HỘI CHỨNG TIẾT DỊCH NIỆU ĐẠO Ở NAM GIỚI

HỘI CHỨNG TIẾT DỊCH NIỆU ĐẠO Ở NAM GIỚI

 I. ĐẠI CƯƠNG: 

Hội chứng tiết dịch niệu đạo biểu hiện có dịch/mủ chảy từ lỗ niệu đạo ở nam giới, kèm theo các triệu chứng khác như đái buốt, đái khó. Nếu không điều trị kịp thời có thể lây cho bạn tình và để lại biến chứng như viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo, vô sinh.

Hội chứng tiết dịch niệu đạo dùng cho quản lý viêm niệu đạo ở nam giới. Đây là nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất ở nam giới.

Căn nguyên chính gây hội chứng tiết dịch niệu đạo là lậu cầu khuẩn và Chlamydia trachomatis. Nếu quản lí theo hội chứng, điều trị cho người bệnh bị tiết dịch niệu đạo cần phải điều trị cả hai tác nhân này.

II. TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN

2.1. Lâm sàng

– Ra mủ hoặc dịch nhầy ở lỗ niệu đạo.

– Đái buốt.

– Đái rắt.

– Đái khó.

– Cảm giác ngứa rấm rứt dọc theo niệu đạo.

Ngoài các triệu chứng trên, còn có thể có các dấu hiệu kèm theo:

– Viêm kết mạc, viêm hầu họng.

– Sưng, đau bìu.

Cần khai thác thêm một số thông tin sau:

– Bệnh bắt đầu đột ngột hay từ từ? Thời gian ủ bệnh?

– Các triệu chứng xuất hiện rầm rộ, cấp tính hay từ từ kín đáo?

– Dịch niệu đạo ít hay nhiều, tính chất dịch?

Khám:

Khám phát hiện các dấu hiệu của bệnh lậu, Chlamydia và những bệnh viêm nhiễm đường sinh dục khác:

– Số lượng dịch nhiều hay ít. Nếu không nhìn thấy dịch, cần phải vuốt dọc dương vật nhẹ nhàng từ gốc đến lỗ niệu đạo 2-3 lần.

– Tính chất dịch: trong hay đục, có mủ, có nhầy không?

– Tinh hoàn và mào tinh có sưng đau hay không?

– Khám xem có đau khớp, đau họng, viêm kết mạc không?

– Có các hội chứng nhiễm khuẩn đường sinh dục khác như: loét sinh dục, sùi mào gà, hạch bẹn không

2.2. Cận lâm sàng

Nếu có xét nghiệm hỗ trợ thì nhuộm Gram tìm song cầu Gram (-) hình hạt cà phê trong và ngoài tế bào bạch cầu đa nhân và đếm số lượng bạch cầu trong dịch niệu đạo.

2.3. Chẩn đoán

Viêm niệu đạo do lậu

– Khởi bệnh cấp tính, rầm rộ, đái buốt, đái rắt kèm theo chảy mủ ở miệng sáo, do đó người bệnh thường đi khám ngay.

– Thời gian ủ bệnh ngắn, khoảng 2 – 6 ngày.

– Dịch niệu đạo là mủ vàng đặc hoặc vàng xanh, số lượng nhiều.

– Xét nghiệm: nhuộm Gram thấy song cầu khuẩn Gram (-) nằm trong và ngoài tế bào bạch cầu đa nhân.

Viêm niệu đạo không do lậu

– Thời gian ủ bệnh lâu hơn, khoảng 1 – 5 tuần.

– Triệu chứng kém rầm rộ, người bệnh thường không có đái buốt, số lượng dịch niệu đạo ít, thường là dịch trong.

– Xét nghiệm: không thấy song cầu khuẩn Gram (-) có trên ≥ 5 bạch cầu/vi trường với độ phóng đại 1000 lần.

III. ĐIỀU TRỊ:

– Nếu xác định được nguyên nhân thì điều trị nguyên nhân, nếu không thì điều trị theo hội chứng.

– Đối với mọi trường hợp tiết dịch niệu đạo, cán bộ y tế cần xác định và điều trị cho (các) bạn tình.

– Điều trị viêm niệu đạo do lậu đồng thời phải điều trị viêm niệu đạo do Chlamydia.

3.1. Phác đồ điều trị viêm niệu đạo do lậu

Dùng một trong các loại thuốc sau kết hợp với một trong các loại thuốc điều trị viêm niệu đạo không do lậu:

– Cefixim 200mg, uống 2 viên, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày, hoặc

– Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày, hoặc

– Spectinomycin 2g, tiêm bắp, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày, hoặc

– Cefotaxim 1g, tiêm bắp, liều duy nhất + doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày.

3.2. Phác đồ điều trị viêm niệu đạo không do lậu

– Dùng một trong 3 thuốc sau:

+ Doxycyclin 100mg, uống 1 viên, ngày 2 lần, trong 7 ngày.

+ Tetracyclin 500mg, uống 1 viên, ngày 4 lần, trong 7 ngày.

+ Azithromycin 1g, uống liều duy nhất.

Chú ý:

– Điều trị cho bạn tình với liều tương tự.

– Không dùng doxycyclin, tetracyclin cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú. Có thể thay thế bằng một trong các thuốc sau:

+ Erythromycin stearat 500mg, uống 1 viên, ngày 4 lần, trong 14 ngày

+ Amoxicillin 500mg, uống 1 viên, ngày 3 lần, trong 14 ngày

– Người bệnh được khuyên đến khám lại nếu các triệu chứng vẫn còn sau khi đã điều trị 7 ngày.

IV. THÔNG TIN VÀ TƯ VẤN:

Mọi trường hợp mắc hội chứng tiết dịch niệu đạo đều cần được giáo dục và tư vấn về hành vi tình dục an toàn. Cán bộ y tế cần tuân thủ các nguyên tắc về tư vấn. Các vấn đề chính cần tư vấn cho người mắc hội chứng tiết dịch niệu đạo là:

– Hậu quả của bệnh khi không được điều trị đúng và đầy đủ, cần nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm và gây viêm tiểu khung, thai ngoài tử cung, vô sinh ở bạn tình, gây viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến mù lòa, viêm phổi trẻ sơ  sinh…

– Tuân thủ chỉ định điều trị của thầy thuốc, đến khám lại theo lịch hẹn.

– Khả năng lây truyền cho bạn tình.

– Tình dục an toàn, khuyến khích và hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, thường xuyên.

– Thông báo và điều trị bạn tình.

– Có tới trên 50 % các trường hợp nhiễm khuẩn không triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho bạn tình và có thể tiến triển gây các biến chứng cho chính họ.

– Nguy cơ lây nhiễm các bệnh LTQĐTD khác và HIV, tư vấn trước khi xét nghiệm HIV.

– Địa điểm tư vấn và xét nghiệm HIV.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *