LƠ XÊ MI KINH DÒNG HẠT MONO

LƠ XÊ MI KINH DÒNG HẠT MONO

I. ĐẠI CƯƠNG

Lơ xê mi kinh dòng hạt mono (Chronic Myelo-Monocytic Leukemia – CMML) là một bệnh ung thư máu, được xếp loại như là một dưới nhóm subtype của Hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS).

Đặc trưng bằng sự tăng cao số lượng bạch cầu mono trong máu ngoại vi và trong tủy xương.

II. CHẨN ĐOÁN

2.1. Lâm sàng: Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp:

– Mệt mỏi, gầy sút cân, đổ mồ hôi về đêm;

– Thiếu máu;

– Xuất huyết do giảm tiểu cầu;

– Có thể gặp gan to, lách to, thâm nhiễm.

2.2. Xét nghiệm

a. Đặc điểm tế bào máu ngoại vi: Các bất thường trong một hoặc nhiều dòng tế bào máu, cụ thể:

– Số lượng bạch cầu:

+ Số lượng bạch cầu mono tăng cao dai dẳng (> 1G/l), tỷ lệ monocyte > 10%;

+ Số lượng blasts trong máu hoặc tủy xương < 20%;

+ Bạch cầu ưa base và bạch cầu ưa acid tăng nhẹ;

+ Hình thái bạch cầu đa nhân trung tình bất thường.

– Hồng cầu, huyết sắc tố giảm. Hồng cầu to, nhiều hồng cầu có chấm ưa base.

– Tiểu cầu thường giảm, kìch thước to, nhỏ không đều.

b. Đặc điểm tế bào và tổ chức học tủy xương

– Tăng sinh dòng bạch cầu hạt, có tăng số lượng bạch cầu mono.

– Giảm dòng hồng cầu, có thể gặp hồng cầu khổng lồ, nguyên hồng cầu sắt vòng.

– Tăng sinh xơ trên 75% các trường hợp.

– Giảm sinh dòng mẫu tiểu cầu, hình thái rối loạn.

c. Các xét nghiệm khác bao gồm

– Hay gặp các bất thường NST: Monosomy 7 và trisomy 8; bất thường cấu trúc 12p, t(5;12) (q31;p12), thường kèm tăng bạch cầu ưa acid; bất thường 11q23 ít gặp (hay chuyển thành lơ xê mi cấp sớm).

– Xét nghiệm FISH: Gen BCR-ABL1 âm tính.

–  Đột  biến  gen:  Khoảng  1-4  %  người bệnh  có  bất  thường chuyển  đoạn  gen PDGFR-β và TEL

– Xét nghiệm miễn dịch: Dương tình với CD33, CD13, CD14, CD64, CD68.

– Xét nghiệm sinh hóa máu: LDH và β2 microglobulin tăng cao.

2.3. Chẩn đoán xác định

Tiêu chẩn chẩn theo WHO (2008):

– Tăng bạch cầu mono máu ngoại vi dai dẳng >1 G/L (≥ 3 tháng);

– Không có NST Philadelphia hoặc gen BCR-ABL1;

– Không có gen PDGFRA hoặc PDGFRB (đặc biệt, trong các trường hợp tăng bạch cầu ưa acid);

– Blast ở máu ngoại vi và trong tủy < 20 %;

– Có ít nhất một trong các biểu hiện sau:

+ Rối loạn sinh sản của một hoặc nhiều dòng tế bào tủy.

+ Xuất hiện bất thường về di truyền tế bào hoặc bất thường di truyền phân tử mắc phải trong các tế bào tạo máu.

2.4. Chẩn đoán thể bệnh

– Lơ xê mi kinh dòng hạt mono -1: Blast < 5% ở máu ngoại vi và < 10% trong tủy xương.

– Lơ xê mi kinh dòng hạt mono -2: Blast từ 5-19% ở máu ngoại vi và từ 10-19% trong tủy xương.

– Lơ xê mi kinh dòng hạt mono có tăng bạch cầu ưa acid: tiêu chuẩn chẩn đoán Lơ xê mi kinh dòng hạt mono + bạch cầu ưa acid máu ngoại vi > 1,5G/L; xét nghiệm gen thường thấy có t(5;12).

2.5. Chẩn đoán phân biệt

– Tăng sinh mono nguyên nhân không phải bệnh lý ác tính (lao, bệnh nấm mạn tính, viêm nội tâm mạc…), thường có các triệu chứng biểu hiện bệnh chính kèm theo.

– Phân biệt các bệnh thuộc hội chứng tăng sinh tủy: Xơ tủy tiên phát, lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML).

III. ĐIỀU TRỊ

3.1. Điều trị cụ thể

a. Một số thuốc có thể dùng

– Cytarabine liều thấp 10-30 mg/m2/ngày, tiêm dưới da 2 đến 8 tuần.

– Etoposide liều 100mg/ ngày hoặc 600mg/ tuần uống trong 3 đến 5 ngày.

– Hydroxyurea liều 0,5g đến 1g/ ngày duy trì số lượng bạch cầu từ 5-10G/L.

– Azacitidine và decitabine được cho phép sử dụng trong điều trị MDS, cũng có thể được sử dụng trong điều trị Lơ xê mi kinh dòng hạt mono:

+ Liều azacitidin 75mg/m2/ngày tiêm dưới da 7 ngày, chu kỳ 28 ngày, 6 chu kỳ.

+ Liều decitabine 15mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 3 đến 8 giờ dùng trong 3 ngày.

b. Ghép tế bào gốc trong điều trị Lơ xê mi kinh dòng hạt mono:

3.2. Điều trị triệu chứng

– Thiếu máu;

– Truyền khối tiểu cầu nếu tiểu cầu giảm ≤ 20G/L, hoặc khi số lượng tiểu cầu ≤ 50G/L nhưng lâm sàng có xuất huyết.

– Chú ý vấn đề quá tải sắt nếu truyền khối hồng cầu nhiều lần và kéo dài (xét nghiệm ferritin huyết thanh ≥ 500µG/L hoặc sau truyền ≥ 20 đơn vị máu), dùng các thuốc thải sắt, như Desferrioxamin ( liều không quá 40 mg/kg)  hoặc Deferasirox ( khởi đầu 20mg/kg/ngày, tối đa 40 mg/kg/ngày).

– Dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng (sốt, viêm họng, viêm phổi, viêm cơ…). Cần làm kháng sinh đồ để chỉ định kháng sinh cho phù hợp.

IV. TIÊN LƯỢNG

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sống sót của người bệnh. Thời gian sống trung bình là từ 12-24 tháng, khoảng 15-30% người bệnh Lơ xê mi kinh dòng hạt mono tiến triển thành Lơ xê mi cấp.

Các yếu tố tiên lượng nặng bao gồm:

– Thiếu máu: Hb < 100G/L;

– Tỷ lệ blast:  ≥ 10%;

– Số lượng bạch cầu:  ≥ 13G/L;

– Số lượng tiểu cầu: < 100G/L;

– LDH cao;

– Kích thước lách lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *