ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA SỎI THẬN TIẾT NIỆU

ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA SỎI THẬN TIẾT NIỆU

 

ĐẠI CƯƠNG

1.Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi

Sỏi thận (Nephrolithiasis) là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu, bệnh lý này gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

* Sỏi calcium.

Những nguyên nhân làm tăng nồng độ calci trong nước tiểu là:

– Cường tuyến giáp cận giáp.

– Gãy xương lớn và bất động lâu ngày.

– Dùng nhiều Vitamin D và Corticoid.

– Di căn của ung thư qua xương, gây phá hủy xương.

Ngoài ra còn có rất nhiều trường hợp có tăng nồng độ calci trong nước tiểu mà không tìm thấy nguyên nhân (40-60% trường hợp).

* Sỏi oxalat

Chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như nước ta, oxalat thường kết hợp với calci để tạo thành sỏi oxalat calci.

* Sỏi phosphat

Loại sỏi phosphat thường gặp là loại amoni-magné-phosphat.Loại sỏi này có kích thước lớn, hình san hô, cản quang, hình thành do nhiễm khuẩn, đặc biệt là do vi khuẩn proteus.

* Sỏi acid uric

Sỏi acid uric dễ xuất hiện khi chuyển hóa chất purine tăng trong cơ thể. Các nguyên nhân có thể làm tăng chuyển hoá purine:

-Sử dụng nhiều thức ăn có chứa nhiều chất purine như lòng heo, lòng bò, thịt cá khô,nấm.

– Bệnh Gút (Goutte).

– Phân hủy các khối ung thư khi dùng thuốc hóa trị liệu.

Lưu ý rằng Acid uric dễ tan trong môi trường kiềm và dễ kết tinh trong môi trường acid, khi pH nước tiểu dưới 6.

* Sỏi Cystin

Được hình thành do sai sót của việc tái hấp thu ở ống thận của chất Cystin, tương đối ít gặp ở nước ta, Sỏi Cystin là sỏi không cản quang.

2.Tiến triển

-Sau khi viên sỏi được hình thành, nếu sỏi còn nhỏ, thường viên sỏi đi theo đường nước tiểu và được tống ra ngoài. Nhưng nếu viên sỏi bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, thì sỏi sẽ lớn dần, gây cản trở lưu thông của nước tiểu, đưa đến ứ đọng và dãn phình ở phía trên chỗ tắc và gây ra các biến chứng

-Những nguyên nhân làm cho viên sỏi bị vướng lại:

+Hình dạng và kích thước của viên sỏi:Sỏi lớn, sần sùi thì dễ bám vào niêm mạc và bị vướng lại.

+Trên đường tiết niệu có những chỗ hẹp tự nhiên do cấu trúc giải phẫu ,viên sỏi không qua được các chỗ hẹp, đó là:Cổ đài thận ,cổ bể thận, những chỗ hẹp ở niệu quản, cổ bàng quang, ở niệu đạo ( xoang tiền liệt tuyến, hành niệu đạo, hố thuyền ở gần lỗ sáo ở nam giới)

-Các biến chứng của sỏi thận:

+Tắc nghẽn.

+Nhiễm trùng.

+Phát sinh thêm các viên sỏi khác.

+Phá hủy dần cấu trúc thận.

CHẨN ĐOÁN

1.Triệu chứng lâm sàng

1.1.Sỏi đường tiết niệu trên.

Gồm sỏi thận, bể thận, niệu quản. Các triệu chứng thường gặp là:

– Cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, sau khi gắng sức, khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới, cường độ đau thường mạnh, không có tư thế giảm đau. Có thể phân biệt hai trường hợp

+ Cơn đau của thận do sự tắc nghẽn bể thận và đài thận: đau ở hố thắt lưng phía dưới xương sườn 12, lan về phía trước hướng về rốn và hố chậu.

+ Cơn đau của niệu quản: xuất phát từ hố của thắt lưng lan dọc theo đường đi của niệu quản, xuống dưới đến hố chậu bộ phận sinh dục và mặt trong đùi.

– Triệu chứng kèm theo cơn đau quặn thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Có thể có sốt, rét run nếu có nhiễm trùng kết hợp.

– Khám thấy điểm sườn lưng đau. Các điểm niệu quản ấn đau, có thể thấy thận lớn.

1.2.Sỏi đường tiết niệu dưới.

Gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

– Sỏi bàng quang sẽ kích thích niêm mạc bàng quang gây tiểu buốt, rát, tiểu láu.

– Tiểu tắc giữa dòng.

– Khám ấn điểm bàng quang đau.

– Sỏi niệu đạo sẽ gây bí tiểu, khám lâm sàng thường phát hiện được cầu bàng quang, sờ nắn dọc theo niệu đạo có thể thấy sỏi.

2.Cận lâm sàng

2.1.Xét nghiệm nước tiểu

-Tìm tế bào và vi trùng: Nước tiểu có nhiều hồng cầu, bạch cầu. Có thể thấy vi trùng khi ly tâm soi và nhuộm Gram khi có biến chứng nhiễm trùng. Cần cấy nước tiểu trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng.

-Soi cặn lắng: có thể thấy tinh thể Oxalat, Phosphat, Calci.

-pH nước tiểu: Có nhiễm trùng niệu pH sẽ tăng trên 6,5 vì vi trùng sẽ phân hủy Urea thành Amoniac. Khi pH dưới 5,5 có nhiều khả năng có sỏi Urat.

-Protein niệu: Nhiễm trùng niệu chỉ có ít Protein niệu, nếu Protein niệu nhiều phải thăm dò bệnh lýcầu thận.

2.2.Siêu âm: Phát hiện sỏi, độ ứ nước của thận và niệu quản, độ dầy mỏng của chủ mô thận. Đây là xét nghiệm thường được chỉ định trước tiên khi nghi ngờ có sỏi hệ tiết niệu vì đơn giản, rẻ tiền, không xâm nhập và có thể lập lại nhiều lần không có hại cho bệnh nhân.

2.3. X quang bụng không chuẩn bị (ASP): xác định vị trí sỏi cản quang, cho biết kích thước số lượng và hình dáng của sỏi. Rất có giá trị vì hầu hết sỏi hệ tiết niệu ởViệt nam là sỏi cản quang.

2.4. Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch (UIV): cho biết

– Hình dáng thận, đài bể thận, niệu quản.

– Vị trí của sỏi trong đường tiết niệu.

– Mức độ giãn nở của đài bể thận, niệu quản.

– Chức năng bài tiết chất cản quang của thận từng bên.

2.5.Chụp X quang niệu quản thận ngược dòng

– Phát hiện sỏi không cản quang.

– Có giá trị trong trường hợp thận câm trên phim UIV.

2.6.Chụp X quang niệu quản thận xuôi dòng

2.7.Soi bàng quang: thường ít dùng để chẩn đoán sỏi, nhưng có thể nội soi can thiệp lấy sỏi.

ĐIỀU TRỊ

1.Các tình huống cấp cứu

– ứ mủ bể thận do sỏi bể thận hoặc niệu quản.

– Vô niệu – suy thận cấp do tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu. Chú ý sỏi niệu quản hai bên không được dùng thuốc lợi tiểu vì có thể gây tăng tình trạng ứ nước bể thận.

– Cần theo dõi sát và cho nhập viện những bệnh nhân bị nôn dai dẳng, suy kiệt hoặc cao tuổi hay những bệnh nhân đau dữ dội nhưng không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.

– Đái máu đại thể liên tục gây nên tình trạng thiếu máu.

– Suy thận mạn từ mức độ vừa đến mức độ nặng.

2.Lựa chọn phương pháp điều trị

– Phương hướng điều trị phụ thuộc vào yếu tố chính: kích thước và vị trí của sỏi cũng như biến chứng do sỏi gây ra.

3.Điều trị cơn đau quặn thận do sỏi.

-Giảm lượng nước uống vào khi đang có cơn đau quặn thận

– Giảm đau: Thường các thuốc kháng viêm không Steroid có tác dụng tốt trong trường hợp này, có thể sử dụng Diclofenac (Voltarene ống 75mg) tiêm tĩnh mạch.

– Trong trường hợp không có hiệu quả, cân nhắc việc sử dụng Morphin, codein.

– Giãn cơ trơn: Drotaverin 40mg x 3 viên/ ngày chia 3 lần đường uống.

+ Spasmaverin 40mg x 4 viên/ ngày đường uống, hoặc x 4 ống/ngày đường tiêm

4.Điều trị biến chứng

*Biến chứng nhiễm trùng: Dùng kháng sinh khi sỏi gây biến chứng nhiễm trùng.

-Amoxicilin hoặc ampicilin 1 g x 4 lọ/ ngày chia 4 lần tiêm tĩnh mạch x 10 – 14 ngày.

– Hoặc cephalosporin (thế hệ 2, thế hệ 3): 10 – 14 ngày.

+ Cefuroxim 250mg x 2 lần/ngày đường uống, hoặc cefuroxim đường tiêm TM.

+ Hoặc cefotaxim 1g x 3 lần/ngày tiêm TM.

+ Hoặc ceftriaxon 1g /ngày tiêm TM.

Hoặc:

– Fluoroquinolon đường uống: trong 3 – 7 ngày, có thể tới 10 ngày

+ Ciprofloxacin 250mg – 500 mg x 2 lần/ngày.

+ Hoặc norfloxacin 400 mg x 2 lần/ngày.

+ Hoặc ofloxacin 200mg x 2 lần/ngày.

Có thể truyền 3 ngày, sau đó chuyển sang đường uống tiếp.

Cần lưu ý: Thuốc có thể gây ra rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn và không được dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 15 tuổi

*Cầm máu khi có đái máu toàn bãi: Chủ yếu là giải quyết nguyên nhân, các thuốc chỉ có tính chất hỗ trợ như: Transamin 500 mg x 2- 4 viên chia 2 lần đường uống, nếu đái máu nặng chuyển sang tiêm TM. Truyền máu cấp cứu nếu đái máu nhiều gây tụt huyết áp

*Suy thận mạn:

-Nếu tổn thương thận do sỏi gây suy thận mạn ở giai đoạn từ I đến III:Cố gắng giải quyết sỏi để tránh suy thận nặng thêm và nhằm cải thiện chức năng thận. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào thể trạng bệnh nhân, vị trí sỏi, số lượng sỏi, kích thước sỏi và tình trạng nhu mô thận còn lại dày hay mỏng và tính chất nhu mô thận xơ nhiều hay ít.

-Nếu tổn thương thận do sỏi gây suy thận giai đoạn cuối:Nguyên tắc chung là điều trị thay thế thận suy, không có chỉ định can thiệp lấy sỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sỏi gây biến chứng sau đây vẫn tiến hành phẫu thuật lấy sỏi hoặc cắt bỏ thận:

+ Sỏi gây nhiễm trùng nặng, dai dẳng, kéo dài.

+ Sỏi gây đái máu đại thể kéo dài làm nặng thêm tình trạng thiếu máu do suy thận mạn.

+ Sòi gây ứ nước thận nhiều gây khó khăn trong sinh hoạt và cớ nguy cơ vỡ thận.

+ Nếu tổn thương thận do sỏi gây tăng huyết áp đe dọa các biến chứng nặng của các cơ quan đích như, tim mạch, não, khó khống chế được bằng thuốc hạ áp.

5.Điều trị theo nguyên nhân

Nếu biết được một số nguyên nhân thì có thể điều trị như sau:

Đối với sỏi calci

– Sỏi calci do tăng calci niệu:Dùng lợi tiểu thiazid, liều 25 – 50mg/ngày để tăng tái hấp thu calci ở ống thận ở người có calci niệu cao và giảm hấp thụ calci từ ruột. Dùng kali cỉtrat để ức chế kết tinh sỏi, nhất là đối với người có citrat thấp trong nước tiểu. Indapamid là thuốc được lựa chọn cho những trường hợp sỏi thận do tăng calci niệu nguyên phát.

– Sỏi calci do do tăng oxalat niệu:Cần uống nhiều nước và làm kiềm hóa nước tiểu, điều trị bệnh nguyên phát gây nên tình trạng tăng oxalat niệu, giảm lượng oxalat ăn vào và tăng lượng calci trong khẩu phần bởi vì chỉ cần có sự thay đổi rất ít về nồng độ oxalat niệu là có thể dẫn đến tăng khả năng bão hòa tinh thể oxalat calci. Có thể dùng calci carbonat viên 500mg dùng 2-3 viên/ngày với bữa ăn, kèm thêm với kali citrat viên 450mg x2-3 lần/ ngày và magnesi gluconat 0,5-1g/ngày.

+Tăng oxalat niệu nguyên phát do thiếu hụt một loại men do gan sản xuất, bệnh có tính chất di truyền, thường rất khó điều trị. Trong trường hợp này, cần điều trị bệnh gan là chính, mà cụ thể là ghép gan mới đem lại hiệu quả.

– Sỏi calci do giảm citrat niệu: do citrat hình thành một phức hợp hòa tan khi gắn với calci, do vậy citrat là một tác nhân dùng để điều trị sỏi calci do bất cứ nguyên nhân nào. Có thể dùng liều ban đầu 450mg kali citrat 2 – 3 lần/ngày. Nên duy trì nồng độ citrat trong nước tiểu 2,4 – 5,1mmol/ngày.

– Sỏi calci do toan hóa ống thận: cần kiềm hóa nước tiểu.

– Sỏi calci do tăng acid uric niệu: cần tăng lượng nước đưa vào cơ thể. Điều trị bệnh chính gây ra tình trạng này, giảm thành phần purin trong chế độ ăn, có thể dùng thêm Allopurinol.

Sỏi acid uríc

Duy trì pH niệu kiềm bằng cho uống bicarbonat natri 5 – 10g/ngày. Có thể kết hợp cho allopurinol 100-300mg/ngày nếu có tăng acid uric máu.

Sỏi cystin

-Uống nhiều nước > 2,51/ngày. Kiềm hóa nước tiểu bằng kali citrat hoặc natribicarbonat 4-6g/ngảy chia 4 lần để đảm bảo pH trên 7,4.

– Hoặc có thể dùng D-penicillamin hay a-mercaptopropionylglycin để giảm nguy cơ sỏi, tuy nhiên hay gặp tác dụng phụ là giảm tiểu cầu.

Điều trị nguyên nhân gây ra sỏi nếu có

-Nếu bệnh nhân trẻ tuổi mắc sỏi tiết niệu nhiều, cả hai bên thận cần chú ý các nguyên nhân rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hoặc mắc phải như: cường cận giáp trạng nguyên phát hoặc thứ phát. Nếu mắc sỏi một bên, chú ý xem có dị dạng hệ tiết niệu hay không?

– Điều trị theo nguyên nhân nếu tìm thấy nguyên nhân hoặc yếu tố thuận lợi gây sỏi.

PHÒNG BỆNH

Với bất kì loại sỏi nào cũng cần:

– Uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng >2,5 líưngày.

– Điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm thận-bể thận.

– Điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ gây hình thành sỏi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *