên và 1/3 giữa, nhạy cảm tia xạ hơn loại ung thư biểu mô tuyến thường gặp ở 1/3 dưới. Đánh giá mức độ lan rộng của u bằng chụp CT sau khi đánh dấu hạt chì trên thành ngực, chụp thực quản cản quang. Mô phỏng u theo không gian 3 chiều, xác định trường chiếu tối đa về chiều dọc, về bề ngang, về bề dày của u. Xác định bia và khối lượng vật chất cần chiếu xạ.

– Tia xạ đơn thuần, triệt căn liều 60 Gy chỉ định cho ung thư thực quản 1/3 trên thường là loại ung thư biểu mô vảy. Đoạn 1/3 giữa và 1/3 dưới, xếp loại T1,T2 N0, M0 điều kiện không cho phép phẫu thuật hoặc bệnh nhân từ chối mổ có thể tia xạ triệt căn. bao giờ cũng mở thông dạ dày nuôi dưỡng. Tia xạ đơn thuần bổ trợ sau mổ chỉ định cho các trường hợp đã cắt thực quản nhưng tiếp cận u, diện cắt vi thể còn sót u. Tổng liều tia sau mổ cần ít nhất 40 Gy. Trường hợp có di căn hạch thường phối hợp tia xạ và hoá chất bổ trợ sau mổ. Tia xạ không triệt căn nhằm giảm bệnh chỉ định cho giai đoạn IV có T4 N0 M0. Mở thông dạ dày để nuôi dưỡng tốt và tia đủ liều tại trung thất 60 Gy. Giai đoạn IV có T4N1M0 về cơ bản điều trị triệu chứng nhưng nếu thể trạng tốt, không có bệnh nội khoa nặng có thể thăm dò phối hợp tia xạ tại trung thất với hoá chất toàn thân để kéo dài thời gian sống thêm.

– Tư thế bệnh nhân, trường chiếu, phân liều: Bệnh nhân nằm ngửa, trục thực quản được xác định bằng hình ảnh phim chụp thực quản có cản quang. Vùng chiếu xạ vượt cực trên và dưới u 3-5 cm, quá phía trước thực quản 2 cm, phía trong và sau phải tránh tuỷ sống. Diện tích trường chiếu khoảng 5 X 16 cm. Có thể thiết kế nhiều trường chiếu với các kỹ thuật khác nhau Sử dụng nhiều kỹ thuật trường chiếu phối hợp nhau nhằm mục đích đạt tổng liều tại thể tích bia nhưng ít biến chứng nhất. Kỹ thuật trường chiếu chếch có nêm gồm trường chiếu chếch phải và trường chiếu chếch trái, mỗi trường chiếu 1 Gy 1 lần, mỗi tuần tia 5 lần. Kỹ thuật 4 trường chiếu vuông gốc gồm trường chiếu thẳng ngực có che ống tuỷ, trường chiếu lưng đối xứng. Tia phân liều khoảng 0,6 Gy mỗi lần, mỗi tuần tia 5 lần. Trường chiếu ngực bên phải và bên trái, tia phân liều khoảng 0,4 Gy mỗi lần, mỗi tuần tia 5 lần.

– Phòng và điều trị biến chứng do tia:

+ Tim, phổi, tuỷ sống là các bộ cần che chắn, bảo về trong điều trị tia xạ ung thư thực quản. Liều xạ tối đa đối với các bộ phận này không được vượt quá 40 Gy.

+ Theo dõi và săn sóc bệnh nhân về dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng. Sau tuần thứ tư thường có viêm thực quản do tia, phải ngừng tia khoảng 1 tuần và dùng thuốc giảm triệu chứng. Tia máy Coban hay gặp viêm phổi do tia. Dùng máy gia tốc ít gặp biến chứng hơn.

8. Điều trị hoá chất

Điều trị hoá chất thường được dùng bổ trợ sau mổ hoặc phối hợp đồng thời hoá chất với tia xạ. Phác đồ hoá chất sau đây thường được dùng phổ biến nhất.

Phác đồ 5FU + Cisplatin

Liều /m2 da

Đường dùng

Ngày dùng

5-FU

1000 mg

truyền TM 24 giờ

Ngày 15

 

Cisplatin

75 mg

TM

Ngày 1

 

Mỗi đợt 4 tuần, nhắc lại vào ngày thứ 29

TIÊN LƯỢNG

Tiên lượng ung thư thực quản phụ thuộc vào một số yếu tố.

– Về phân loại mô bệnh hoc, ung thư biểu mô vảy giai đoạn sớm, phẫu thuật có kết quả gần tương đương với tia xạ đơn thuần liều cao. Đối với ung thư biểu mô tuyến giai đoạn sớm, phẫu thuật có kết quả hơn tia xạ đơn thuần liều cao.

– Về mức độ xâm lấn ung thư, u xâm lấn niêm mạc sống thêm 5 năm khoảng 80%. U xâm lấn cơ, sống thêm 30%, u xâm lấn thanh mạc và ra ngoài, sống thêm khoảng 10%.

– Về mức độ di căn hạch, chưa di căn sống thêm 50% với T1,2,3. Có di căn hạch sống thêm dưới 15%. Các bệnh nhân có di căn xa, di căn hạch nhiều vùng, rò thực quản – khí phế quản, lan tràn trung thất không sống thêm ngoài 3 năm, phải điều trị triệu chứng. Các bệnh nhân có khả năng điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc tia xạ đều có tiên lượmg tốt hơn điều trị triệu chứng. Bệnh nhân thường chết do suy kiệt, nhiễm trùng và di căn hạch trung thất, hạch nền cổ.

THEO DÕI

– Cần khám định kỳ sau điều trị để giải quyết một số khó khăn theo hai đối tượng của bệnh nhân: được mổ triệt căn hay điều trị không triệt căn.

– Bệnh nhân được phẫu thuật: Khoảng 20% bệnh nhân ung thư thực quản được phẫu thuật triệt căn đơn thuần hoặc có tia xạ bổ trợ sau mổ. Cần khám định kỳ, phát hiện hẹp miệng nối, nhất là miệng nối ở cổ và đặc biệt có biến chứng rò tự liền. Khi hẹp miệng nối thường biểu hiện nghẹn trở lại, dễ nhầm với tái phát bệnh. Cần soi lại thực quản, nông hẹp, thậm chí phải can thiệp ngoại khoa sửa lại miệng nối co lưu thông tốt.

– Bệnh nhân được tia xạ triệt căn: Khoảng 80% bệnhh nhân ung thư thực quản không thể phẫu thuật được do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều bệnh nhân được tia xạ triệt căn có kết quả tốt. Cần thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng hẹp thực quản sau tia xạ, tình trạng ung thư tái phát, lan rộng trung thất, rò thực quản – khí phế quản, di căn hạch thượng đòn và di căn xa. Nghẹn và đau sau xương ức thường xuất hiện lại nếu có tái phát. Cần khám xác định tía phát, di căn hay không, kê đơn điều trị chống đau ngoại trú hoặc nhập viện điều trị triệu chứng.

– Định kỳ khám 3 tháng 1 lần trong 2 năm đầu và định kỳ 6 tháng 1 lần trong năm thứ 3, thứ 4, thứ 5. Theo dõi thời gian sống thêm, tía phát di căn. Nhiều bệnh nhân bỏ khám lại nên cần có điện thoại và thư mới đánh giái được kết quả điều trị lâu dài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *