DỊCH HẠCH

DỊCH HẠCH

ĐẠI CƯƠNG

Dịch hạch là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính, gây ra bởi trực khuẩn Yersinia pestis, lây truyền từ loài gặm nhấm sang người qua vật chủ trung gian là bọ chét đốt, hoặc bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp.

Bệnh dịch hạch có 3 thể lâm sàng chính: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi. Bệnh có thể gây dịch và đại dịch, tỷ lệ tử vong cao ở thể phổi và thể nhiễm khuẩn huyết.

CHẨN ĐOÁN

1. Ca bệnh nghi ngờ:là ca bệnh có yếu tố dịch tễ và lâm sàng như sau:

1.1. Dịch tễ

– Sống hay di du lịch đến vùng có lưu hành dịch, có chuột chết tự nhiên hàng loạt, tìm thấy bọ chét ở chuột mang vi khuẩn dịch hạch.

– Có tiếp xúc gần với người bệnh dịch hạch thể phổi hoặc tiếp xúc với chất dịch của người bệnh dịch hạch.

1.2. Lâm sàng

* Ủ bệnh: 2 ngày – 6 ngày.

* Khởi phát:

– Sốt cao đột ngột, rét run 39°C – 40°C;

– Đau đầu, đau vùng sắp nổi hạch (thể hạch), hoặc ho (thể phổi).

* Toàn phát:

-Thể hạch (thể phổ biến nhất, chiếm hơn 90% các thể bệnh)

+ Biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.

+ Viêm hạch

Vị trí: gần vị trí bọ chét đốt, hay gặp ở vùng bẹn, nách…

Đặc điểm: hạch sưng to, nóng, đỏ, rất đau, có thể 1 hạch hay 1 cụm hạch sưng. Da xung quanh hạch xung huyết, tổ chức dưới da viêm phù nề. Khi hạch hóa mủ, vỡ, chảy dịch, máu, chất hoại tử, tạo lỗ rò, thành sẹo. Hạch viêm xơ hóa tạo thành cục rắn chắc.

-Thể nhiễm khuẩn huyết có thể tiên phát hoặc sau thể hạch

+ Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc nặng, sốt cao, rét run, kích thích hoặc li bì. Có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như ỉa chảy, nôn, chướng bụng. Có thể có xuất huyết dưới da, có thể có tổn thương màng não, phổi…

+ Trong các trường hợp nặng có thể có sốc, rối loạn đông máu nội mạc rải rác, suy đa cơ quan, hay hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.

-Thể phổi có thể tiên phát hoặc thứ phát sau thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết

+ Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng.

+ Các triệu chứng hô hấp: đau ngực, khó thở, thở nhanh, ho nhiều, ho ra máu, tổ chức hoại tử, trong dịch này soi có nhiều vi khuẩn dịch hạch. Các triệu chứng, tiến triển nhanh đến suy hô hấp nặng.

1.3. Cận lâm sàng

– Công thức máu: bạch cầu tăng 10.000 – 25.000/mm3.

– Hóa sinh máu: tăng men gan, tăng bilirubin, có thể tăng creatinin, ure.

– Có thể có rối loạn đông máu.

– Có thể có rối loạn khí máu.

– Chụp X-quang ngực; hình ảnh viêm phổi, đông đặc phổi hoặc tràn dịch, phù phổi hoặc áp xe phổi.

– Nhuộm soi dịch đờm, dịch màng phổi, dịch não tủy tìm trực khuẩn dịch hạch.

2. Ca bệnh xác định:là ca bệnh nghi ngờ và có 1 trong các xét nghiệm khẳng định chẩn đoán như sau:

– Cấy bệnh phẩm (máu, đờm, dịch hạch, dịch não tủy) dương tính với Y. Pestis.

– PCR dương tính với trực khuẩn dịch hạch.

– Huyết thanh chẩn đoán:

+ Tìm kháng nguyên F1 bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang

+ Hiệu giá kháng thể làm ELISA 2 lần, lần thứ 2 cách lần thứ 1 từ 10-14 ngày. Kết quả dương tính khi hiệu giá kháng thể lần 2 tăng gấp 4 lần lần 1.

3. Chẩn đoán phân biệt

3.1. Thể hạch

– Viêm hạch do các nguyên nhân khác.

– Thể hạch ổ bụng cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng đau bụng ngoại khoa.

3.2. Thể nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn xác định khác: liên cầu lợn, trực khuẩn than, …

3.3. Thể phổi

– Viêm phổi do vi khuẩn khác

– Viêm phổi do vi rút: cúm, Hanta, Corona …

ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

– Tất cả các người bệnh phải được nhập viện điều trị và cách ly

– Dùng kháng sinh đặc hiệu

– Điều trị hỗ trợ

2. Điều trị đặc hiệu

Điều trị kháng sinh đặc hiệu trong 7-10 ngày. Dùng 1 trong các loại thuốc sau:

 

Thuốc

Liều lượng

Đường dùng

Người lớn

Streptomycin

1 g/lần,

dùng 2 lần/ngày

Tiêm bắp

Gentamicin

5 mg/kg/ngày,

dùng 1 lần

Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch

Doxycyclin

100 mg/Iần,

dùng 2 lần/ngày

Uống

Ciprofloxacin

400 mg/lần,

dùng 2 lần/ngày

Uống hoặc truyền tĩnh mạch

Chloramphenicol

25 mg/kg/lần,

dùng 4 lần/ngày

Uống hoặc tiêm tĩnh mạch

Trẻ em

Streptomycin

15 mg/kg/lần,

dùng 2 lần/ngày

Tiêm bắp

Gentamicin

2.5 mg/kg/lần,

dùng 3 lần/ngày

Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch

Doxycyclin

Cân nặng trên 45 kg: dùng liều như người lớn.

Cân nặng dưới 45 kg: dùng 2.2 mg/kg/lần, 2 lần/ngày

Uống

Ciprofloxacin

15 mg/kg/lần,

dùng 2 lần/ngày

Uống hoặc truyền tĩnh mạch

Chloramphenicol

Dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên: 25 mg/kg/lần x 4 lần/ngày

Uống hoặc tiêm tĩnh mạch

Phụ nữ có thai

Gentamicin

5 mg/kg/ngày,

dùng 1 lần

Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch

Doxycyclin

100 mg lần,

dùng 2 lần/ngày

Uống

Ciprofloxacin

400 mg/lần,

dùng 2 lần/ngày

Uống hoặc truyền tĩnh mạch

– Thể hạch: dùng 1 loại kháng sinh

– Thể nhiễm khuẩn huyết hoặc thể phổi: cần phối hợp 2 kháng sinh. Điều trị hết sốt, có thể kéo dài 3-5 ngày.

3. Điều trị hỗ trợ

– Hạ sốt, giảm đau, an thần: paracetamol 10-15 mg/ kg mỗi 4-6 giờ, không quá 60mg/kg trong 24 giờ.

– Bù dịch.

– Điều trị sốc, rối loạn đông máu và suy tạng nếu có.

PHÒNG BỆNH

1. Quản lý nguồn bệnh

– Quản lý các ổ dịch trong tự nhiên, giám sát dịch ngoại lai xâm nhập.

– Theo dõi tình hình chuột chết.

– Tăng cường diệt bọ chét, chuột

– Khuyến khích nuôi mèo.

2. Thuốc dự phòng đối với những người tiếp xúc gần người bệnh:

– Theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 7 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.

– Uống thuốc dự phòng: Uống một trong các loại dưới đây, trong vòng 7 ngày. Theo dõi trong 7 ngày sau khi tiếp xúc:

+ Doxycyclin: người lớn 100 mg/lần x 2 lần/ngày. Trẻ em 2-4 mg/kg/ngày.

+ Ciprofloxacin: 500 mg/lần x 2 lần/ngày. Trẻ em: 20 mg/kg/lần x 2 lần/ngày.

3. Vắc xin

Chỉ định cho người đi vào vùng dịch lưu hành và cho nhân viên chăm sóc động vật

– Vắc xin bất hoạt bằng formalin: tiêm 2 lần, cách nhau 1-3 tháng. Nhắc lại sau mỗi 6 tháng.

– Vắc xin sống giảm độc lực: tiêm trong da 0.1 ml. Nhắc lại hàng năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *