UNG THƯ BÀNG QUANG

UNG THƯ BÀNG QUANG

 

ĐẠI CƯƠNG

Bệnh ung thư bàng quang hay gặp ở nam giới, đứng vị trí thứ 4 trong các ung thư nam giới. Bệnh ít gặp hơn ở nữ giới, đứng vị trí thứ 9 trong các bệnh ung thư ở nữ. Theo ghi nhận ung thư của bệnh viện K Hà Nội (1991 – 1992) tỷ lệ mắc ung thư bàng quang 2,2/ 100 000 dân. Bệnh thường gặp ở khoảng tuổi 60 – 70.

Bệnh ung thư bàng quang có liên quan trực tiếp tới vai trò của thuốc lá và các yếu tố khác như nhiễm ký sinh trùng (Schistosoma haematobium), các bệnh nghề nghiệp, (b Naphtylamine).

Hơn 90% ung thư bàng quang là loại ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (Urothelial transitional cell carcinomas). ít gặp hơn là ung thư biểu mô gai (squamous cell tumor) và ung thư biểu mô tuyến.

CHẨN ĐOÁN

1. Lâm sàng: Dựa vào bệnh nhân có các triệu chứng

– Đái ra máu

– Đái nhiều lần, đái khó

– Có triệu chứng tắc nghẽn đường tiết niệu

– Triệu chứng di căn

– Toàn thân: Gần sút, sốt

2. Các phương pháp cận lâm sàng

– Nội soi và sinh thiết: Nội soi bàng quang là biện pháp quan trọng nhất để chẩn đoán ung thư bàng quang. Các trường hợp u lan rộng, nhiều u hoặc u to có nguy cơ xâm lấn sâu cần được nội soi ổ bụng lấy mẫu hạch chậu bịt 2 bên và hạch chủ bụng để giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh và lập kế hoạch điều trị.

– Chẩn đoán hình ảnh:

+ Siêu âm: Thực hiện qua siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi để phát hiện u.

+ Chụp UIV: Ngoài việc đánh giá bàng quang còn giúp đánh giá thận, niệu quản. Ngày nay UIV ít được chỉ định vì có siêu âm và CT thay thế.

+ Chụp CT hoặc MRI: Cho phép đánh giá khối u, mức xâm lấn ung thư, tình trạng hạch tiểu khung.

– Xét nghiệm tế bào học nước tiểu:

+ Tìm máu vi thể

+ Tìm tế bào ung thư

– Các xét nghiệm đánh giá Bilan: Công thức máu, ure huyết, X-quang phổi, siêu âm gan…

3. Đánh giá mức độ tiến triển:

– Theo TNM (UICC – 2002):

* U nguyên phát (T):

 

Tx: U nguyên phát không đánh giá được

To: Không thấy u nguyên phát

Ta: Ung thư biểu mô nhú không xâm lấn

Tis: Ung thư tại chỗ dạng phẳng

T1: U xâm lấn lớp dưới niêm mạc

T2: U xâm lấn lớp cơ

T2a: U xâm lấn cơ mông (nửa trong)

T2b: U xâm lấn lớp cơ sâu (nửa ngoài)

T3: U xâm lấn tổ chức xung quanh

T3a: Xâm lấn vi thể

T3b: Xâm lấn đại thể (có u ngoài bàng quang)

T4: U xâm lấn bất kỳ cơ quan sau: Tuyến tiền liệt, tử cung, âm đạo, thành chậu, thành bụng

* Hạch vùng (N)

 

Nx: Hạch vùng không đánh giá được

No: Không có di căn hạch vùng

N1: Di căn 1 hạch vùng, kích thước hạch ≤ 2 cm

N2: Di căn 1 hạch kích thước > 2cm, nhưng ≤ 5 cm

Hoặc di căn nhiều hạch, kích thước ≤ 2 cm.

N3: Di căn 1 hay nhiều hạch, kích thước > 5cm

* Di căn xa (M)

Mo: Không có di căn xa

M1: Có di căn xa

-Theo giai đoạn lâm sàng và giải phẫu bệnh:

+ Giai đoạn 0: U giới hạn ở lớp niêm mạc

+ Giai đoạn I: U xâm lấn lớp dưới niêm mạc

+ Giai đoạn II: Xâm lấn cơ

IIa: U xâm lấn lớp cơ nông ≤ 50% bề dày thành bàng quang

IIb: U xâm lấn lớp cơ sâu > 50% bề dày thành bàng quang

+ Giai đoạn III: U đã xâm lấn qua bề dày thành bàng quang

IIIa: xâm lấn tổ chức xung quanh ở mưc vi thể

IIIb: xâm lấn tổ chức xung quanh, tạng kế cận ở mưc đại thể, chưa xâm lấn vách chậu hoặc thành bụng

+ Giai đoạn IV: U xâm lấn vách chậu, thành bụng, di căn hạch vùng hoặc di căn xa

– Phân độ mô học (Histopathologic Grade):

+ G1: u biệt hoá cao

+ G2: u biệt hoá vừa

+ G3-4: u kém biệt hoá, hoặc không biệt hoá

ĐIỀU TRỊ

1. Phác đồ điều trị theo giai đoạn

– Điều trị u giai đoạn 0:

+ BCG, Mitomycin hoặc Thiotepa nội bàng quang.

+ Cắt, đốt u qua nội soi, và điều trị bổ trợ bằng BCG, Mitomycin hoặc Thiotepa nội bàng quang

– Điều trị u giai đoạn I:

+ Cắt u qua nội soi kết hợp với BCG, Mitomycin hoặc Thiotepa nội bàng quang.

+ U G3-4 lan rộng: cắt bàng quang bán phần kết hợp với BCG, Mitomycin hoặc Thiotepa nội bàng quang.

– Điều trị u giai đoạn II, III:

+ T2, T3a, u nhỏ: Phẫu thuật cắt bàng quang bán phần đảm bảo diện cắt 2cm, hoặc toàn bộ bàng quang tùy theo vị trí u, kết hợp vét hạch chậu bịt 2 bên.

+ T2-3a u lan rộng, T3b, : Xạ trị tiền phẫu trải liều 40 Gy, nghỉ 3 tuần. Phẫu thuật cắt bàng quang toàn bộ, vét hạch chậu bịt 2 bên.

+ T4a: Xạ trị tiền phẫu trải liều 40 – 50 Gy nghỉ 3 tuần. Phẫu thuật vét đáy chậu trước, vét hạch chậu bịt 2 bên.

+ Tất cả các trường hợp này đều cần hoá trị liệu bổ trợ sau mổ. Một số ca chọn lọc, u lớn lan rộng có thể cân nhắc hoá trị liệu tân bổ trợ trước mổ.

– Điều trị u giai đoạn IV:

+ Chưa ứ nước thận: Xạ trị đơn thuần, tổng liều 55 – 65 Gy trải liều 5 ngày trong 1 tuần, mỗi ngày 200-250 Rad. Một số trường hợp chọn lọc có thể cân nhắc hoá xạ trị đồng thời.

+ Có ứ nước thận: Phẫu thuật đưa niệu quản ra da, hoặc dẫn lưu thận, kết hợp chăm sóc và điều trị triệu chứng.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Liệu trình điều trị BCG, Mitomycin C nội bàng quang

– Liệu trình bơm BCG hặc Mytomycin C nội bàng quang thường bắt đầu vào ngày thứ 7-14 sau cắt u bàng quang qua nội soi. Trong trường hợp Ta u nhỏ thường bơm Mytomycin C liều duy nhất trong vòng 24 giờ sau khi cắt u qua nội soi.

– BCG: liều thường dùng từ 80-120 mg pha trong 50-100 dung dịch NaCl 0,9%, bơm vào bàng quang tuần 1 lần, trong 6 tuần liên tiếp

– Mytomicin C: liều thường dùng từ 20-60 mg pha trong 50-100 dung dịch NaCl 0,9%, bơm vào bàng quang tuần 1 lần, trong 4-8 tuần liên tiếp.

2.2. Điều trị hóa chất toàn thân

+ Phác đồ CisCA: Cisplatine, Cyclophosphamide Adriblastine

Phác đồ ngày 1 – ngày 28:

 

Ngày 1

Ngày 2

Cisplatine (T/m) 100mg/m2

 

+

Cyclophosphamide (T/m) 650mg/m2

+

 

Adriamycine (T/m) 50mg/m2

+

 

Điều trị 6 đợt

+ Phác đồ MAC (Khi không có cisplatine): Methotrexat, Adriamycine, Cyclophosphamide.

Ngày 1 – ngày 21

 

Ngày 1

Ngày 8

Methotrexat TM 30mg/m2          

+

+

Adriamycine TM 30 mg/m2

+

 

Cyclophosphamide 300 mg/m2

+

 

3. Theo dõi sau điều trị

– Hai năm đầu:

Theo dõi định kỳ 3 tháng một lần

+ Lâm sàng, thăn trực tràng

+ Nội soi, tế bào nước tiểu nếu điều trị bảo tồn

+ Siêu âm

+ Các xét nghiệm đánh giá bilan

– Ba năm sau: Khám định kỳ 6 tháng một lần

– Ngoài 5 năm sau: Khám định kỳ mỗi năm 1 lần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *